Cuộc đời huyền thoại của Fidel Castro qua ảnh

Chủ Nhật, 27/11/2016 00:13

|

(CAO) Sáng nay 26-11, nhà lãnh tụ cách mạng lỗi lạc của Cuba Fidel Castro qua đời ở tuổi 90.

  

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng lẫy lừng của mình, ông đã dẫn dắt cách mạng Cuba đi đến thành công năm 1959 chống lại chế độ của nhà độc tài Fulgencio Batista do Mỹ hậu thuẫn.

Từ đó đến nay, Mỹ áp đặt cấm vận kinh tế kéo dài hơn nửa thế kỷ với nước này. Cuba trở thành biểu tượng chiến đấu quật cường, một nhà nước cộng sản cạnh bên nước Mỹ.

Quan hệ Mỹ - Cuba ấm dần lên trong thời gian gần đây khi hai nước tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao, đặt đại sứ quán tại thủ đô hai nước với tiến trình thúc đẩy quan hệ ngoại giao bắt đầu từ tháng 12-2014, mở ra trang sử mới trong quan hệ hai nước.

Fidel Castro sinh ngày 13-8-1926 tại Mayari, Cuba. Cha mẹ ông có đời sống khấm khá, sở hữu một nông trang trồng mía lớn. Suốt thời thơ ấu, ông học ở trường tư nhân của các nhà dòng Thiên Chúa giáo lập ra. Sau khi học hết phổ thông, ông theo học ở Đại học Havana, đại học danh giá nhất đất nước. Nói về ông, giáo viên cho biết ông có một trí nhớ đáng kinh ngạc - Ảnh: trinity.edu

Ông tốt nghiệp ngành luật năm 1950 và nhận ra sức mạnh của các phong trào chính trị. Fidel sau đó đã trở thành một thành viên đầy đủ của Đảng Ortodoxo,vận động cho mình ngồi vào một ghế trong Quốc hội Cuba. Tuy nhiên, kế hoạch của ông đã bị gián đoạn khi nhà độc tài Fulgencio Batista  do Mỹ hậu thuẫn nắm quyền kiểm soát chính phủ,  ngăn chặn sự gia tăng của các đảng cánh tả như  Orthodoxo. Dưới thời Batista, hàng ngàn đối thủ chính trị đã bị sát hại và người dân bị đàn áp - Ảnh: trinity.edu
 

Fidel bắt đầu âm mưu hành động quân sự chống lại chế độ Batista, trở thành người lãnh đạo của gần 200 chiến sĩ cách mạng từ khắp Cuba. Ngày 26 Tháng 7 năm 1953, ông đã dẫn dắt họ trong một cuộc tấn công du kích vào doanh trại quân đội Moncada ở Santiage de Cuba. Chính phủ Batista sau đó đã  gửi quân tiếp viện, giết chết gần hết các nhà cách mạng là đồng chí của Fidel. Riêng ông bị phạt tù 15 năm - Ảnh: trinity.edu

Fidel và các đồng chí của mình trong nhà ngục của chính quyền Batista năm 1953 - Ảnh: Getty Images
Một năm sau, chính quyền Batista ân xá cho các tù nhân chính trị, bao gồm cả Fidel. Kiên định đường lối cách mạng, Fidel chuyển đến Mexico và và thành lập đội quân du kích riêng với mục đích lật đổ chính quyền Batista . Ở đó ông gặp Che Guevara. Họ nhanh chóng gia nhập lực lượng và tập hợp một nhóm 82 lính du kích, đào tạo các kỹ thuật chiến đấu trong chiến tranh. Nhóm này được gọi là nhóm 26 tháng 7 - Ảnh: trinity.edu
Ngày 2-12- 1956, nhóm 26-7 đã trở lại Cuba trên một chiếc thuyền. Họ cập bến Cuba nhưng đã nhanh chóng bị quân đội Batista  phát hiện . Một vài người còn sống sót, bao gồm cả Fidel và Che đã chạy lên núi để trú ẩn. Ở đó, họ đã tiến hành một cuộc chiến tranh du kích và tuyên truyền người dân đi theo cách mạng . Nhóm của Fidel sau 2 năm đã lớn mạnh thành 1 lực lượng quân đội hùng mạnh, đánh đổ chính quyền độc tài do Mỹ hậu thuẫn, buộc Batista rời Cuba vào ngày 1 tháng 1, 1959. Ảnh trên là nhóm du kích 26-7 của Fidel chụp năm 1957  - Ảnh: UPI
Fidel Castro (trái) và đồng đội trong sự ủng hộ của đám đông ở một căn cứ quân sự vào ngày 8-1-1959, một ngày trước khi đoàn quân ông tiến vào giải phóng thủ đô La Havana - Ảnh: AP

Lãnh đạo cách mạng Cuba thành công đập tan chế độ độc tài Batista do Mỹ hậu thuẫn, Fidel trở thành lãnh tụ của quốc đảo Caribe. Trong ảnh là hình Fidel phát biểu trước đám đông vào tháng 2-1959 hứa sẽ tổ chức bầu cử tự do và chấm dứt sự lệ thuộc kinh tế vào Mỹ  - Ảnh: AP
Năm 1959, chỉ vài tháng sau khi cách mạng thành công, Fidel đã công du đến nhiều  quốc gia, trong đó có Mỹ, để khuyến khích sự đoàn kết giữa các dân tộc. Tổng thống Mỹ Eisenhower khi đó đã  từ chối gặp Fidel nhưng Phó Tổng thống Nixon đã gặp ông. Đến New York , Fidel định đến phát biểu trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại trụ sở cơ quan này. Tuy nhiên áp lực từ Mỹ khiến buổi phát biểu này không diễn ra. Về sau, phong trào chống cộng sản gia tăng tại Mỹ, vào giai đoạn căng thẳng của chiến tranh Lạnh, chính quyền Washington đã xếp Fidel vào nhân vật cần tiêu diệt. Cơ hội hòa giải giữa 2 nước bị bỏ lỡ từ đây. Ảnh trên là cảnh Fidel đến thăm New York năm 1959  - Ảnh: Patrick A. Burns/The New York Times
Fidel Castro (phải) và con trai Fidelito ở Havana tháng 2-1959. Từ sự thù địch của Mỹ, sau các chuyến công du năm 1959 trở về, ông đã thành lập một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước đi ngược lại với chế độ và nền kinh tế tư bản của Mỹ. Trước đây, có tới 70% diện tích đất Cuba và các trang trại đã thuộc sở hữu của người nước ngoài. Fidel đã ra lệnh tịch thu  tất cả các doanh nghiệp và lợi ích của Mỹ tại nước này.  Mỹ cuối cùng đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba và áp đặt lệnh cấm vận thương mại vào ngày 31 tháng 1 năm 1961. Lệnh cấm vận đó vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay - Ảnh: AGIP/RDA/Getty Images
Fidel Castro (trái) và Nikita Sergeyevich Khrushchyov -Tổng bí thư và thủ tướng Đảng Cộng sản Liên Xô đương thời chụp năm 1960 . Quay mặt với Mỹ, Fidel chuyển hướng sang chủ nghĩa cộng sản, có quan hệ khăng khít với Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam trong giai đoạn nóng bỏng của Chiến tranh Lạnh. Liên Xô khi đó là nhà viện trợ kinh tế, cố vấn chính trị trọng yếu của Cuba - Ảnh: The New York Times
Ảnh chụp Fidel trên một cánh đồng mía năm 1964. Lúc này ông điều hành kinh tế theo mô hình hợp tác xã, nhà nước nắm các lĩnh vực chủ đạo theo mô hình xã hội chủ nghĩa của Liên Xô  - Ảnh: Jack Manning/The New York Times

Năm 1962, Mỹ- Liên Xô nổ ra khủng hoảng tên lửa khi Liên Xô thiết đặt dàn tên lửa tại Cuba, nhắm thẳng vào bờ đông nước Mỹ. Áp lực từ Mỹ sau đó đã buộc Liên Xô rút tên lửa khỏi Cuba. Ảnh trên là cảnh Fidel Castro phát biểu trên truyền hình năm 1962 trong suốt cuộc khủng hoảng tên lửa này - Ảnh: Keystone-France/Gamma-Keystone, via Getty Images

Fidel Castro là người ủng hộ phong trào cách mạng của cánh tả trên toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực Trung và Nam Mỹ. Ông cũng là một trong những người phản đối mạnh mẽ chiến tranh Việt Nam, ủng hộ Hà Nội thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong ảnh trên, Fidel giương cao lá cờ giải phóng khi thăm vùng thăm vùng giải phóng Trị -Thiên Huế, Việt Nam năm 1973 - Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
Cố đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Lãnh tụ Fidel Castro huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” nhân chuyến thăm của Fidel Castro đến Việt Nam tháng 9-1973 - Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam. 
Ảnh chụp Fidel tháng 1-1976 tại sân bay Havana. Lúc này ông đã trải qua nhiều vụ ám sát hụt được Cục Tình báo Liên bang Mỹ (CIA) tổ chức. Ông đã được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness là người sống sót qua nhiều âm mưu ám sát nhất do CIA cùng các thế lực vây cánh tiến hành - 638 vụ theo thống kê chính thức của Cuba - Ảnh: Prensa Latina/Reuters
Fidel phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York 10-1979. Quan hệ Mỹ - Cuba có cải thiện hơn một chút trong thời kỳ tổng thống Jimmy Carter cầm quyền - Ảnh: Paul Hosefros / The New York Times
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Havana và gặp gỡ Fidel Castro tháng 1 - 1998. Tại đây Giáo hoàng đã lên án cấm vận Mỹ áp lên Cuba là "không công bằng, không có đạo đức và  không thể chấp nhận". Lúc này Liên Xô gần đi đến giai đoạn tan rã (1991) - Ảnh: Zoraida Diaz / Reuters
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Cuba Fidel Castro gặp nhau tại Hà Nội trong khuôn khổ chuyến công du của nhà lãnh đạo Cuba tới Việt Nam hồi tháng 2-2003 -Ảnh: Reuters 

Fidel Castro (trái) và em trai ông Raúl, Castro tại một phiên họp Quốc hội ở thủ đô Havana năm 2004. Fidel Castro vào năm 2006 đã trao phần lớn quyền lực của mình để Raúl hai năm sau đó chính thức trở thành chủ tịch Cuba từ đó đến nay - Ảnh: Cristobal Herrera / AP
Cựu chủ tịch nước Trần Đức Lương trong cuộc gặp với Fidel (phải) tại Havana vào năm 2004 - Ảnh: AFP/Getty Images
Ảnh chụp Fidel năm 2005. Lúc này tuổi cao sức yếu, ông đã rút lui dần khỏi chính trường - Ảnh: Reuters
Cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) thăm lãnh tụ Cuba Fidel Castro tại La Habana vào tháng 3-2014. Lúc này, vị lãnh tụ lỗi lạc đã rời chính trường Cuba - Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam 
Ngày 15-11-2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân thăm chính thức Cuba, gặp lãnh tụ Fidel Castro. Trong ảnh, chủ tịch nước tặng bức họa chân dung của Fidel cho ông - Ảnh: EPA
Sáng nay 26-11, chủ tịch Cuba Raul Castro thông báo trên truyền hình anh ông - Fidel Castro đã qua đời ở tuổi 90 - Ảnh: video truyền hình Cuba 

Bình luận (0)

Lên đầu trang