(CAO) Hôm 8/4, Reuters đưa tin một cuộc chiến thương mại toàn cầu đang hiển hiện khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tiếp tục tăng thuế đối với hàng hoá Trung Quốc và Liên minh Châu Âu khi các đối tác thương mại này đề xuất áp thuế trả đũa đối với hàng hoá Mỹ.
Đe doạ áp thêm thuế của ông chủ Nhà Trắng diễn ra khi các thị trường tài chính trên toàn cầu ghi nhận ngày thứ ba thua lỗ vì các nhà đầu tư lo ngại rằng các rào cản thương mại lớn xung quanh thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới là Mỹ có thể dẫn đến suy thoái. Chỉ số S&P 500 đã đóng cửa ở mức thấp hơn sau một phiên giao dịch đầy biến động khi chạm mức thấp nhất trong hơn một năm.
Ông Trump cho biết, mức thuế quan tối thiểu là 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ, với mức thuế mục tiêu lên tới 50% sẽ giúp nước này chứng kiến làn sóng các nhà đầu tư đổ vốn trở lại đất Mỹ để xây dựng nhà máy, điều mà ông cho rằng đã suy yếu trong nhiều thập kỷ qua do tự do hóa thương mại.
"Đây là cơ hội duy nhất để đất nước chúng ta có thể thiết lập lại trật tự. Bởi vì không có tổng thống nào khác sẵn sàng làm những gì tôi đang làm, hoặc thậm chí là trải qua điều đó” - ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
Theo ông Trump, ông sẽ áp thêm 50% thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc vào ngày 9/3 nếu Bắc Kinh không hủy bỏ mức thuế 34% mà họ đã áp dụng đối với các sản phẩm của Mỹ nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc vào tuần trước.
Các mức thuế của Trung Quốc được đưa ra nhằm đáp trả mức thuế "có đi có lại" 34% mà ông Trump đã công bố vào trước đó.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ - Liu Pengyu cho hay, lời đe dọa của ông Trump là "một động thái điển hình của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và bắt nạt kinh tế".

Ông Trump doạ áp thêm thuế quan với hàng hoá Trung Quốc khiến thị trường toàn cầu thêm chao đảo - Ảnh: Reuters
"Chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng gây sức ép hoặc đe dọa Trung Quốc không phải là cách đúng đắn để hợp tác với chúng tôi. Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình" – ông Pengyu nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu đã đề xuất áp thuế đối kháng 25% đối với một loạt hàng hóa của Mỹ bao gồm đậu nành, các loại hạt và xúc xích, mặc dù các mặt hàng tiềm năng khác như rượu whisky bourbon đã bị loại khỏi danh sách, theo một tài liệu mà Reuters có được.
Các quan chức cho hay, họ đã sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận "không đổi không" với chính quyền của Trump. "Sớm muộn gì chúng tôi cũng sẽ ngồi vào bàn đàm phán với Hoa Kỳ và tìm ra một thỏa hiệp có thể chấp nhận được cho cả hai bên" - Ủy viên Thương mại EU - Maros Sefcovic nói tại một cuộc họp báo.
Khối 27 thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) đang phải vật lộn với mức thuế đối với ô tô và kim loại đã được áp dụng, và phải đối mặt với mức thuế 20% đối với các sản phẩm khác vào ngày 9/4. Ông Trump cũng đã đe dọa sẽ áp thuế đối với đồ uống có cồn của EU.
Chính sách áp thuế này của Trump đã gây thêm bất ổn cho thị trường tài chính toàn cầu, vốn đã giảm đều đặn kể từ thông báo về chính sách thuế của ông.
Các khoản thuế trả đũa của Trung Quốc là phản ứng cứng rắn nhất cho đến nay đối với thông báo của Trump, vốn đã vấp phải sự lên án và hoang mang từ các nhà lãnh đạo khác.
Các nhà đầu tư và lãnh đạo chính trị đã phải vật lộn để xác định liệu thuế quan của Trump là vĩnh viễn hay là một chiến thuật gây sức ép để giành được sự nhượng bộ từ các quốc gia khác.
Một số đối tác EU của Mỹ lo ngại rằng một phản ứng đáp trả Mỹ mạnh mẽ có nguy cơ gây ra nhiều phản ứng dữ dội hơn đối với các nhà xuất khẩu Châu Âu về mọi thứ từ rượu cognac của Pháp và rượu vang Ý đến ô tô Đức.
Các nhà đầu tư hiện đang đặt cược rằng rủi ro suy thoái ngày càng tăng có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng tới. Trump đã lặp lại lời kêu gọi ngân hàng trung ương hạ lãi suất, nhưng cho đến nay, chủ tịch Fed - Jerome Powell nói rằng ông không vội vàng hạ lãi suất.