(CAO) Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông muốn tiếp cận các mỏ khoáng sản của Ukraine để đổi lấy việc Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ quân sự trong tương lai cho Kyiv trong cuộc chiến với Nga đang gây ra nhiều chỉ trích.
CNN nhận định, mặc dù bình luận này nêu bật cách tiếp cận mang tính giao dịch kinh tế của ông Trump đối với cuộc chiến ở Ukraine, nhưng điều đó không hoàn toàn bất ngờ. Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã để mắt đến nguồn khoáng sản phong phú của Ukraine trong một thời gian dài.
“Chúng tôi đang đầu tư hàng trăm tỷ đô la (ám chỉ viện trợ quân sự). Họ có nguồn đất hiếm tuyệt vời. Và tôi muốn đảm bảo an ninh cho nguồn đất hiếm, và họ sẵn sàng làm (điều đó)” – ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục vào ngày 3/2 mà không nêu rõ Ukraine đã đồng ý làm gì.
Trước đây, ông đã gợi ý rằng bất kỳ khoản hỗ trợ nào trong tương lai nên được cung cấp dưới dạng khoản vay và sẽ có điều kiện là Ukraine phải đàm phán với Nga.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, Washington đã cung cấp cho Ukraine 65,9 tỷ đô la viện trợ quân sự kể từ khi Nga phát động tấn công quân sự nhắm vào Ukraine vào tháng 2/2022.
Biden khi đó lập luận rằng khoản viện trợ này là cần thiết vì chiến thắng của Ukraine đóng vai trò quan trọng đối với an ninh của chính nước Mỹ. Tuy nhiên, Trump đã nói rõ rằng ông không tin rằng Mỹ nên tiếp tục hỗ trợ mà không nhận lại được điều gì.
Các mỏ khoáng sản của Ukraine trở thành đối tượng "nhăm nhe" cùa các đồng minh Phương Tây
Tiềm năng về khoáng sản và đất hiếm
Mặc dù Trump không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về những gì ông muốn từ Kyiv, nhưng một thỏa thuận phác thảo sự hợp tác sâu sắc hơn giữa Mỹ và Ukraine về khoáng sản đã được tiến hành trong nhiều tháng trước khi ông nhậm chức vào tháng 1.
Một biên bản ghi nhớ được soạn thảo dưới thời chính quyền Biden năm ngoái cho biết Washington sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư vào các dự án khai khoáng của Ukraine cho các công ty Mỹ để đổi lấy việc Kyiv tạo ra các ưu đãi kinh tế và thực hiện các hoạt động kinh doanh và bảo vệ môi trường tốt.
Ukraine đã có một thỏa thuận tương tự với Liên minh châu Âu, được ký kết vào năm 2021.
Adam Mycyk, một đối tác tại văn phòng Kyiv của công ty luật toàn cầu Dentons cho hay, mặc dù mục tiêu của thỏa thuận là đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng từ Ukraine vẫn không thay đổi, nhưng cách tiếp cận của Trump có vẻ mang tính giao dịch nhiều hơn.
"Vẫn chưa biết thỏa thuận như vậy sẽ có hình thức nào, nhưng sẽ vì lợi ích tốt nhất của Ukraine đối với quá trình phục hồi sau chiến tranh và triển vọng kinh tế dài hạn của nước này để tối đa hóa tối đa việc chế biến và tạo ra giá trị từ bất kỳ khoáng sản nào được khai thác tại Ukraine bởi các công ty Ukraine" - Mycyk nói với CNN.
Viện trợ quân sự của Phương Tây vẫn đang đổ về Ukraine trong cuộc chiến căng thẳng với Nga
Kyiv vẫn chưa phản hồi bình luận của Trump, nhưng trước đây chính phủ Ukraine đã đưa ra lập luận rằng các mỏ khoáng sản của họ là một trong những lý do khiến phương Tây nên hỗ trợ Ukraine để ngăn chặn các nguồn tài nguyên quan trọng về mặt chiến lược này rơi vào tay Nga.
Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky đã đề cập cụ thể đến khả năng các đồng minh phương Tây đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên của đất nước trong tương lai như một phần quan trọng trong "Kế hoạch chiến thắng" của ông.
Nataliya Katser-Buchkovska, đồng sáng lập Quỹ đầu tư bền vững của Ukraine cho biết một thỏa thuận đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực khai thác mỏ của Ukraine sẽ có lợi cho cả hai bên.
Mỹ phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu khoáng sản cần thiết, phần nhiều trong số đó đến từ Trung Quốc. Trong số 50 loại khoáng sản được phân loại là quan trọng, Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu 12 loại và hơn 50% phụ thuộc vào nhập khẩu 16 loại khác, theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ.
Trong khi đó, Ukraine có trữ lượng 22 trong số 50 loại vật liệu quan trọng này, theo thông tin từ chính phủ Ukraine.