(CAO) Pháp và Liên minh Châu Âu (EU) đã cắt hỗ trợ tài chính cho Niger sau một cuộc đảo chính lật đổ tổng thống được bầu cử của quốc gia Tây Phi này.
Trong một tuyên bố, Pháp - cường quốc thuộc địa cũ của Niger - kêu gọi "ngay lập tức quay trở lại trật tự hiến pháp của Niger" làm tăng thêm áp lực quốc tế đối với những âm mưu đảo chính.
Động thái này được đưa ra ngay sau khi Liên minh châu Âu đình chỉ mọi hoạt động hợp tác an ninh với Niger vào ngày 29-7, đồng thời tuyên bố sẽ không hỗ trợ tài chính nữa.
Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và nhận được hàng trăm triệu đô la viện trợ mỗi năm.
Abdourahamane Tiani, một vị tướng chỉ huy lực lượng bảo vệ tổng thống của đất nước, đã được tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của đất nước sau khi Tổng thống Mohamed Bazoum bị bắt giữ vào đầu tuần này.
Josep Borell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU cho biết: “Cuộc đảo chính không thể chấp nhận được này nhằm vào sự toàn vẹn của các thể chế cộng hòa của Niger, ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh trong quan hệ đối tác và hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Niger”.
Bạo động ở Niger
"Tổng thống Bazoum đã được bầu một cách dân chủ. Ông ấy đang và vẫn là Tổng thống hợp pháp duy nhất của Niger. Ông ấy phải được trả tự do vô điều kiện và không chậm trễ" - Josep Borell nhấn mạnh.
Các nhà lãnh đạo từ Washington đến Moscow cũng đã kêu gọi trả tự do cho Bazoum nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả.
Liên minh châu Phi hôm 29-7 yêu cầu các quân nhân Niger "ngay lập tức và vô điều kiện trở về doanh trại của họ và khôi phục quyền lực theo hiến pháp trong vòng 15 ngày”.
Borell và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức khu vực, bao gồm Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi, nếu họ quyết định đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Niger.
Không rõ áp lực quốc tế sẽ tác động đến quyết định của những người muốn nắm quyền ở mức độ nào.
Một phụ tá trung thành với tổng thống bị phế truất nói với CNN rằng đã có đấu đá nội bộ giữa những kẻ âm mưu đảo chính.
Niger nằm ở trung tâm khu vực Sahel của Châu Phi, nơi đã chứng kiến nhiều cuộc thâu tóm quyền lực trong những năm gần đây, bao gồm cả ở Mali và Burkina Faso.