(CAO) Hôm 28-3, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết quân đội nước này đang cử máy bay chiến đấu hạng nhẹ bay qua phía trên đội tàu hàng trăm chiếc của Trung Quốc để giám sát trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Mối quan tâm quốc tế đang gia tăng về những gì Philippines mô tả là "sự hiện diện tràn ngập và đe dọa" của hơn 200 tàu Trung Quốc mà Manila tin rằng do lực lượng dân quân Trung Quốc điều khiển tràn xuống Biển Đông.
Các con tàu được neo đậu phi pháp tại đá Ba Đầu (quần đảo Trường Sa, Việt Nam).
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết các máy bay quân sự của Philippines đã được cử đến hàng ngày để theo dõi tình hình.
Lorenzana cho biết quân đội cũng sẽ tăng cường sự hiện diện của hải quân ở Biển Đông để tiến hành các hoạt động “tuần tra chủ quyền” và bảo vệ ngư dân Philippines.
Đội tàu Trung Quốc neo phi pháp ở đá Ba Đầu - Ảnh: Reuters
“Các tài sản trên không và trên biển của chúng tôi đã sẵn sàng để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng tôi” - Lorenzana nói.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Nó cho biết các tàu trú tại đá Ba Đầu là tàu đánh cá trú ẩn khi biển động và không có dân quân trên tàu.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tái khẳng định với đại sứ Trung Quốc, Huang Xilian rằng Philippines đã thắng một vụ kiện trọng tài mang tính bước ngoặt vào năm 2016, trong đó nêu rõ các quyền chủ quyền của mình trong bối cảnh Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp.
(CATP) Sự kiện Trung Quốc (TQ) tăng cường hiện diện của lực lượng dân quân biển (PAFMM) ở khu vực cụm đảo Sinh Tồn thuộc chủ quyền Việt Nam (VN) tại quần đảo Trường Sa đang làm dấy lên mối quan ngại về khả năng nước này triển khai xây dựng tại các thực thể chưa có người ở trên Biển Đông (BĐ), tương tự như kịch bản TQ chiếm đóng đá Vành Khăn (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) năm 1995 (khi đó đang do Philippines kiểm soát trái phép). Mặc dù phía TQ tuyên bố các tàu đánh cá này đang trú đóng "vô hại" để tránh điều kiện thời tiết xấu và phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc về việc chiếm đóng trái phép, nhưng các thông tin trên thực địa lại hoàn toàn trái ngược với lập luận của Bắc Kinh.