(CAO) Hôm 21/7, Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết nước này đã khởi công xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới, nằm ở rìa phía đông của cao nguyên Tây Tạng với chi phí ước tính ít nhất 170 tỷ đô la Mỹ.
Việc khởi công dự án thủy điện, dự án tham vọng nhất của Trung Quốc kể từ đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử, đã được thị trường Trung Quốc đón nhận như một bằng chứng kích thích kinh tế, đẩy giá cổ phiếu và lợi suất trái phiếu tăng cao vào ngày 21/7.
Công trình mới được khởi công này bao gồm 5 nhà máy thủy điện bậc thang với công suất sản xuất 300 tỷ kilowatt giờ điện hàng năm, tương đương với lượng điện tiêu thụ của Anh năm ngoái.
Đập sẽ được đặt tại hạ lưu sông Yarlung Zangbo. Đây là một đoạn sông đổ xuống từ độ cao 2.000 mét trong khoảng cách 50 km, mang lại tiềm năng thủy điện khổng lồ.
Ấn Độ và Bangladesh đã bày tỏ lo ngại về tác động tiềm tàng của đập đối với hàng triệu người dân ở hạ lưu, trong khi các tổ chức phi chính phủ cảnh báo về nguy cơ thiệt hại đối với một trong những môi trường phong phú và đa dạng nhất trên cao nguyên.
Bắc Kinh tuyên bố đập sẽ giúp đáp ứng nhu cầu điện ở Tây Tạng và phần còn lại của Trung Quốc mà không gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp nước hạ lưu hoặc môi trường. Dự kiến việc vận hành sẽ diễn ra vào khoảng những năm 2030.
Chỉ số Xây dựng & Kỹ thuật CSI của Trung Quốc đã tăng tới 4% lên mức cao nhất trong 7 tháng. Tổng công ty Xây dựng Điện lực Trung Quốc và Arcplus Group đã tăng vọt với mức trần 10% mỗi ngày.
"Từ góc độ đầu tư, các dự án thủy điện trưởng thành mang lại cổ tức giống như trái phiếu" - Wang Zhuo, đối tác của Shanghai Zhuozhu Investment Management cho biết, đồng thời cảnh báo rằng việc đầu cơ mua vào các cổ phiếu liên quan sẽ làm tăng định giá.

Một người đàn ông ngồi trên thuyền trên sông Brahmaputra, là hạ lưu của sông Yarlung Zangbo, dòng sông mà Trung Quốc xây con đập
thuỷ điện lớn nhất Thế giới - Ảnh: Reuters
Dự án đập này sẽ thúc đẩy nhu cầu về vật liệu xây dựng như xi măng và thuốc nổ dân dụng, Huatai Securities cho biết trong một lưu ý gửi khách hàng.
Thủ tướng Trung Quốc đã mô tả con đập là "dự án của thế kỷ" và nhấn mạnh "cần đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn sinh thái để ngăn ngừa thiệt hại môi trường".
Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng trên diện rộng vào ngày 21/7 với hợp đồng tương lai trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm được giao dịch nhiều nhất giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tuần, khi các nhà đầu tư coi tin tức này là một phần của gói kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Dự án do Tập đoàn Yajiang Trung Quốc mới thành lập thuộc sở hữu nhà nước giám sát, đánh dấu một sự thúc đẩy lớn trong đầu tư công nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi các động lực hiện tại có dấu hiệu chững lại.
"Giả sử xây dựng trong 10 năm, mức tăng trưởng đầu tư/GDP có thể đạt 120 tỷ nhân dân tệ (16,7 tỷ đô la Mỹ) trong một năm. Lợi ích kinh tế thực tế có thể còn vượt xa con số đó" – ngân hàng Citi nhận định.
Trung Quốc chưa đưa ra ước tính về số lượng việc làm mà dự án có thể tạo ra.

Lưu vực sông Yarlung Zangbo
Truyền thông nhà nước đưa tin, đập Tam Hiệp, mất gần hai thập kỷ để hoàn thành, đã tạo ra gần một triệu việc làm, mặc dù nó cũng khiến ít nhất một số lượng người tương tự phải di dời.
Chính quyền chưa công bố số lượng người sẽ phải di dời do dự án đập Yarlung Zangbo.
Sông Yarlung Zangbo là thượng nguồn của sông Brahmaputra khi nó rời Tây Tạng và chảy về phía nam vào Ấn Độ và cuối cùng là chảy vào Bangladesh.
Các tổ chức phi chính phủ cho biết con đập sẽ gây hại không thể khắc phục cho cao nguyên Tây Tạng và ảnh hưởng đến hàng triệu người ở hạ lưu.
Theo thủ hiến bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ - Pema Khandu, một con đập khổng lồ như vậy chỉ cách biên giới 50km có thể làm khô cạn 80% dòng sông chảy qua bang này của Ấn Độ, đồng thời có khả năng gây ngập lụt các khu vực hạ lưu ở Arunachal và bang Assam lân cận.