(CATP) Người đang dẫn đầu cuộc đua giành đề cử của Đảng Cộng hòa để ra tranh cử Tổng thống Mỹ- tỷ phú Donald Trump đã tuyên bố với New York Times rằng cách tốt nhất để ngăn Trung Quốc bố trí các sân bay quân sự và khẩu đội tên lửa chống máy bay trên các đảo Bắc Kinh tự ý tôn tạo trái phép trên Biển Đông, là đe dọa sự tiếp cận của họ đối với thị trường Mỹ.
Không đề cập đến khả năng Bắc Kinh trả đũa về kinh tế, Trump lập luận: “Chúng ta nắm quyền lực kinh tế rất lớn đối với Trung Quốc... Và đó là sức mạnh của thương mại”.
Phát biểu của Trump đưa ra trong buổi phỏng vấn dài 100 phút của phóng viên New York Times hôm thứ sáu và được báo này đăng hôm 26-3-2016, trong đó các câu hỏi tập trung vào chính sách đối ngoại của Trump nếu ông này được bầu là tổng thống Mỹ. Trump cho biết mình sẽ cân nhắc việc dừng mua dầu lửa từ Saudi Arabia, nếu chính phủ nước này không cung cấp quân để chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trong buổi phỏng vấn, Trump cũng chỉ định thêm thiếu tướng về hưu Gary Harrell, thiếu tướng Bert Mizusawa và chuẩn đô đốc về hưu Charles Kubic vào danh sách cố vấn chính sách đối ngoại vốn đã có sẵn 5 cái tên bị chỉ trích là khá mờ nhạt.
Mang quan điểm rạch ròi về kinh tế, Trump nhấn mạnh Mỹ phải được các nước mình bảo vệ bồi hoàn, kể cả những quốc gia có nguồn tài nguyên dồi dào như Saudi Arabia - nhà sản xuất dầu lửa hàng đầu. Trump nói: “Nếu không có chúng ta, Saudi Arabia sẽ chẳng thể tồn tại lâu”.
Tuyên bố với New York Times rằng mình sẵn sàng nghĩ lại những liên minh truyền thống của Mỹ nếu trở thành tổng thống, Trump cũng cho biết sẽ để ngỏ việc cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc xây dựng các kho vũ khí hạt nhân dành cho họ, hơn là phụ thuộc vào “chiếc dù” hạt nhân của Mỹ trong việc bảo vệ hai nước chống lại CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc.
Về vấn đề đáp trả kinh tế, Trump cho rằng mình luôn trong tâm thái sẵn sàng rút các lực lượng Mỹ khỏi Nhật Bản lẫn Hàn Quốc, nếu hai nước này không đóng góp thêm vào chi phí nhà ở và trả lương số binh sĩ đồn trú tại đây. Tỉ phú này cũng khẳng định sẽ tìm cách tái đàm phán nhiều hiệp ước cơ bản với các đồng minh của Mỹ, có thể bao gồm cả hiệp ước tồn tại 56 năm nay với Nhật mà ông mô tả là chỉ có một chiều.
Trump đòi trả đũa bằng kinh tế để Trung Quốc chùng bước ở Biển Đông
Tóm lại, trong thế giới quan của Trump, Mỹ trở thành cường quốc nhạt nhòa và cơ chế chính mà ông sẽ thiết lập lại nhấn mạnh vai trò trung tâm của Mỹ đối với thế giới là mặc cả về kinh tế. Với lối tiếp cận hầu hết các cuộc xung đột hiện nay trên thế giới thông qua lăng kính một cuộc thương thuyết, ngay cả khi Trump mơ hồ về các mục tiêu chiến lược mà mình tìm kiếm, một lần nữa ông lại bới móc cách xử lý của chính quyền Obama trong các cuộc đàm phán với Iran năm ngoái, nhưng bản thân lại chỉ đưa ra được một ý tưởng mới về cách sẽ thay đổi nội dung thương lượng.
Khi thảo luận về tương lai NATO, Trump cũng đề cập đến vấn đề kinh tế và gọi đó là “không công bằng với chúng ta” đồng thời tuyên bố sẽ để ngỏ việc chọn một tổ chức thay thế tập trung vào chống khủng bố.
Quan điểm của Trump, như ông giải thích, không phù hợp với bất kỳ tầm nhìn nào trong lịch sử gần đây của Đảng Cộng hòa. Không phải là người theo chủ nghĩa quốc tế như Tổng thống George Bush và cũng chẳng ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống George W. Bush là đem lại cho Mỹ sứ mệnh truyền bá dân chủ khắp thế giới, Trump chỉ nhất trí với ý kiến cho rằng những ý niệm của mình phải là “nước Mỹ trên hết”.