Kế hoạch thay đổi vì ông Trump
Hãng tin Reuters hôm 13/2 đưa tin cho đến gần đây, Giám đốc điều hành (CEO) Austin Ramirez vẫn duy trì kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Mexico như một phần trong chiến lược mở rộng sản xuất toàn cầu và chuyển hướng khỏi Trung Quốc của công ty có trụ sở tại bang Wisconsin (Mỹ).
"Mexico đã trở nên vô cùng hợp lý cách đây 6 tháng", CEO của Husco, một nhà sản xuất linh kiện thủy lực được sử dụng trong ô tô và thiết bị địa hình như máy ủi nói với Reuters. Bây giờ thì không còn như vậy nữa.
Giống như nhiều nhà sản xuất khác của Mỹ, Husco phải đối mặt với danh sách ngày càng dài các chính sách thương mại dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump đã làm xáo trộn các kế hoạch đầu tư và ảnh hưởng sự phục hồi của nền kinh tế sản xuất trong nước.
Mối đe dọa về thuế quan đối với Mexico, đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Mỹ của ông Trump đã làm nhiều nhà sản xuất như Husco chao đảo.
Ông Trump đã đưa việc thúc đẩy sản xuất bởi các nhà máy đóng trong nước trở thành chủ đề trong chiến dịch tranh cử, trong đó có nhiều lời hứa về thuế quan và ít quy định hơn. Quan điểm đó đã giúp giành được sự ủng hộ ở các khu vực công nghiệp đang suy yếu, bao gồm các tiểu bang dao động (cử tri phân vân giữa chọn ứng viên của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hoà) như Wisconsin.
![](http://image.congan.com.vn/thumbnail/CATP-480-2025-2-13/anh-man-hinh-2025-02-13-luc-174805_1296_778_772.png)
Doanh nghiệp gặp khó vì chính sách thương mại thay đổi liên tục của ông Trump
Nhưng giờ đây, khi những chính sách đó đang dần định hình, bao gồm cả động thái áp thêm 25% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ trong tuần này, thì chi phí thực sự cũng đang dần được chú ý hơn. Ví dụ, thuế quan đối với kim loại sẽ giúp các nhà máy trong nước sản xuất chúng nhưng đồng nghĩa với việc giá cả sẽ cao hơn đối với mạng lưới các công ty lớn như Husco sử dụng những nguyên liệu thô đó từ nguồn nhập khẩu.
Trong khi đó, mối đe dọa của các cuộc chiến tranh thương mại đã tạo ra sự bất ổn ngày càng tăng về cách các công ty nên định hình chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.
Sản xuất, chiếm 10,3% nền kinh tế Mỹ, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023 để kiềm chế lạm phát. Mặc dù ngân hàng trung ương đã bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 năm ngoái, nhưng lĩnh vực nhà máy vẫn chưa cho thấy nhiều dấu hiệu tăng trưởng mạnh.
Một cuộc khảo sát quan trọng về hoạt động sản xuất của Mỹ cho thấy lĩnh vực này đã mở rộng vào tháng 1 lần đầu tiên sau hơn hai năm, nhưng mối đe dọa về thuế quan khiến các nhà kinh tế đặt câu hỏi liệu sự phục hồi có thể duy trì được hay không.
Doanh nghiệp 'quay như chong chóng'
Theo Reuters ghi nhận, một số bộ phận của ngành sản xuất đang hoạt động mạnh mẽ, trong nhiều trường hợp là nhờ vào sổ đặt hàng đã được lấp đầy đến mức tràn ngập trong thời kỳ bùng nổ đại dịch. Emerson, nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật có trụ sở tại St. Louis, đã báo cáo lợi nhuận quý đầu tiên vượt ước tính vào tuần trước, nhờ vào nhu cầu phục hồi mạnh mẽ trong đơn vị van và bộ điều chỉnh của mình.
CEO Lal Karsanbhai đã nói với các nhà đầu tư rằng ông thấy các đơn đặt hàng tăng đáng kể trong nửa cuối năm.
Nhưng ngay cả họ cũng thấy sự hỗn loạn về các chính sách thuế quan. Công ty cho biết họ đã sẵn sàng thực hiện tăng giá và phụ phí để bảo vệ lợi nhuận của mình nếu thuế quan mới áp dụng đối với Mexico, chẳng hạn.
David MacGregor, nhà phân tích cấp cao và chủ tịch của Longbow Research tại Cleveland, cho biết "cho đến vài tuần gần đây", ông nghĩ rằng các nhà máy của Mỹ đang chuẩn bị cho một năm hoạt động vững chắc vào năm 2025.
"Hầu hết các công ty này đều có lượng đơn hàng tồn đọng khá tốt" - ông lưu ý.
![](http://image.congan.com.vn/thumbnail/CATP-480-2025-2-13/anh-man-hinh-2025-02-13-luc-175122_1000_600_983.png)
Chính sách thương mại của ông Trump gây xáo trộn kinh tế
Nhưng MacGregor cho biết hiện ông thấy nhiều công ty "đang phanh gấp". Một chi tiết đáng chú ý mà ông thấy trong đợt báo cáo thu nhập mới nhất là sự suy yếu trong chi tiêu của người tiêu dùng đối với các mặt hàng như xe máy.
Harley-Davidson, nhà sản xuất xe máy có trụ sở tại Milwaukee, dự báo lợi nhuận và doanh thu năm 2025 sẽ đi ngang hoặc giảm 5 phần trăm vì công ty cảm thấy sức nóng từ người tiêu dùng đang kiềm lại nhu cầu mua hàng đắt tiền. Nhu cầu đối với tất cả các loại đồ chơi đắt tiền, một loại chi tiêu bùng nổ trong những ngày đại dịch Covid dẫn đến phong tỏa, đã giảm, trong khi lạm phát dai dẳng và lãi suất cao đã buộc nhiều người tiêu dùng phải ưu tiên chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu.
John Healy, giám đốc điều hành tại Northcoast Research ở Cleveland, cho biết ông và các nhà phân tích khác đang kỳ vọng người tiêu dùng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi chi tiêu trong những tháng tới.
"Nhưng điều đó vẫn chưa thành hiện thực ở bán lẻ" - ông nói, lưu ý rằng trong khi lãi suất do Cục dự trữ liên bang (Fed) đặt ra đã giảm, chi phí vay của người tiêu dùng chỉ giảm nhẹ.
Tại Husco, có trụ sở tại Waukesha, Wisconsin, CEO Ramirez cho biết doanh nghiệp của ông vẫn hoạt động mạnh mẽ và ông vẫn muốn tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh sau khi đã lên kế hoạch cho Mexico, nhưng không phải ở Mỹ.
Ông cho biết, việc xây dựng cơ sở sản xuất tại Mỹ không phải là một lựa chọn, vì các mặt hàng được sản xuất trong hoạt động mới của công ty có hàm lượng lao động cao. Ông đang cân nhắc một số quốc gia có chi phí nhân công thấp hơn, có thể là Ấn Độ. Nhưng những tuần gần đây đã cho thấy thuế quan của ông Trump có thể ảnh hưởng đến bất kỳ nơi nào, Ramirez cho biết.
"Chúng tôi đã thấy mọi thứ có thể thay đổi như thế nào. Vì vậy, việc đưa ra quyết định thực sự rất khó khăn" – ông Ramirez chia sẻ với Reuters.