(CAO) Cơ quan phòng chống AIDS của Liên Hợp quốc (UNAIDS) hôm 7/2 cho biết hơn 6 triệu người có thể tử vong vì HIV/AIDS trong 4 năm tới nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt giảm tài trợ toàn cầu cho các chương trình.
Phó giám đốc điều hành của UNAIDS - Christine Stegling nói với các phóng viên tại Geneva rằng mặc dù đã có lệnh miễn trừ đối với các chương trình HIV/AIDS trong lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài của Mỹ vào tháng trước, nhưng vẫn còn nhiều lo ngại về tương lai của các chương trình điều trị.
"Có rất nhiều sự nhầm lẫn, đặc biệt là ở cấp cộng đồng, về cách thức miễn trừ sẽ được thực hiện. Chúng tôi đang chứng kiến rất nhiều sự gián đoạn trong việc cung cấp các dịch vụ điều trị" - Christine Stegling cho biết.
Ông Trump đã tạm dừng hàng trăm triệu đô la tiền viện trợ nước ngoài trong 90 ngày sau khi nhậm chức vào ngày 20/1. Trong những ngày tiếp theo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành lệnh miễn trừ đối với Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của tổng thống về AIDS (PEPFAR) - sáng kiến HIV hàng đầu thế giới để hỗ trợ nhân đạo cứu sống các bệnh nhân mắc phải căn bệnh thế kỷ này.
Trong khi hoan nghênh lệnh miễn trừ, Stegling nhấn mạnh rằng tình hình vẫn hỗn loạn.
![](http://image.congan.com.vn/thumbnail/CATP-480-2025-2-8/anh-man-hinh-2025-02-08-luc-112327_1408_845_496.png)
Trụ sở của UNAIDS tại Geneva, Thuỵ Sĩ
Trong bối cảnh nguồn tài trợ suy giảm rộng hơn, Stegling cảnh báo sẽ có nguy cơ gia tăng 400% số ca tử vong do AIDS nếu hỗ trợ tài chính của PEPFAR không được tái phê duyệt trong giai đoạn 2025-2029.
"Đó là 6,3 triệu người, 6,3 triệu ca tử vong liên quan đến AIDS sẽ xảy ra trong tương lai... Bất kỳ xu nào, bất kỳ khoản cắt giảm nào, bất kỳ sự tạm dừng nào, đều quan trọng đối với tất cả chúng ta" - bà nói, thúc giục các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc vào cuộc.
"Tại Ethiopia, chúng tôi có 5.000 hợp đồng với nhân viên y tế công được tài trợ bởi sự hỗ trợ của Mỹ. Và tất cả những hợp đồng này đã bị chấm dứt" - Stegling cho biết.
Bà nhấn mạnh rằng các phòng khám cộng đồng đang phải đối mặt với sự gián đoạn lớn nhất vì họ "hoàn toàn phụ thuộc" vào nguồn tài trợ của chính phủ Mỹ.
Bà bày tỏ lo ngại rằng một số người có thể không đến điều trị, điều này có thể làm tăng các ca nhiễm HIV mới.
Các khoản đóng góp của Mỹ chiếm phần lớn nguồn tài trợ toàn cầu cho chương trình của Liên Hợp quốc hoạt động tại 70 quốc gia, dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt AIDS như một mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
Chính quyền Trump cho biết họ đang xem xét lại tất cả các chương trình viện trợ nước ngoài để xem liệu chúng có phù hợp với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông hay không.