Úc gia nhập AIIB

Thứ Năm, 25/06/2015 09:49  | Anh Duy

|

(CATP) Hôm qua 24-6, AFP đưa tin Úc- đồng minh mới nhất của Mỹ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã tuyên bố tham gia vào Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.

Truyền thông quốc tế đang đưa đậm nét tin này khi Úc góp đến 719 triệu USD vào vốn đóng góp trong 5 năm cho ngân hàng này để trở thành một trong những thành viên sáng lập AIIB.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết “ Úc đi đến quyết định này sau khi thực hiện các cuộc thảo luận rộng rãi giữa chính phủ với Trung Quốc và các đối tác chủ chốt khác”. Với số vốn ban đầu lên đến 100 tỉ USD, hơn 50 nước xin gia nhập (trong đó có Việt Nam) - AIIB hứa hẹn là định chế tài chính đối trọng đáng gờm với Ngân hàng Thế giới (WB) ,Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). 

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei phát biểu trong lễ ký kết thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) ở Bắc Kinh vào ngày 24 -10 -2014. - Ảnh: Reuters

AIIB dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay, với trụ sở đặt tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Mỹ đã cảnh báo các đồng minh không gia nhập AIIB nhưng hàng loạt nước đã bỏ ngoài tai để gia nhập: từ Anh, Pháp, Đức ở châu Âu đến Hàn Quốc, Philippines rồi nay là Úc ở châu Á-Thái Bình Dương. Đây được xem là thất bại nặng nề của Mỹ khi lợi ích kinh tế với Trung Quốc quá lớn khiến các nước khó lòng từ chối.

Các chuyên gia quốc tế nhận định, có 3 nguyên nhân chính khiến AIIB do Trung Quốc khởi xướng trở nên hấp dẫn:

Thứ nhất: Trung Quốc trở thành cường quốc thương mại với kim ngạch xuất nhập khẩu vượt Mỹ. Các nước gia nhập AIIB đều có quan hệ thương mại từ lớn đến nhỏ với Trung Quốc, và vai trò của Trung Quốc trong cán cân thương mại với từng nước ngày càng quan trọng.

Thứ hai: Các định chế tài chính như IMF, WB hay ADB đều lỗi thời trong phương cách điều hành. Như tại IMF, Mỹ có quyền phủ quyết quyết định của tổ chức này.Các vị trí lãnh đạo cấp cao của IMF, WB hay ADB ( tổng giám đốc, chủ tịch) trước nay đều là người Mỹ, châu Âu hay Nhật. Trung Quốc không có nhiều quyền hạn trong các định chế tài chính này khiến họ phải tìm cách thành lập AIIB để gây đối trọng.

Thứ ba: Trung Quốc đang sở hữu lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ tới 4.000 tỉ USD trong khi nhu cầu xây dựng cơ sở hạt tầng ở châu Á là cực lớn. Trung Quốc có thể trở thành nguồn cấp vốn đầu tư kịp thời cho nhu cầu này.

Viễn cảnh xán lạn mà AIIB mở ra- được các nước kỳ vọng trở thành định chế tài chính mới trong khu vực điều phối dòng vốn hiệu quả khiến nhiều nước gia nhập. Bất chấp những lo ngại về cơ chế điều hành, tính minh bạch tài chính, thậm chí có lo ngại AIIB được Trung Quốc dùng để gây ảnh hưởng chính trị lên khu vực- “ hiệu ứng domino” gia nhập đã làm tăng sức ảnh hưởng của AIIB ngay từ khi nó chưa đi vào hoạt động.

Bộ trưởng Ngân khố Úc Joe Hockey nói với AFP rằng Úc đã hài lòng với cách điều chỉnh AIIB trong cơ chế vận hành, quản trị để nó mang tính minh bạch. Để đạt được thỏa thuận này là những phiên đàm phán căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc trong thời gian qua.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang