Chiều 25/5, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh buổi họp báo
Đề xuất cơ chế mua sắm dự trữ thuốc hiếm cấp địa phương hoặc quốc gia
Tại cuộc họp, Chánh Văn phòng Sở Y tế - Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, theo Thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về Danh mục thuốc hiếm, TPHCM đang thiếu một số thuốc gồm: Thuốc nhỏ mắt Atropin (BV Mắt); thuốc uống Acitretin (BV Da liễu); thuốc viên Dapson phối hợp sắt oxalat (BV Da liễu); thuốc tiêm Mitoxantrone, thuốc tiêm Idarubicin, thuốc tiêm Foscarnet trisodium hexahydrate (BV Truyền máu Huyết học).
Theo bà Như, các thuốc này thiếu trong thời gian dài do không có nhà cung ứng. Để đáp ứng nhu cầu điều trị, bệnh viện đã sử dụng phác đồ thay thế. Khi thay thế bằng các thuốc khác, bệnh nhân phải chi trả giá thuốc cao hoặc không được bảo hiểm y tế thanh toán.
Đối với một số thuốc hiếm hoặc thuốc phát sinh đột xuất trong các trường hợp cấp cứu, như các trường hợp ngộ độc Botulinum vừa xảy ra, đại diện Sở Y tế chia sẻ, nguồn cung ứng thuốc vẫn là một vấn đề nan giải, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan. Đây hầu hết là các thuốc dùng trong trường hợp khẩn cấp, nhu cầu sử dụng ít và không sẵn có ở Việt Nam. Nguồn cung ứng các thuốc này rất hạn chế do ít công ty sản xuất, nhập khẩu và phân phối, giá trị tiền thuốc cao, nhu cầu sử dụng không thường xuyên. Trước tình trạng đó, Sở Y tế đã đề xuất cơ chế mua sắm dự trữ thuốc hiếm cấp địa phương hoặc quốc gia bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Trước đó, ngày 22/5/2023, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về các trường hợp ngộ độc Botulinum toxin do các bệnh viện tại TPHCM (BV Chợ Rẫy, Nhân Dân Gia Định và Nhi Đồng 2) và Sở Y tế TPHCM báo cáo, Cục Quản lý Dược đã có công văn khẩn cấp gửi đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị hỗ trợ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT).
Chánh Văn phòng Sở Y tế - Lê Thiện Quỳnh Như thông tin về các loại thuốc hiếm TPHCM đang thiếu. Ảnh: HƯƠNG THẢO
Ngày 23/5/2023, WHO đã tích cực rà soát và điều phối thuốc và có công văn phản hồi thực hiện phương án vận chuyển thuốc khẩn cấp dưới sự can thiệp và hỗ trợ của Bộ Y tế về thủ tục nhập khẩu thuốc.
7 giờ tối ngày 24/5/2023, 6 lọ thuốc giải độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Tại TPHCM, Sở Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, cùng với lãnh đạo Cục Quản lý Dược và đại diện các đơn vị tiếp nhận thuốc. Đến 9 giờ tối ngày 24/5/2023, các thủ tục giao nhận khẩn cấp hoàn tất.
Như vậy, với nỗ lực của cả hệ thống và sự hỗ trợ kịp thời của WHO, những lọ thuốc hiếm Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) đã về đến các bệnh viện phục vụ cho công tác cứu chữa người bệnh.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ
Thông tin về tổng số các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp trên địa bàn, Phó phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP - Mai Thanh Tùng cho biết, trên địa bàn TP có 9 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với diện tích đất là 17,54 ha, 517.689,7 m2 sàn xây dựng, quy mô gần 6.400 căn hộ (trong đó có 5 dự án chuyến tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020, 4 dự án động thổ, khởi công trong năm 2022). Bên cạnh đó, TP đang triển khai 2 dự án nhà lưu trú công nhân, với diện tích đất 2,60 ha, 120.624 m2 sàn xây dựng, quy mô 1.400 phòng.
Năm 2022, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Xây dựng đã phối hợp với chủ đầu tư tổ chức lễ khởi công, động thổ 4 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú. Tuy nhiên đến nay, chỉ 1 dự án hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng (Dự án Nhà ở xã hội (khối C) thuộc Khu dân cư Nguyên Sơn, Bình Chánh do Công ty Cổ phần Bất động sản Nguyên Sơn làm chủ đầu tư); các dự án còn lại đang thực hiện thủ tục gia hạn tiến độ, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh quy hoạch chi tiết…
Liên quan đến các khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, ông Mai Thanh Tùng cho biết, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp. Ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục khác. Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.
Theo quy định, nguồn tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền, được sử dụng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn tiền này để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê trong giai đoạn vừa qua còn hạn chế. Nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội, cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay mua nhà là chưa ổn định.
Ngoài ra, thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 mất nhiều thời gian. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng chưa thực sự chủ động về nguồn vốn, nên tiến độ thi công kéo dài. Cơ chế ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa hấp dẫn, nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giải quyết hồ sơ, cách thức làm việc giữa các đơn vị, phân nhóm giải quyết các thủ tục đầu tư thuộc trách nhiệm của Văn phòng UBND TP, các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện và TP Thủ Đức. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, trách nhiệm của công chức trong thực thi nhiệm vụ, trong phối hợp giải quyết các thủ tục đầu tư dự án. Việc lấy ý kiến của các sở ngành phải thống nhất, đồng bộ xuyên suốt trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, không lấy ý kiến một sở ngành nhiều lần trong suốt quá trình thực hiện thủ tục đầu tư.
Sở sẽ lập Kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở xã hội đến năm 2030 trên địa bàn TP để hưởng ứng Đề án của Chính phủ về “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Khẩn trương hoàn thành việc lập và phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó có quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.
Rà soát quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10 ha, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân tại các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý; điển hình hóa thiết kế được cấp phép xây dựng để triển khai, áp dụng hàng loạt nhằm rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng.
Cùng với đó, ghi vốn đầu tư công và ngân sách để thực hiện các dự án, nhiệm vụ trọng tâm, gồm dự án nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được từ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, bổ sung cho Quỹ Phát triển nhà ở TP hoặc giao cho Ban Dân dụng để đầu tư phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.
Kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư các công trình, di tích văn hóa
Thông tin về việc đầu tư, tu bổ các công trình, di tích văn hóa tại TPHCM, Phó Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TP -Nguyễn Mỹ Hạnh cho biết, TP hiện có 185 di tích đã được xếp hạng, gần 100 công trình địa điểm thuộc danh mục kiểm kê. Bên cạnh các công trình đầu tư quy mô lớn như Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ (với tổng mức đầu tư 1.395 tỷ đồng từ vốn ngân sách), TP cũng chú trọng đầu tư các công trình trùng tu, tôn tạo chùa Giác Viên (giai đoạn 2), đình Chí Hòa; tu bổ, tôn tạo Bảo tàng Lịch sử, đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên; tu bổ tôn tạo di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ (giai đoạn 2)…
Hiện Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TPHCM nghiên cứu, thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp các dự án tu bổ, tôn tạo trên địa bàn TP. Sở cũng đang nghiên cứu, đề xuất các dự án kêu gọi xã hội hóa theo phương thức PPP và thu hút vốn FDI (dự kiến khoảng 27 dự án); rà soát các cơ sở nhà, đất do Sở Văn hóa và Thể thao đang quản lý để xem xét các mặt bằng đủ điều kiện sẽ đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư.
“Ngay khi dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 được Quốc hội thông qua, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan lập kế hoạch xây dựng phương án phù hợp, mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, năng lực tham gia các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao” – bà Hạnh thông tin.
Cũng theo bà Hạnh, bên cạnh việc đầu tư cho các công trình kiến trúc của ngành, Sở Văn hóa và Thể thao còn thực hiện các nhiệm vụ đầu tư nâng cấp các sản phẩm công trình văn hóa phi vật thể, các tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng trên địa bàn TP.