Đức-Trung Quốc nhất trí cần phải có giải pháp chính trị cho Syria

Thứ Sáu, 30/10/2015 08:28  | Anh Duy

|

(CAO) Cuộc gặp giữa thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 29-10 tại Bắc Kinh đã đi đến quan điểm chung giữa hai bên là cuộc nội chiến tại Syria cần phải giải quyết bằng một giải pháp chính trị.

Reuters đưa tin chính quyền Trung Quốc nhiều lần phản đối việc dùng vũ lực để giải quyết khủng hoảng tại Syria, thay vào đó việc tìm một giải pháp chính trị phù hợp là con đường duy nhất.

Thủ tướng Trung Quốc khẳng định: “Điều quan trọng nhất là phải nắm bắt cơ hội để thực hiện một giải pháp chính trị và thiết lập một cuộc đối thoại chính trị bình đẳng, toàn diện và cởi mở”. Ông hứa Trung Quốc sẽ “đóng một vai trò xây dựng” trong lộ trình tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Syria.

Đáp lại, Thủ tướng Đức Merkel đồng thuận: “ chúng ta cần một giải pháp chính trị ngoại giao, một giải pháp với các cuộc đàm phán đem những bên tham gia chủ chốt ngồi lại với nhau”.

Các bên “chủ chốt” tham gia đàm phán Syria ngoài Trung Quốc, Đức dĩ nhiên không thể thiếu Mỹ, Nga, Liên minh Châu Âu, Liên đoàn Ả Rập và nay thêm nhân tố mới: Iran.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (đeo kiếng) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Bắc Kinh hôm 29-10 - Ảnh: Reuters

Thân chinh đường dài qua Trung Quốc để thảo luận sâu về tình hình Syria, bà Merkel đang tỏ rõ cho dư luận thấy chính quyền Đức ngày càng mệt mỏi về vấn đề khủng hoảng di cư, khi phần lớn trong đó là người tị nạn Syria chạy trốn chiến sự bằng cách vượt biên trái phép sang Đức. Chỉ khi khủng hoảng Syria được giải quyết nhanh, Berlin mới “nhẹ gánh” với người tị nạn.

Còn với Trung Quốc, Reuters nhận định nước này không chịu nhiều ảnh hưởng từ tình hình Syria. Hãng tin này bình luận: “Trung Quốc là một tay chơi chính trị có ít vai trò ở khu vực Trung Đông mặc dù nước này phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu mỏ từ khu vực này”.

Trong khi đó, khủng hoảng tại Syria tiếp tục chứng kiến màn “khẩu chiến” giữa Nga-Mỹ quanh vai trò của tổng thống Syria Bashar al-Assad. Matxcơva giữ quan điểm Assad cần tại vị ít nhất cho đến khi nước này tìm ra một giải pháp dung hòa xử lý khủng hoảng. Trong khi đó, Washington tố Nga không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria rồi lợi dụng việc này để không kích luôn các nhóm đối lập “ôn hòa” chống chính quyền Assad.

Bình luận (0)

Lên đầu trang