Trước đó, Báo CATP nhận được phản ánh của bạn đọc liên quan tới công trình xây dựng không phép là dãy nhà 17 căn nằm liền kề ở địa chỉ A1/43 Vĩnh Lộc (ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh; thuộc thửa đất số 18, tờ bản đồ 84 –BĐĐC) bị UBND huyện Bình Chánh “tuýt còi”, yêu cầu cưỡng chế toàn bộ, khắc phục hiện trạng. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm quyết định cưỡng chế có hiệu lực, cho đến nay, công trình vi phạm này vẫn tồn tại, gây bức xúc cho người dân, tạo ra dư luận xấu liên quan tới công tác xử lý vi phạm xây dựng.
Thông báo yêu cầu cưỡng chế công trình vi phạm trên khu đất của ông Cao Hoàng Nam nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện
Quá trình tìm hiểu vụ việc, phóng viên Báo CATP phát hiện thêm nhiều vấn đề "trái khoáy" ở khu đất này. Trong đó, người được cho là chủ của công trình vi phạm lại sốt sắng, bày tỏ mong muốn công trình không phép nêu trên phải sớm được cưỡng chế, đập bỏ, còn chính quyền địa phương thì vẫn đang loay hoay, chưa cưỡng chế.
Theo đơn phản ánh của ông Cao Hoàng Nam (SN 1984, ngụ quận Tân Bình) chủ của khu đất thuộc thửa đất số 18, tờ bản đồ 84 –BĐĐC trình bày, mảnh đất nói trên được ông mua lại từ năm 2018. Trong thời gian từ năm 2018 đến cuối năm 2019, vì bận việc kinh doanh nên không thường xuyên có mặt tại đây để trông coi tài sản.
Do ông Nam có nhu cầu kinh doanh trên khu đất nên ông Nguyễn Văn Thành (SN 1975, ngụ Bình Chánh) đề nghị phải sửa sang lại để bán cho có giá. Sau đó, ông Thành và ông Nam bàn thào việc san lấp mặt bằng, cải tạo, chỉnh trang khu đất. Ông Nam giao cho ông Thành chỉnh trang lại. Do bận công việc nên ông Nam không thường xuyên ghé qua khu đất.
Đến năm 2019, thời điểm công trình vi phạm xây dựng tại khu đất trên bị UBND huyện Bình Chánh ra quyết định cưỡng chế, ông Nam bất ngờ khi trên khu đất do mình sở hữu “mọc” lên 17 căn nhà kiên cố và được rao bán. Ông Nam đã làm đơn phản ánh gửi tới chính quyền địa phương cũng như lực lượng công an nhờ vào cuộc giải quyết giúp.
Nội dung cam kết khắc phục hậu quả của ông Thành với ông Nam sau khi vụ việc bị phát hiện
Làm việc với cơ quan chức năng liên quan, ông Nam hết sức bất ngờ trước những bản hợp đồng mua bán nhà đất do cơ quan điều tra trưng ra. Trong tất cả các hợp đồng này, chữ ký thể hiện bên bán đều là chữ ký và tên của ông Nam. “Tôi xin khẳng định và cam kết tất cả chữ ký và tên Cao Hoàng Nam được thể hiện trong hợp đồng mua, bán đối với 17 căn nhà tồn tại trên khu đất do tôi làm chủ sở hữu đều là giả mạo” – ông Nam khẳng định với phóng viên.
Ông Nam cũng đã liên hệ với ông Thành để làm cho ra lẽ, ông này thừa nhận chính ông là người xây dựng 17 căn nhà và làm hợp đồng mua, bán. “Nội dung này ông Thành đã chính miệng nói và làm bản cam kết khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại cho tôi” – ông Nam nói.
Kể từ đó cho tới nay, ông Thành gần như không có động thái nào để khắc phục hậu quả. Nạn nhân của vụ việc đã nhiều lần gửi đơn tố cáo tới chính quyền và Công an xã Vĩnh Lộc A đề nghị giám định lại toàn bộ hồ sơ có chữ ký được cho là giả mạo.
Nhiều người lỡ bỏ tiền ra mua những căn nhà không phép này rơi vào hoang mang, lo lắng, nguy cơ bị mất tiền. “Kể từ lúc chúng tôi biết mình mua phải nhà không phép và đang nằm trong diện cưỡng chế, ai nấy rất lo lắng nhưng không biết phải làm sao” – anh T., người mua một căn trong dãy nhà trên nói.
Theo ông Nam, quá trình tiếp xúc với các hộ dân tại khu vực này được biết, các hợp đồng mua, bán được ký kết đều không thông qua văn phòng công chứng. “Trên thực tế chuyện mua, bán nhà tại khu đất này không thể xảy ra vì toàn bộ giấy tờ của khu đất đã được tôi thế chấp tại ngân hàng” – ông Nam thông tin.
Được biết, căn nhà nằm tại địa chỉ A1/43 Vĩnh Lộc được rao bán với giá từ 1,3 tỷ đồng đến hơn 1,7 tỷ đồng, từ khoảng đầu năm 2019.
Dãy nhà không phép có quyết định cưỡng chế, đã được bán cho nhiều người
Sau bài viết “Công trình không phép bị ra quyết định cưỡng chế, sau 1 năm vẫn chưa thực hiện” đăng trên Báo Công an TPHCM, UBND xã Vĩnh Lộc A đã có buổi làm việc với ông Cao Hoàng Nam vào ngày 22-10. Tại buổi làm việc, đại diện chính quyền xã Vĩnh Lộc A cam kết, sẽ sớm giải quyết yêu cầu của ông Nam cũng như tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm phát sinh trên khu đất tại địa chỉ A1/43 Vĩnh Lộc (ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh; thuộc thửa đất số 18, tờ bản đồ 84 –BĐĐC).
Trả lời phóng viên Báo CATP, ông Vũ Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết sự việc đang được báo cáo tới lãnh đạo huyện Bình Chánh và cho biết các đơn vị chịu trách nhiệm xử lý đang tiến hành làm đúng theo tiến độ, không để kéo dài. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay (tháng 12-2020), công trình không phép tại địa chỉ trên vẫn chưa được cưỡng chế.
Trước đó, ngày 28-8-2019, UBND huyện Bình Chánh đã ban hành quyết định 620/ QĐ-CC-XPHC về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Cao Hoàng Nam (SN 1984, ngụ Q.Tân Bình), chủ sở hữu của lô đất tại địa chỉ A1/43 Vĩnh Lộc. Quyết định nêu rõ, chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng xác định 17 căn nhà không phép nằm ở khu đất địa chỉ A1/43 Vĩnh Lộc (thuộc thửa đất số 18, tờ bản đồ 84 –BĐĐC) thuộc 2 khối công trình.
Nội dung quyết định trên buộc chủ công trình là ông Cao Hoàng Nam phải tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm được đã cơ quan chức năng xác định. Nếu trong vòng 15 ngày kể từ ngày quyết định này có hiệu lực, chủ của công trình trên không tự nguyện chấp hành sẽ bị tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật.
Vào thời điểm nhận quyết định buộc tháo dỡ công trình, một phần vì điều kiện kinh tế không cho phép, mặt khác do diện tích xây dựng lớn nên ông Nam có bày tỏ nguyện vọng nhờ huyện Bình Chánh hỗ trợ. Đến ngày 24-3-2020, UBND xã Vĩnh Lộc A, UBND huyện Bình Chánh có yêu cầu ông Nam nộp tạm ứng số tiền 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) để UBND xã Vĩnh Lộc A tháo dỡ công trình xây dựng. Đồng thời, UBND xã Vĩnh Lộc A cam kết trước UBND huyện Bình Chánh và ông Nam sẽ tháo dỡ trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nộp tiền.
Luật sư Bạch Tuyết - Đoàn Luật sư TPHCM
Vụ việc này cần phân biệt rõ 2 vấn đề: Thứ nhất, đất này là do ông Cao Hoàng Nam làm chủ sở hữu, những người dân đã mua đất này thông qua ông Thành (hoặc những người môi giới của ông Thành) mà không có ý kiến của ông Nam, không theo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật là sai. Cần trả lại đất cho ông Nam và tiến hành các thủ tục khởi kiện dân sự hoặc tố cáo ông Thành và đồng phạm có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để bảo vệ quyền lợi cho mình. Dấu hiệu của tội lừa đảo thể hiện qua hành vi giả chữ ký của ông Nam để kí kết hợp đồng mua bán 17 căn nhà thuộc thửa đất số 18.
Thứ hai, đây là công trình xây dựng vi phạm đã được xác định nên trước hết phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp cưỡng chế tháo dỡ để thực thi tính nghiêm minh của pháp luật.