(CAO) Hôm 28-3, Reuters đưa tin tổng tham mưu trưởng quân đội của Mỹ và 11 người đồng cấp của các nước khác đồng loạt lên án về việc sử dụng vũ lực chết người của lực lượng chống biểu tình ở Myanmar. Các nước cho rằng hành động đàn áp khiến quân đội nước này mất uy tín với người dân.
Tuyên bố chung này là tuyên bố hiếm hoi của các chỉ huy quân đội ở cấp cao nhất từ các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả ở châu Á và châu Âu.
Nó được đưa ra sau khi các báo cáo tin tức và các nhân chứng cho biết lực lượng chống biểu tình Myanmar đã khiến 114 người thiệt mạng vào ngày 27-3 bao gồm một số trẻ em, biến nó thành ngày đẫm máu nhất trong cuộc đàn áp những người biểu tình kể từ khi cuộc đảo chính quân sự hồi tháng trước nổ ra.
“Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, chúng tôi lên án việc sử dụng vũ lực sát thương đối với những người không có vũ khí của Lực lượng vũ trang Myanmar và các cơ quan liên quan” - dự thảo tuyên bố nhấn mạnh.
Văn bản này được ký kết bởi 12 tổng tham mưu trưởng quốc phòng từ Úc, Canada, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Vương quốc Anh đến Mỹ.
Các nhà ngoại giao từ các nước này đã lên án cuộc đàn áp của quân đội Myanmar, khiến tuyên bố này phần lớn mang tính biểu tượng. Quân đội Myanmar cho đến nay vẫn phớt lờ những lời chỉ trích về cuộc đàn áp bạo lực nhằm vào những người biểu tình.
Biểu tình liên tục diễn ra ở Myanmar nhằm phản đối quân đội đảo chính - Ảnh: Reuters
Trong khi dự thảo tuyên bố không lên án rõ ràng cuộc đảo chính ngày 1-2 lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi, tuyên bố nói rằng một quân nhân chuyên nghiệp phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về ứng xử “và có trách nhiệm bảo vệ, không làm tổn hại những người mà họ phục vụ”.
Tuyên bố cho biết quân đội của một đất nước phải "ngừng bạo lực và làm việc để khôi phục sự tôn trọng và tín nhiệm đối với người dân Myanmar mà họ đã đánh mất thông qua các hành động của mình".
Quân đội Myanmar cho biết họ đã nắm quyền vì cuộc bầu cử tháng 11 do đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng là gian lận, một khẳng định đã bị ủy ban bầu cử của đất nước bác bỏ.
Bà Suu Kyi vẫn bị giam giữ tại một địa điểm không được tiết lộ và nhiều nhân vật khác trong đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà cũng bị giam giữ.
Những người thiệt mạng vào ngày 27-3, Ngày Lực lượng Vũ trang hàng năm của Myanmar, kỷ niệm ngày bắt đầu cuộc kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của Nhật Bản vào năm 1945, đưa số dân thường được báo cáo thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính nổ ra lên hơn 440 người.
Tình hình tại Myanmar khiến các nước bày tỏ quan ngại - Ảnh: Reuters
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và Châu Âu trong tuần này đã làm tăng áp lực từ bên ngoài lên chính quyền.
(CAO) Hôm 27-3, Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo chính quyền quân sự cầm quyền của Myanmar cho biết quân đội sẽ bảo vệ người dân và phấn đấu vì “dân chủ” trong bối cảnh người dân cả nước biểu tình phản đối cuộc đảo chính do lực lượng này gây ra hồi tháng trước.