Án treo cho cựu phó giám đốc Sở VH-TT và DL tỉnh Đồng Tháp

Chủ Nhật, 15/11/2020 08:06  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Sau thời gian nghị án kéo dài, TAND tỉnh Đồng Tháp vừa tuyên án bị cáo Nguyễn Hữu Lý (nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Đồng Tháp), Võ Thị Tuyết Nhung (nguyên kế toán trưởng) cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Còn bị cáo Nguyễn Hoài Dương (Giám đốc Công ty TNHH thương mại xây dựng mỹ thuật tượng đài Ánh Dương) bị  xét xử về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công trình tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ Gò Tháp (H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).

Các bị cáo: Võ Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Hữu Lý và Nguyễn Hoài Dương tại tòa (từ trái sang).

Cựu phó giám đốc hưởng án treo

Theo cáo trạng, tháng 12-2014, Nguyễn Hoài Dương đại diện cho Công ty Ánh Dương ký hợp đồng với Ban Quản lý khu di tích (QLKDT) Gò Tháp thi công xây dựng công trình tu bổ miếu thờ Bà Chúa Xứ. Giá trị hợp đồng là hơn 7,3 tỷ đồng.

Để đảm bảo thực hiện hợp đồng và nhận tiền tạm ứng, Dương đã làm giả 2 chứng thư với số tiền hơn 4 tỷ đồng nộp cho Ban QLKDT Gò Tháp để rút tiền. Nhận tiền, Dương chỉ sử dụng số ít để thi công kiểu cầm chừng. Ngoài ra Dương còn làm giả thẻ tiết kiệm và chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Tổng cộng, Dương chiếm đoạt ngân sách số tiền hơn 3,7 tỷ đồng.

Tại tòa, cả 3 bị cáo đều cho rằng mình không phạm tội. Cụ thể, bị cáo Dương cho rằng mình thuê người làm giả các chứng thư bảo lãnh và thẻ tiết kiệm chứ không trực tiếp làm giả. Bị cáo chỉ phạm tội sử dụng tài liệu giả. Ngoài ra, bị cáo Dương cũng không thừa nhận tội lừa đảo.

Dương cho rằng việc sử dụng các tài liệu giả là để được thi công công trình, số tiền tạm ứng bị cáo có sử dụng thực hiện công trình. Việc công trình chậm trễ là do lỗi thiết kế, lỗi của chủ đầu tư và chậm thẩm định các hạng mục phát sinh để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. Nếu có vấn đề phát sinh quan hệ giữa nhà thầu và Ban QLKDT thì chỉ là quan hệ dân sự. Đối với bị cáo Lý và Nhung cũng cho rằng bản thân đã làm hết trách nhiệm.

Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo, người làm chứng, người liên quan và kết quả tranh tụng tại phiên tòa cho thấy có đầy đủ căn cứ buộc tội các bị cáo. Cụ thể, qua điều tra và bị cáo Dương cũng thừa nhận đã thuê người làm giả các tài liệu. Tuy nhiên, trong quá trình này Dương đã soạn thảo mẫu, thông tin để người khác làm giả. Điều này chứng tỏ bị cáo đã tham gia vào một khâu rất quan trọng. Do đó, có đủ căn cứ xác định Dương phạm tội làm giả.

Hơn nữa, Dương nhiều lần sử dụng các tài liệu giả nộp cho cơ quan chức năng nên cũng phạm vào tội sử dụng tài liệu giả. Đối với hành vi làm giả của Dương, để được nhận lại tiền tạm ứng, bảo lãnh hợp đồng, Dương đã nộp các tài liệu giả nêu trên. Bị cáo biết rằng không nộp các tài liệu giả thì sẽ không nhận được tiền thực hiện theo hợp đồng. Do đó, hành vi của Dương phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, HĐXX nhận định bị cáo Lý và Nhung đã thiếu trách nhiệm, không chỉ đạo kiểm tra tính hợp pháp các chứng thư, thẻ tiết kiệm do Dương cung cấp, để người này chiếm đoạt tiền ngân sách; xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Do vậy, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lý và Nhung mỗi người 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Bị cáo Dương bị tòa tuyên phạt 11 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 2 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp hình phạt chung bị cáo này là 13 năm tù.

Tòa bác bỏ lời bào chữa của các luật sư

Tại phiên xét xử, luật sư bào chữa của Dương cho rằng, bị cáo Dương không có hành vi chiếm đoạt tài sản là vốn công trình tu bổ miếu Bà Chúa Xứ Gò Tháp, bởi vì hợp đồng Công ty Ánh Dương ký với Ban QLKDT Gò Tháp là đúng pháp luật. Thời điểm trúng thầu và ký kết hợp đồng bị cáo Dương không hề biết trước thiết kế công trình có sai sót, dẫn đến thi công chậm trễ, bị cáo cũng không biết trước khi nghiệm thu giai đoạn 1 chủ đầu tư chỉ thu hồi 20% thay vì 45% tạm ứng.

Bị cáo cũng không biết trước chủ đầu tư tạm ứng kinh phí trước thi công sau nên không nảy sinh ý định chiếm đoạt ngay từ thời điểm tham gia đấu thầu. Chủ đầu tư đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do đơn vị thi công bỏ dỡ công trình là không đúng, bởi đến tháng 10-2019 còn được UBND tỉnh Đồng Tháp gia hạn thi công. Đây là tranh chấp dân sự, phát sinh từ hợp đồng dân sự phải được tòa án giải quyết, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa quan hệ dân sự.

Đối với số tiền tạm ứng hơn 3,3 tỷ đồng, cáo trạng cho rằng sau khi nhận tiền bị cáo Dương chỉ sử dụng 1 phần nhỏ để thi công công trình cầm chừng, còn phần lớn số tiền còn lại chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân là không đúng.

Còn các luật sư của bị cáo Lý cho rằng, cáo trạng quy buộc bị cáo Lý không kiểm tra hoặc chỉ đạo kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ các chứng thư bảo lãnh, thẻ tiết kiệm để tạo điều kiện cho Dương chiếm đoạt tiền cần phải xem xét lại. Bởi theo quy định, thư bảo lãnh ngân hàng là tài liệu mật chỉ có chủ tài khoản và các cá nhân tổ chức được cho phép thì mới được quyền cung cấp thông tin. Bị cáo Lý và bị cáo Nhung không có quyền kiểm tra các chứng thư, giấy tờ này. Do đó không có căn cứ buộc tội 2 bị cáo Lý và Nhung.

Đối với thẻ tiết kiệm của Dương, theo quy định thuộc danh mục bí mật trong ngành ngân hàng, do đó buộc tội bị cáo Lý về hành vi thiếu trách nhiệm không kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của thẻ tiết kiệm do Dương cung cấp là sai, nếu buộc bị cáo Lý kiểm tra là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng ý kiến bào chữa của các luật sư là không có căn cứ, nên tuyên mức án như trên.

Kết thúc phiên tòa, luật sư Bùi Văn Mạc (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng: Bản án vừa tuyên không có đầy đử các căn cứ pháp luật, chỉ dựa vào kết quả của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát chứ không có quan tâm, lắng nghe các ý kiến tranh luận của bên phía người biện hộ. Ngay trong phiên tòa, Viện kiểm sát cũng không có đối đáp được những điểm chính mà luật sư chúng tôi nêu ra. Chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ có ý kiến từng vấn đề đối với cơ quan tố tụng và Tòa án Cấp cao tại TPHCM.

Bình luận (0)

Lên đầu trang