(CAO) Hôm 18/5, Reuters đưa tin tổ chức đánh giá tín dụng Moody's đã hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ vào ngày 17/5 do lo ngại về khoản nợ ngày càng tăng, lên tới 36 nghìn tỷ đô la của quốc gia này.
Việc Moody's hạ tín nhiệm là một động thái có thể làm phức tạp thêm nỗ lực cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump và tạo ra làn sóng tác động lan tỏa trên thị trường toàn cầu.
Moody's lần đầu tiên đưa ra xếp hạng "Aaa" cho Mỹ vào năm 1919 và là cơ quan tín dụng lớn cuối cùng trong ba cơ quan hạ xếp hạng này.
Việc hạ một bậc xuống "Aa1" vào ngày 16/5 diễn ra sau khi cơ quan này thay đổi đánh giá triển vọng về quốc gia vào năm 2023 do thâm hụt tài chính lớn hơn và thanh toán lãi suất cao hơn.
"Các chính quyền và Quốc hội Mỹ đã liên tiếp không thống nhất được các biện pháp để đảo ngược xu hướng thâm hụt tài chính hàng năm lớn và chi phí lãi suất ngày càng tăng" - Moody's cho biết vào ngày 16/5 khi họ thay đổi triển vọng của mình về Mỹ từ "tiêu cực" thành "ổn định".
Thông báo này đã vấp phải sự chỉ trích từ những người thân cận với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Stephen Moore, cựu cố vấn kinh tế cấp cao của Trump và là nhà kinh tế tại Heritage Foundation gọi động thái này là "vô lý". "Nếu trái phiếu chính phủ do Hoa Kỳ bảo lãnh không phải là tài sản AAA thì là gì?" - ông nói với Reuters.

Một góc thành phố New York - Mỹ. Ảnh: Reuters
Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Steven Cheung đã phản ứng với việc hạ cấp thông qua một bài đăng trên mạng xã hội, chỉ trích nhà kinh tế của Moody's - Mark Zandi. Ông gọi Zandi là đối thủ chính trị của Trump.
Zandi từ chối bình luận. Zandi là nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, một đơn vị riêng biệt với cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's.
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1, Trump đã nói rằng ông sẽ cân bằng ngân sách trong khi Bộ trưởng Tài chính của ông - Scott Bessent đã nhiều lần nói rằng chính quyền hiện tại đặt mục tiêu giảm chi phí tài trợ của chính phủ Mỹ.
Nhưng những nỗ lực tăng doanh thu và cắt giảm chi tiêu của chính quyền cho đến nay vẫn chưa thuyết phục được các nhà đầu tư.
Những nỗ lực cắt giảm chi tiêu của Trump thông qua Bộ Hiệu quả chính phủ của Elon Musk đã không đạt được mục tiêu ban đầu. Và những nỗ lực tăng doanh thu thông qua thuế quan đã làm dấy lên mối lo ngại về chiến tranh thương mại và suy thoái toàn cầu, làm xáo trộn thị trường.
Nếu không được kiểm soát, những lo ngại như vậy có thể gây ra sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu và cản trở khả năng theo đuổi chương trình nghị sự của chính quyền.
"Về cơ bản, điều này (hạ cấp tín nhiệm) bổ sung thêm bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ có quá nhiều nợ" - Darrell Duffie, giáo sư tài chính tại Stanford, người trước đây từng là thành viên hội đồng quản trị của Moody's, cho biết. "Quốc hội sẽ phải tự kỷ luật, hoặc là tăng doanh thu hoặc chi tiêu ít hơn" - vị chuyên gia này nhận định.