(CAO) Người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga hôm 25-7 đã đưa ra lời đề nghị tới các đối tác của Moscow trong nhóm BRICS gồm nước này và Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi – cùng tham gia xây dựng một mô-đun chung dùng cho trạm vũ trụ hoạt động trên quỹ đạo Trái đất đã được lên kế hoạch từ trước.
Việc xây dựng trạm vũ trụ theo kế hoạch diễn ra sau quyết định của Moscow vào năm ngoái về việc chấm dứt quan hệ đối tác kéo dài hàng thập kỷ với Cơ quan hàng không, vũ trụ Mỹ (NASA) và rút khỏi Trạm Không gian quốc tế (ISS) - một trong những kênh hợp tác cuối cùng còn lại giữa Nga và Mỹ.
Giai đoạn đầu tiên của trạm vũ trụ mới được xây dựng theo kế hoạch, được gọi là Hệ thống Quỹ đạo Nga (ROS), dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2027, với bốn mô-đun khác được đưa lên quỹ đạo từ năm 2028 đến 2030 - nhà thiết kế hàng đầu của chương trình Vladimir Kozhevnikov nói với truyền thông nhà nước Nga vào tháng 2.
Đề nghị mở rộng hợp tác trong dự án bao gồm các quốc gia đối tác của nhóm BRICS đã được Yuri Borisov, tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos đưa ra trong cuộc họp hôm 24-7 tại Hermanus, Nam Phi.
“Tôi muốn đề xuất rằng các đối tác của chúng tôi trong BRICS xem xét cơ hội tham gia vào dự án này và tạo ra một mô-đun chính thức thông qua các nỗ lực chung” - truyền thông nhà nước dẫn lời ông Borisov phát biểu tại cuộc họp.
Người đứng đầu cơ quan không gian Nga cũng đã nói rằng, ông đã cho các quốc gia châu Phi cơ hội tạo ra các mô-đun của riêng họ và rằng Nga “sẵn sàng hợp tác” với các quốc gia khác.
ROS ban đầu dự kiến bao gồm hai phi hành gia, nghĩa là mỗi thành viên phi hành đoàn sẽ có nhiều nhiệm vụ hơn và trách nhiệm rộng hơn so với trên ISS.
Trạm vũ trụ mới do Nga đề xuất xây dựng
Chính quyền Nga hy vọng, trạm quỹ đạo mới theo kế hoạch của họ sẽ giúp phát triển công nghệ cho các chuyến bay vào vũ trụ trong tương lai, bao gồm cả những chuyến bay tới Mặt trăng và sao Hỏa.
Nga, dưới thời Liên Xô, vận hành một số trạm vũ trụ độc lập, bao gồm cả trạm vũ trụ đầu tiên trên thế giới, Salyut 1.
Một loạt các trạm Salyut tiếp theo đã được ra mắt vào những năm 1970 và đầu những năm 1980. Sau đó, chúng được thay thế bằng Mir, hiện vẫn đang hoạt động ở quỹ đạo thấp của Trái đất trong hơn 14 năm. Trong thời gian đó, nó đã tiếp đón thành công hàng chục phi hành gia từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ trước khi 'nghỉ hưu' vào năm 2001.
Trong khi đó, Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) ban đầu là sự hợp tác giữa Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu dự định sẽ được tiếp tục vận hành cho đến cuối năm 2030, sau đó nó sẽ rời quỹ đạo và rơi xuống một vùng xa xôi của Thái Bình Dương.
Trung Quốc, nơi các phi hành gia từ lâu đã bị loại khỏi ISS, đã hoàn thành trạm vũ trụ có phi hành đoàn lưu trú của riêng mình vào năm ngoái, với ba phi hành gia đầu tiên bay lên vào tháng 11.
Đầu tháng này, các quan chức Trung Quốc đã tiết lộ chi tiết mới về kế hoạch của họ cho một sứ mệnh có người lái trên Mặt trăng, khi Trung Quốc cố gắng trở thành quốc gia thứ hai đưa công dân lên vệ tinh của Trái đất.
Trong khi đó, Ấn Độ đang phấn đấu để trở thành quốc gia thứ tư sau Mỹ, Nga và Trung Quốc thực hiện cuộc đổ bộ có kiểm soát lên Mặt trăng với vụ phóng thành công sứ mệnh Chandrayaan-3 hồi đầu tháng này.