Họp khẩn
Hãng tin Reuters hôm 6/12 đã tường thuật lại hành trình cứu nguy tài chính đầy cam go này:
Vào khoảng 11 giờ tối 3/12, Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok - một trong số phần lớn các thành viên nội các phản đối thiết quân luật, đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại Câu lạc bộ ngân hàng Seoul, một địa điểm họp không chính thức dành cho các nhà hoạch định chính sách hàng đầu từ ngân hàng trung ương, bộ tài chính và các cơ quan quản lý ngân hàng và thị trường.
Khi quân đội xông vào quốc hội, bốn cơ quan tài chính hàng đầu của Hàn Quốc, được gọi là F4, đã kích hoạt một sách lược khẩn cấp đã được sử dụng trong các cuộc khủng hoảng trước đây để cố gắng ngăn chặn đợt bán tháo đồng won trước khi thị trường châu Á thức giấc.
Choi đã dẫn đầu các cuộc thảo luận giữa các nhà chức trách, theo ba nguồn thạo tin với cuộc họp nói với Reuters, trong đó có cuộc họp với Ngân hàng Hàn Quốc – ngân hàng trung ương nơi chịu trách nhiệm về các nỗ lực ổn định tiền tệ.
Thông báo đầu tiên được đưa ra nhanh chóng. Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết sẽ bơm tiền mặt không giới hạn vào thị trường khi cần thiết, điều này từng kéo đồng won trở lại từ mức thấp nhất từng thấy vào năm 2009 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
"Đó là ý tưởng của Thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc - Rhee Chang-yong khi đưa ra thông điệp này một cách nhanh chóng" - một quan chức chính phủ giấu tên nói với Reuters. "Rhee cho biết điều thực sự quan trọng là phải hành động trước, vì tin tức này sẽ gây sốc lớn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài so với người dân địa phương".
Trong bốn thập kỷ kể từ lần cuối cùng Hàn Quốc áp dụng thiết quân luật, quốc gia này đã vượt qua một số cuộc khủng hoảng và phát triển đáng kể các hệ thống của mình để tập trung vào việc đảm bảo ổn định kinh tế.
Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 đã hình thành nên cơ sở cho chiến lược này. Sự kiện đó đã gây ảnh hưởng sâu sắc nhất đến Hàn Quốc, một quốc gia khi đó phải gánh chịu rất nhiều khoản nợ ngắn hạn và là sân chơi cho các nhà đầu cơ nước ngoài, buộc nước này phải nhận một gói cứu trợ 'không mong muốn' từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Người dân đã quyên góp vàng của họ cho Seoul để cứu nguy cho kho bạc quốc gia cạn kiệt.
Bộ Tài chính Hàn Quốc đã hành động kịp thời để cứu đồng won sau khi tổng thống nước này bất ngờ ban bố thiết quân luật - Ảnh: Reuters
"Chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng. Chúng tôi đã trải qua những thăng trầm trong những cuộc khủng hoảng đó, bao gồm cả đại dịch, và đã chuẩn bị sẵn một bộ công cụ" - một quan chức Ngân hàng Hàn Quốc nói với Reuters trong điều kiện giấu tên.
Lần cuối cùng bốn cơ quan lớn của Hàn Quốc can thiệp mạnh mẽ như vậy vào thị trường là năm 2020 khi đại dịch COVID-19 làm sụp đổ các thị trường xuất khẩu của nước này.
Những khó khăn hiện tại của Hàn Quốc với tăng trưởng kinh tế yếu ớt, đình công của công nhân, bế tắc ngân sách và những rắc rối của đối tác thương mại Trung Quốc khiến các nhà chức trách đã phải cảnh giác cao độ về những biến động mạnh của tiền tệ.
Đồng won đã giảm 9% trong năm nay so với đô la Mỹ, trong khi chỉ số KOSPI đã giảm 8%, cả hai đều tụt hậu so với các thị trường mới nổi khác. Dòng tiền nước ngoài đã rời khỏi thị trường chứng khoán Hàn Quốc kể từ tháng 8, với tổng mức chảy ra trong bốn tháng lên tới hơn 14 tỷ đô la Mỹ.
"Rõ ràng là họ nhận thức được thực tế rằng sẽ có một chút hoảng loạn, đặc biệt là từ người nước ngoài, vì vậy họ đã làm đúng" - Jon Withaar, người quản lý quỹ đầu cơ tình huống đặc biệt của châu Á tại Pictet Asset Management cho biết. "Đây thực sự là những gì các chính phủ và ngân hàng trung ương đang làm hiện nay, khi họ thấy những sự kiện như thế này, họ chỉ cung cấp thanh khoản không giới hạn. Đó là chiến thuật trong đại dịch COVID".
Cơ chế kiểm soát
Cho đến đầu tuần này, Choi là một trong những người trung thành của tổng thống Yoon theo đường lối bảo thủ trong nội các, người đã đảm nhiệm nhiều vị trí trong chính phủ kể từ khi tổng thống đắc cử vào tháng 3 năm 2022, bắt đầu với tư cách là thư ký của bộ phận kinh tế. Ông đã thăng tiến lên chức thư ký kinh tế trưởng, một vị trí cho phép ông đi cùng Yoon khắp thế giới, trước khi đảm nhận công việc hiện tại của mình vào tháng 12/2023.
Trong sự hỗn loạn của tuần này, Choi là "tháp kiểm soát", các nguồn tin cho biết, chỉ đạo việc truyền đạt thông điệp và phản hồi trong ngày hôm sau và thậm chí khi những diễn biến tiếp theo dẫn đến việc toàn bộ nội các đề nghị từ chức.
Kế hoạch dự phòng chi tiết có một danh sách dài các hành động cần thực hiện trong mọi kịch bản thị trường có thể xảy ra, bắt đầu bằng loạt thông điệp trấn an đầu tiên gửi đến thị trường cho đến các hoạt động tài trợ và cứu hộ cụ thể, theo một cựu nhà hoạch định chính sách xử lý các vấn đề tiền tệ tại Bộ Tài chính cho biết. Tuy nhiên, thiết quân luật không nằm trong danh sách các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra theo kế hoạch này.
Choi đã có mặt tại cuộc họp nội các mà tổng thống Yoon triệu tập từ 9 giờ tối đến 10 giờ tối ngày 3/12 để thảo luận về các kế hoạch thiết quân luật của mình, mà theo các nguồn tin chính thức của chính phủ cho biết hầu hết các thành viên đều phản đối hoặc bày tỏ lo ngại. Chỉ vài giờ trước đó, Choi đã có mặt tại một diễn đàn dành cho các nhà đầu tư toàn cầu và địa phương để ăn mừng việc Hàn Quốc được đưa vào chỉ số trái phiếu WGBI chuẩn của FTSE Russell. Đến 11 giờ tối, ông đã triệu tập nhóm của mình đến Câu lạc bộ ngân hàng Seoul.
Một quan chức tham dự cuộc họp cho biết Choi đã có mặt tại địa điểm tổ chức trước mọi người. Một người khác cho biết: "Bộ trưởng Tài chính Choi đã đến từ cuộc họp nội các của văn phòng tổng thống. Ông ấy đã phản đối kịch liệt kế hoạch vô lý này".
Người dân Hàn Quốc xuống đường biểu tình yêu cầu tổng thống Hàn Quốc - Yoon Suk Yeol từ chức sau biến cố chính trị những ngày qua - Ảnh: Reuters
Kang Youngkyu, người phát ngôn của bộ này, từ chối bình luận khi được hỏi liệu Choi có tham dự cuộc họp nội các và phản đối kế hoạch thiết quân luật của tổng thống Yoon hay không, nhưng cho biết ông "đã chủ trì cuộc họp F4 vào khoảng 11 giờ tối 3/12 và xem xét các kế hoạch dự phòng với các đồng nghiệp của mình suốt đêm".
Các thông báo từ F4 được đưa ra liên tiếp. Ngân hàng Hàn Quốc khi đó cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp hội đồng chính sách tiền tệ bất thường vào buổi sáng 4/12 và Cơ quan Giám sát tài chính cho biết sẽ triển khai các biện pháp để ổn định thị trường.
Đến 1 giờ sáng ngày 4/12 tại Seoul, quốc hội đã tuyên bố bác sắc lệnh thiết quân luật của Yoon. F4 vẫn kiên trì thực hiện các biện pháp, họp qua đêm với các đại biểu của mình, họp lại lúc 7 giờ sáng và cam kết duy trì hoạt động bình thường của thị trường trong khi cơ quan quản lý tài chính cho biết đã sẵn sàng triển khai quỹ ổn định thị trường chứng khoán trị giá 10 nghìn tỷ won (7,06 tỷ đô la Mỹ).
Kế hoạch phần lớn đã có hiệu quả. Đồng won đã thoát khỏi mức thấp nhất trong hai năm và thị trường chứng khoán Hàn Quốc, một trong những thị trường chứng khoán mới nổi có hiệu suất kém nhất trong năm nay, đã mất hơn 2,5% trong 3 ngày qua (nhưng đáng ra có thể tụt hơn nữa nếu như Bộ tài chính không hành động kịp thời).
Thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc (đóng vai trò là ngân hàng trung ương của nước này) - Rhee đã bày tỏ sự nhẹ nhõm vào ngày 5/12.