Đắk Lắk:

3 vấn đề cần làm sáng tỏ của một vụ án

Thứ Hai, 14/12/2020 08:22

|

(CATP) Sau khi tiếp nhận đơn của bà Ngô Thị Riến (SN 1950, dân tộc Tày, ngụ thôn 4, xã Cư A Mung, huyện Ea HLeo, tỉnh Đắk Lắk), phóng viên (PV) Báo CATP đã có mặt tại Công an tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan chức năng huyện Ea HLeo để nắm thông tin về vụ án. Qua các tài liệu, chứng cứ mà PV thu thập được, cho thấy kêu cứu của người mẹ là chính đáng, có căn cứ, các cơ quan tố tụng huyện Ea Hleo cần xem xét thận trọng, thấu lý đạt tình...

CHỒNG MẤT, CON "NGU NGƠ", MẸ THẪN THỜ (!)

Kèm theo đơn gửi lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan chức năng, bà Ngô Thị Riến bày tỏ với PV Báo CATP: Cuối tháng 4-2017, vườn tiêu của ông Lê Văn Huân tại tiểu khu 91, xã Cư A Mung, xảy ra sự cố, nhiều dây tiêu bị vàng lá, cháy ngọn. Khoảng 10 giờ sáng 5-5-2017, con bà là Lương Vinh Cương (SN 1977, ngụ thôn 4, xã Cư A Mung, bị chứng tâm thần nhẹ từ năm 2012) được mời lên xã làm việc vì cho rằng Cương có liên quan đến sự cố trên. Đến 16 giờ ngày hôm sau (6-5), Cương mới quay về nhà than đau đầu, chóng mặt. Hai ngày sau đó, Cương trở nên ngu ngơ, bất thường lộ rõ trên gương mặt.

Thấy không ổn nên gia đình đưa Cương đến Bệnh viện tâm thần Đắk Lắk, nhập viện điều trị, theo dõi từ ngày 9 đến 15-5-2017 thì xuất viện. Giấy ra viện do hai bác sĩ Võ Hồng Khắc (Trưởng khoa điều trị) và HLinh Tinh Niê (Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Đắk Lắk) ký, xác định rõ: Cương bị tâm thần phân liệt (ICD: F20), yêu cầu gia đình quản lý thuốc, uống theo đơn.

Sáng 20-11-2020, PV Báo CATP đến Công an tỉnh Đắk Lắk để nắm thông tin về vụ án và chuyển đơn kêu cứu của bà Ngô Thị Riến. Do người phát ngôn của Công an tỉnh bận công tác, cán bộ trực ban đã tiếp, ghi nhận ý kiến của PV để trình lãnh đạo. Cùng ngày, PV đã đến Công an huyện Ea HLeo. Đại diện Công an huyện cho biết, vụ án đang trong giai đoạn điều tra, sẽ thông tin bằng văn bản cho Báo CATP.

Ngày 4-12-2020, thượng tá Nguyễn Chí Quân - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea HLeo, ký văn bản số 1040/TB-CQĐT (ĐTTH), xác định: Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra đã tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Lương Vinh Cương. KLGĐ thể hiện trước và trong khi sự việc xảy ra (ngày 28-4-2017), Cương đủ khả năng nhận thức và đủ khả năng điều khiển hành vi. Như vậy, việc Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Cương là có căn cứ pháp luật.

Liên quan KLGĐ, Viện trưởng VKSND huyện Ea HLeo Đặng Tài Huệ, nêu quan điểm: Cơ quan giám định hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về KLGĐ của mình. Vụ án đang được Cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo thẩm quyền. Viện Kiểm sát ghi nhận những vấn đề mà PV đặt ra, sẽ tăng cường kiểm sát bảo đảm vụ án được xử lý công tâm, khách quan...

Sau khi xuất viện, Cương được Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea HLeo nhiều lần triệu tập làm việc với Phó Đội trưởng CSHS Nguyễn Đại Nghĩa trong hơn 3 tháng (từ tháng 5 đến 8-2017).

Sức khỏe yếu, cộng thêm nỗi đau vì đứa con trai bị "yếu thần kinh", cụ Lương Ngọc Trần (SN 1946, Đảng viên hưu trí, cựu quân nhân Bộ tư lệnh 969 canh lăng Bác) sinh bệnh qua đời ngày 1-7-2017.

Sau khi triệu tập lần thứ 9 ngày 30-8-2017, Cương không nhận thêm giấy mời nào nữa. Vụ việc tưởng đã xếp lại thì giữa năm 2020, gia đình bất ngờ nhận được giấy triệu tập kèm theo quyết định (QĐ) phục hồi điều tra vụ án hình sự số 450, QĐ khởi tố bị can số 134 đối với Lương Vinh Cương..., tất cả đều đề ngày 15-6-2020.

QĐ khởi tố bị can xác định: Ngày 28-4-2017, Cương dùng thuốc trừ cỏ phun lên cây tiêu, lấy búa bổ trụ tiêu của ông Lê Văn Huân, gây thiệt hại tài sản trị giá 27,55 triệu đồng. Hành vi của Cương đủ cấu thành tội "hủy hoại tài sản" theo Điều 143 BLHS năm 1999.

Bà Riến quả quyết: Cương bị tâm thần từ lâu, cả thôn, xã đều biết, vậy mà bị khởi tố để điều tra thì tội cho nó quá! Là một người mẹ rất hiểu con, tôi tin Cương không "sát" tiêu". Giữa hai gia đình chúng tôi và anh Huân có mối quan hệ xóm giềng thân thiết, lâu năm, không hề có xích mích hay mâu thuẫn. Nhà tôi thường cho nhà anh Huân nước để tưới tiêu và cà phê thì không lý gì Cương lại trút giận lên các nọc tiêu!".

CẦN LÀM SÁNG TỎ ĐỂ TRÁNH OAN SAI

Hồ sơ thể hiện: Ngày 15-8-2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea HLeo ra hai QĐ số 680 "tạm đình chỉ điều tra vụ án" và 681 "tạm đình chỉ điều tra bị can". Trước đó, ngày 10-8-2020 Cơ quan CSĐT đưa Cương đi giám định tâm thần tại Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây nguyên. Đến ngày 14-9-2020, Cương được trả về lại cho gia đình.

Ông Cương cùng vợ con và mẹ

Cùng ngày 14-9, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea HLeo ra thông báo về kết luận giám định số 139/KLGĐ (KLGĐ số 139, ngày 10-9-2020 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây nguyên, xác định: "Trước và trong khi sự việc xảy ra (ngày 28-4-2017), Cương có sức khỏe tâm thần bình thường, đủ khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Sau khi sự việc xảy ra và hiện tại, Cương bị bệnh rối loạn dạng phân liệt (F21-ICD10), hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi".

Ngày 12-10-2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea HLeo tiếp tục ra hai QĐ số 863 "phục hồi điều tra vụ án" và QĐ số 864 "phục hồi điều tra bị can". Như vậy, hiện tại, ông Cương đang là bị can trong vụ án hủy hoại tài sản, "sát" tiêu bằng thuốc trừ cỏ.

Trợ giúp pháp lý cho gia đình bà Riến, theo sát vụ án, luật sư Vương Tuấn Kiệt (Công ty luật Vương Gia, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ băn khoăn việc các cơ quan tố tụng tiếp tục xử lý ông Cương khi đang mắc bệnh tâm thần. Theo luật sư Kiệt, có ba vấn đề trong vụ án này cần phải được làm sáng tỏ, để tránh oan sai.

Thứ nhất, mấu chốt của vụ án chính là KLGĐ số 139 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây nguyên. Theo gia đình, ông Cương có dấu hiệu thần kinh không bình thường từ năm 2012 ở dạng nhẹ nên không đi bệnh viện, mà chỉ đến phòng mạch bác sĩ tư khám, điều trị. Đến ngày 9-5-2017, khi bệnh tình trở nặng, gia đình đưa ông Cương đến Bệnh viện tâm thần Đắk Lắk, nơi đây chẩn đoán bị "tâm thần phân liệt" (ICD: F20). Trong khi KLGĐ số 139 thì cho rằng, trước và trong ngày xảy ra vụ "sát" tiêu (ngày 28-4-2017), ông Cương bình thường; sau đó và hiện tại thì bị "rối loạn dạng phân liệt" (F21-ICD10). Kết luận này mang tính suy đoán, thiếu căn cứ.

Cuối tháng 6-2020, ông Cương tái phát bệnh, được gia đình đưa đến Bệnh viện tâm thần Đắk Lắk, nhập viện điều trị từ ngày 29-6-2020, đến 6-7-2020 xuất viện. Bệnh viện tiếp tục kết luận: Ông Cương bị bệnh "tâm thần phân liệt", trong khi KLGĐ số 139 thì xác định bị "rối loạn dạng phân liệt". Hai cơ quan chuyên môn về tâm thần (Bệnh viện tâm thần và Trung tâm pháp y tâm thần) lại có kết luận khác nhau về bệnh tâm thần của ông Cương?

Thứ hai, căn cứ KLGĐ số 139, sau khi xảy ra vụ "sát" tiêu, ông Cương mới bị bệnh. Vậy lời khai của ông Cương sau ngày 28-4-2017 (đã bị tâm thần) có đủ cơ sở để tin cậy và có giá trị pháp lý hay không?

Thứ ba, nếu xác định ông Cương gây án thì cần làm rõ động cơ phạm tội bởi giữa hai gia đình ông Cương và bị hại không hề xảy ra mâu thuẫn hay tranh chấp. Giá trị thiệt hại 27,55 triệu đồng cũng cần được làm rõ.

Theo luật sư Kiệt, do tồn tại hai kết luận khác nhau về bệnh tâm thần của ông Cương nên các cơ quan tố tụng cần tiến hành giám định lại để có cơ sở xử lý vụ án theo quy định của pháp luật, tránh oan sai.

Bình luận (0)

Lên đầu trang