VÌ SAO NHIỀU HỘ DÂN KHÔNG NHẬN BỒI THƯỜNG?
Gửi đơn phản ánh đến Báo CATP, 19 hộ dân tại tổ 8, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường - những hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án Khu đô thị (KĐT) thị trấn Xuân Trường cho rằng, dự án nói trên là dự án giãn dân, phân lô bán nền mang tính chất kinh doanh nên người dân được thỏa thuận giá đền bù với chủ đầu tư về giá bồi thường, hỗ trợ.
Theo đó, người dân nói trên không đồng ý với giá bồi thường 50.000 đồng/m2 cộng với hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề tìm kiếm việc làm là 150.000 đồng/m2 là thấp, các hộ không nhất trí và không lấy tiền bồi thường. Ngoài ra, những hộ dân tại đây còn cho rằng, đất của họ bị thu hồi nằm trong quy hoạch của bản đồ địa chính thị trấn. Bên cạnh đó, việc ở thị trấn đất chuyển đổi cao hơn các xã nên họ đề nghị áp dụng giá đất nông nghiệp trong khu dân cư với mức 75.000 đồng/m2. Tiếp đó, họ cho rằng, việc áp dụng không đúng theo quyết định của tỉnh về quy định về bảng giá đất đã khiến họ chịu thiệt thòi.
Về vấn đề này, trả lời Báo CATP, ông Vũ Tuấn Dương - Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết, đây là dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã được quy định cụ thể bao gồm: Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp, khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Còn về vấn đề áp dụng giá bồi thường khi thu hồi đất, ông Dương nói, huyện chỉ chi trả theo đúng thẩm quyền và các quy định của pháp luật.
Trong đó, căn cứ vào Quyết định 603/QĐ-UBND ngày 22-3-2016 về việc phê duyệt giá đất cụ thể để bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại thị trấn Xuân Trường có quy định rõ, đối với loại đất nông nghiệp trồng cây hàng năm (gồm đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây hàng năm khác) và đất nuôi trồng thủy sản là 50.000 đồng/m2 (hệ số điều chỉnh giá đất là 1,0).
"Ngoài ra, tại Quyết định 32/2014/QĐ-UBND ngày 30-12-2014, của UBND tỉnh Nam Định quy định về bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2015 - 2020 cũng nói rõ giá đất trồng cây hàng năm (bao gồm đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây hàng năm khác) thuộc địa giới các huyện là 50.000 đồng/m2. Chúng tôi không thể làm trái các quy định, đây là quy định chung của tỉnh chứ không phải huyện đưa ra bảng giá thích trả bao nhiêu thì trả”, ông Dương nói.
Về phản ánh của người dân cho rằng, đất nông nghiệp của các hộ dân là đất nằm trong quy hoạch của bản đồ địa chính thị trấn, các khoản đóng góp cũng như chuyển đổi đất cao hơn các xã, do vậy giá đất nông nghiệp bồi thường hỗ trợ cũng phải cao hơn giá ở các xã với mức là 75.000 đồng/m2, ông Dương cho rằng vấn đề này không có trong quy định của pháp luật và quy định của UBND tỉnh.
Nhiều hộ dân không nhận tiền đền bù vì cho rằng giá không hợp lý
Hiện trạng sử dụng và hồ sơ quản lý thì diện tích đất thu hồi của các hộ dân thực hiện dự án xây dựng KĐT thị trấn Xuân Trường là đất trồng lúa, được Nhà nước giao sử dụng, không thu tiền sử dụng đất, không phải là đất nông nghiệp trong khu dân cư nên không có cơ sở để áp dụng mức bồi thường 75.000 đồng/m2.
HÀNG LOẠT SAI SÓT, AI CHỊU TRÁCH NHIỆM?
Sau khi những hộ dân tại tổ 8, thị trấn Xuân Trường từ chối việc giao đất cho huyện thực hiện dự án với lý do như dân thắc mắc nêu trên, UBND huyện Xuân Trường đã thực hiện việc cưỡng chế đối với những hộ không giao đất thực hiện dự án. Từ đây, xuất hiện hàng loạt câu chuyện khôi hài, sự cẩu thả cũng như sai sót của chính quyền địa phương trong các văn bản khiến người dân tại đây bức xúc.
Cụ thể, tại bảng "tổng hợp phương án bồi thường, hỗ trợ về đất đai, vật kiến trúc, cây cối hoa màu" được lập ngày 7-7-2016 để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của dự án đợt 1 có 45 hộ có 4 cột xác nhận của: đại diện hộ có đất thu hồi, tổ trưởng, UBND thị trấn và phía UBND huyện thì ở cột xác nhận của "Đại diện hộ có đất bị thu hồi" xuất hiện chữ ký giả của bà Nguyễn Thị Tám. Nhiều người đặt câu hỏi, việc giả mạo chữ ký của bà Tám vào cột nói trên có mục đích gì?
Về việc này, ông Vũ Tuấn Dương cho biết: "Phương án đó khi công khai không cần phải chữ ký của những người có liên quan, nhưng vì cái ông hội đồng của tôi ông ấy cẩn thận quá đưa vào phải có đại diện hộ dân ký. Cái này là công khai cho từng hộ biết phương án, không cần chữ ký của bà Tám nhưng anh cố làm thêm vào. Huyện đã mời lên làm việc nhiều lần và ông Trần Đức Hiệp - tổ trưởng tổ 8 đã thừa nhận đã giả chữ ký của bà Tám và xin lỗi. Ngoài bà Tám, còn có 2 chữ ký của người khác, cái này là ký thừa".
Ông Dương nói không nhất thiết phải ký vào đó, nhưng văn bản thể hiện có cột xác nhận của "đại diện người dân" được đặt ngang hàng cùng chính quyền địa phương, phải chăng đây là lời giải thích thiếu trách nhiệm và phủ quyết sự có mặt của người dân vốn bao năm sinh sống tại địa phương? Bảng tổng hợp 45 hộ dân có ghi số tiền hỗ trợ tổng số hơn 5 tỷ đồng cho các hộ dân, nếu xảy ra sai sót thì ai chịu trách nhiệm?
Không chỉ xuất hiện chữ ký giả ở cột xác nhận các hộ dân trong bảng "tổng hợp phương án bồi thường, hỗ trợ về đất đai, vật kiến trúc, cây cối hoa màu" mà biên bản "Thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án..." cũng xuất hiện sự cẩu thả, sai sót không thể chấp nhận được.
Cụ thể, tại biên bản ngày 4-11-2016 trong việc cưỡng chế để thực hiện dự án, gồm đại diện UBND huyện và thị trấn Xuân Trường xuất hiện việc "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Ở cột "Ban cưỡng chế thu hồi đất" do ông Vũ Tuấn Dương - Phó chủ tịch UBND huyện này ký, nhưng lại đóng dấu của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện. Bên cạnh đó, biên bản được lập ra nhưng người ghi biên bản lại không ký vào biên bản.
Về vấn đề này, ông Dương khẳng định việc ông ký nhưng lại dấu đóng của Phòng TNMT là đúng quy định. Phó chủ tịch huyện Xuân Trường phân bua: "Trong quá trình ghi biên bản, do số lượng biên bản nhiều nên người ghi biên bản là bà Nguyễn Thị Yến - công chức địa chính TT.Xuân Trường đã sơ suất, sót một vài biên bản.
Trước khi tổ chức cưỡng chế đất, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất do tôi làm Trưởng ban. Trong quyết định có quy định Ban cưỡng chế được sử dụng con dấu của Phòng TNMT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, trong biên bản cưỡng chế, việc tôi ký vào biên bản làm việc với tư cách là Trưởng ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất và đóng dấu xác nhận bằng con dấu của Phòng TNMT là đúng quy định".
Bị "trù dập" khi lên tiếng đòi quyền lợi?
Hầu hết các hộ dân ở thôn đều có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi có quyết định thu hồi đất, người dân bị cạn dần đất canh tác, trong khi đó lại không có nghề phụ nên thêm cơ cực. Ông Trần Ngọc Tự là thương binh nặng, do cả gia đình con gái ông trông chờ vào một sào ruộng. Khi ông cùng người dân lên tiếng thì bị gây khó dễ nên ông đã xin nghỉ UBMT TQ thôn.
Còn bà Trần Thị Nhang, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn và bà Trần Thị Thêu, Chi hội phó có chung cảnh ngộ từ chối nhận đền bù đòi quyền lợi cũng bị cho nghỉ việc không rõ lý do. Ngoài ra, anh Trần Văn Trường và anh Trần Văn Thiền, đều là sĩ quan dự bị - gia đình hai anh cũng trong diện có đất bồi thường khi nói lên quan điểm cùng người dân cũng bị cắt tiền chế độ... Hiện những người này đang không biết mình bị như thế này là do nguyên nhân gì?