(CAO) Hôm 31-7 (giờ Mỹ), cuộc họp giữa bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hawaii đã không đạt được thỏa thuận cuối cùng về tự do hóa thương mại do bất đồng giữa các nước thuộc khu vực Bắc Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico) và Nhật về ngành xe hơi.
Theo đó, vấn đề nổi cộm vẫn còn bất đồng giữa các bên là việc họ chưa tìm được tiếng nói chung trong quy định về xuất xứ đối với xe hơi. Theo đó, xe hơi sẽ không bị đánh thuế khi được thiết kế, sản xuất và lắp ráp từ các nước nằm trong TPP.
Hiện nay, các nhà sản xuất xe hơi Nhật lại đang sử dụng nhiều linh kiện do Thái Lan- nước không nằm trong TPP sản xuất. Cả Canada và Mexico- hai nước phụ thuộc và ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ cũng chưa đồng thuận về vấn đề này vì lo sợ các quy định nghiêm ngặt về xuất xứ xe hơi của TPP sẽ làm đảo lộn chuỗi sản xuất xe hơi của họ (như vấn đề linh kiện xe hơi lấy từ đâu).
Bên cạnh đó, Nhật cũng muốn Mỹ bỏ thuế với linh kiện xe hơi Nhật nhập vào Mỹ nhưng hai bên vẫn chưa đạt được đồng thuận.
Các đại diện thương mại 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Hawaii - Ảnh: AP
Về vấn đề thị trường sữa, New Zealand khẳng định sẽ không ủng hộ thỏa thuận TPP về tự do hóa thương mại nếu thỏa thuận này không mở cửa hơn nữa đối với thị trường này.
Trong khi đó, Úc và Mỹ cũng chưa đạt được đồng thuận về vấn đề thời gian bảo vệ dữ liệu dùng để phát triển thuốc sinh học. Reuters đưa tin Mỹ muốn 12 năm, trong khi Úc chỉ muốn 5 năm.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng thương mại Úc Andrew Robb nhận định : “vấn đề nằm ở Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico trong khi các nước đã giải quyết được 98% vấn đề”.
Việc TPP chưa đạt được là cản trở đối với chính quyền Obama khi các chuyên gia quốc tế nhận định Washington đang dùng TPP làm công cụ cho chính sách “xoay trục về châu Á” trong lĩnh vực kinh tế của mình.
Đại diện phái đoàn đàm phán TPP tại Hawaii lần này có Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng.