(CATP) Vòng quay thời gian chào đón năm 2018 với nhiều biến động được dự báo. Năm nay là năm mà đàm phán rời khỏi Liên minh Châu Âu của Anh (Brexit) có thể đạt được thoả thuận cuối cùng. Khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên bước sang diễn biến mới. Bầu cử cấp địa phương từ Ấn Độ đến Mỹ có thể gây ra nhiều tranh cãi.
Trang Quartz theo đó đã dự báo một số thay đổi địa chính trị nổi trội trong năm 2018 như sau:
Chính quyền Trump gây nhiều tác động trên diện rộng
Với chính sách ‘nước Mỹ trên hết’ chuộng các thoả thuận song phương, chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump được dự báo sẽ đưa các cuộc đàm phán về Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) lên một mức độ mới. Từ khi lên nắm quyền, Trump liên tục chỉ trích Hiệp định này cướp đi công ăn việc làm của người dân Mỹ vì các nhà máy sản xuất những mặt hàng trong chuỗi cung ứng đặt bên ngoài lãnh thổ nước này.
Chưa rõ làm thế nào 3 nước có thể dàn xếp được bất đồng khi chính quyền Mỹ ưu tiên cho việc giảm thâm hụt thương mại trong khi Canada và Mexico tin rằng thương mại tự do nên là ưu tiên hàng đầu chứ không phải chủ nghĩa bảo hộ.
Trong lĩnh vực đối nội của Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục lâm khủng hoảng. Đó là vấn đề quyền của phụ nữ và các cộng đồng thiểu số bị xâm hại. Vấn đề môi trường và xây dựng luật. Ngoài ra cuộc điều tra của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử năm 2016 nhiều khả năng sẽ chạm đến các quan chức cấp cao hơn của Nhà Trắng.
Năm qua Trump đòi xây tường dọc biên giới Mexico - Ảnh: CNN
Mâu thuẫn giữa Mỹ và Mexico dự báo sẽ leo lên nấc thang mới có thể dẫn đến việc một chính quyền dân tuý cánh tả được thành lập trong kỳ bầu cử tổng thống Mexico vào năm sau. Từ khi lên cầm quyền, Trump cáo buộc những người nhập cư từ Mexico là nguồn gốc đem ma tuý và tội phạm vào Mỹ. Ông đòi xây tường dọc biên giới nhưng lại bắt chính quyền láng giềng… trả tiền.
Nổi bật trong đó là ứng viên López Obrador, hiện đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò. Nếu chiến thắng ông có thể dẫn dắt Mexico chống lại hầu hết các quan điểm của Mỹ từ nhập cư đến cuộc chiến chống buôn ma tuý.
Biến động ở Châu Âu
Đầu tiên là cuộc bầu cử tổng thống tháng 3-2018 ở Nga. Không nghi ngờ gì tổng thống Putin sẽ cầm chắc chiến thắng cho nhiệm kỳ 6 năm kế tiếp. Ông sẽ rộng tay tiếp tục thực hiện các chính sách từ phát triển kinh tế đến giải quyết tình hình ở Syria, chống khủng bố. Trong khi đó nhà hoạt động đối lập Alexey Navalny sẽ tiếp tục các hoạt động phản đối chính quyền, gây áp lực buộc Moscow giải quyết vấn nạn tham nhũng.
Kế đến là Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu được dự báo sẽ trải qua giai đoạn ổn định và phục hồi vào năm 2018 với tỷ lệ thất nghiệp được giữ ở mức thấp. Tuy nhiên thủ tướng nước này – bà Merkel phải nỗ lực xoá bỏ mâu thuẫn trong nội bộ liên minh cầm quyền, tăng cường chính sách đầu tư nội địa để ổn định kinh tế, hạ nhiệt vấn đề người nhập cư để đối phó với làn sóng cực hữu đang dâng cao.
Chủ nghĩa ly khai lan rộng với xung đột giữa chính quyền trung ương Tây Ban Nha với xứ Catalan tiếp tục căng thẳng. Sau khi Madrid trực tiếp nắm quyền xứ này, năm 2018 sẽ chứng kiến xứ Catalan bước vào cuộc bầu cử chọn ra một chính quyền mới.
Các nguyên thủ Đức, Trung Quốc , Úc, Nga và các nước khác chụp hình cùng nhau trong một sự kiện - Ảnh: Reuters
Khi đó các câu hỏi về cách thức “hành xử” giữa hai bên tiếp tục dấy lên và việc liên minh Châu Âu (EU) sẽ phản ứng thế nào trước các vấn đề nội bộ của các nước thành viên nhưng có khả năng lan rộng, ảnh hưởng đến sự cố kết của cả khối như vụ đòi ly khai của Catalan?
Cuối cùng là vấn đề Brexit. Việc Anh rời khỏi EU đang “mắc kẹt” ở các cuộc đàm phán vì nhiều vấn đề phức tạp từ thương mại, dịch vụ tài chính, chính sách nhập cư đến an ninh. Năm 2018 là năm chuyển đổi trước thời hạn cuối vào tháng 3-2019. Nhiều khả năng một thoả thuận cuối cùng sẽ được ban hành vào năm 2018 để dọn đường cho cuộc ra đi.
Bầu cử hàng loạt tại Châu Phi
Năm 2018 sẽ chứng kiến sự quay trở lại trên vũ đài chính trị Châu Phi với vai trò ngày càng tăng của Pháp. Là lục địa có nhiều nước từng là thuộc địa, nay Paris quay lại đây như một nhân tố định hướng sự phát triển của Châu Phi trong việc đầu tư phát triển vào những dự án sáng tạo nhằm thay đổi bộ mặt phát triển của lục địa này hơn là chỉ đơn thuần cung cấp các khoản viện trợ. Nay Pháp bắt đầu “cho cần câu thay vì con cá”.
Ngoài ra trong năm 2018, hàng loạt quốc gia từ Nam Sudan, Ai Cập đến Zimbabwe và một số nước Châu Phi khác sẽ tổ chức các cuộc tổng tuyển cử. Việc “thay máu” các dàn lãnh đạo được dự báo sẽ đem đến nhiều bất ngờ.
Tổng thống Pháp Macron được dự báo sẽ đưa Paris trở lại vũ đài chính trị Châu Phi - Ảnh: Reuters
Một Châu Á năng động
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên với tham vọng phát triển tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng có khả năng buộc Mỹ tổ chức một cuộc tấn công phủ đầu để ngăn chặn hoặc một cuộc đàm phán giữa các bên sẽ được tổ chức khi thành tựu công nghệ khiến Bình Nhưỡng chiếm được lợi thế trên bàn đàm phán.
Giấc mộng Trung Hoa cũng là một vấn đề nổi trội khi trong năm 2018 chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp tục thúc đẩy vai trò của Bắc Kinh với tư cách một nhà lãnh đạo toàn cầu qua các dự án đầu tư, phát triển hạ tầng tầm châu lục như dự án Vành đai, con đường. Vấn đề Triều Tiên, Đài Loan hay Biển Đông tiếp tục được ưu tiên trong chương trình đối ngoại của nước này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp tục xây dựng "giấc mộng Trung Hoa" - Ảnh: news.cn