Thụ lý vụ án hết thời hiệu
Ngày 12-11-2020, ông Trần Văn Hiện, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau; ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau có văn bản gởi Viện KSND Tối cáo, Chánh án TAND Tối cao, Ban Dân nguyện cùng nhiều lãnh đạo cơ quan ban ngành gởi các cơ quan có liên quan đề nghị xem xét bản án phúc thẩm số 47/2020/KDTM-PT của TAND Cấp cao tại TPHCM do thẩm phán Lê Hoàng Tấn, Chủ tọa phiên tòa, xét xử.
Theo bản án trên, nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bắc (SN 1953) và ông Vũ Trọng Hùng (SN 1950, cùng tạm trú phường 8, TP.Cà Mau); bị đơn là ông Trần Văn Tùng (SN 1973, ngụ ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau).
Theo đơn khởi kiện của bà Bắc, năm 2004, bà cùng ông Hùng thành lập Công ty TNHH Nam Bắc để đầu tư “Dự án khu đô thị Bạch Đằng”, tọa lạc tại ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau, Cà Mau (gọi tắt là dự án) với số vốn điều lệ là 30 tỷ đồng.
Đến năm 2008, công ty cổ phần hóa và chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Nam Bắc. Hai năm sau, qua giới thiệu của ông Hồng Quốc Công, một cổ đông và cũng là nhà đồng sáng lập công ty, bà Bắc nhận Trần Văn Tùng vào làm việc tại công ty. Nhận thấy Tùng cũng làm việc nhiệt tình, có khả năng nên bà Bắc và ông Hùng bổ nhiệm làm Phó giám đốc, có quyền hạn thay mặt khi ông bà không có ở Cà Mau để đi giao dịch với các ban ngành trong tỉnh.
Công ty Nam Bắc nhưng bản án tòa ghi Công ty Bắc Nam
Tháng 6-2012, bà Nguyễn Thị Bắc và ông Vũ Trọng Hùng giao cho Tùng vị trí Giám đốc, đại diện pháp lý cho Công ty CP Nam Bắc. Do bà Bắc có vướng nợ xấu trên hệ thống ngân hàng nên bà đã lập một hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01 ngày 8-12-2012 chuyển nhượng cho ông Tùng đứng tên giùm 1.550.000 cổ phần trị giá 15,5 tỷ đồng. Đến ngày 2-3-2016 tại trụ sở Công ty CP Nam Bắc, bà Bắc tiếp tục chuyển cho Tùng đứng tên giùm số cổ phần của ông Vũ Trọng Hùng trị giá 15,5 tỷ đồng bằng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Theo lời bà Bắc, ông Hùng, cả hai lần chuyển nhượng, ông Tùng không thanh toán khoản tiền nào. Hợp đồng trên chỉ là hình thức nhờ ông Tùng giao dịch với ngân hàng. Phía bị đơn, ông Trần Văn Tùng cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đúng pháp luật. Khi nhận hợp đồng trên, ông phải gánh món nợ hơn 82 tỷ đồng không khả năng thanh toán của bà Bắc, ông Hùng để lại. Ông tiếp tục đầu tư dự án và thanh toán các khoản nợ cho 3 ngân hàng. Khi thấy giá đất tăng, bà Bắc đòi lại dự án.
Ngày 7-6-2019, bà Bắc, ông Hùng được TAND tỉnh Cà Mau ra thông báo thụ lý vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần”. Đến ngày 21-10-2019, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm. Thẩm phán Huỳnh Văn Yên, Chủ tọa phiên tòa bác đơn khởi kiện của bà Bắc, ông Hùng.
Theo nhận định của tòa, việc chuyển nhượng trên đều là do hai ông bà đáp ứng nguyên tắc, tự nguyện và bình đẳng, có năng lực hành vi dân sự tham gia giao dịch mua bán nên đã bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Nguyên đơn kháng cáo.
Ngày 12-8-2020, TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm. Thẩm phán Lê Hoàng Tấn, Chủ tọa phiên tòa tuyên hủy các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa nguyên đơn bà Bắc, ông Hùng và bị đơn là ông Trần Văn Tùng. Ông Tùng cũng có nghĩa vụ hoàn trả 30.050.000 cổ phần tương ứng với 30 tỷ 500 triệu đồng cho bà Bắc, ông Hùng.
Đồng thời yêu cầu bà Bắc, ông Hùng và ông Tùng đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến người đại diện của Công ty CP Bắc Nam (viết đúng phải Nam Bắc, PV) theo quy định của pháp luật.
Bản án ban hành, ông Tùng gởi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau và Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau ra văn bản gởi các cơ quan Trung ương kiến nghị giám đốc thẩm bản án theo hướng hủy 2 bản án. Theo đó, bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TPHCM có nhiều điểm chưa phù hợp quy định pháp luật. Vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng hai cấp tòa vẫn thụ lý giải quyết.
Tính đến ngày vợ chồng bà Bắc khởi kiện thì cả hai hợp đồng này đều đã được ký trên ba năm. Tại Điều 132 và Điều 429 BLDS 2015 quy định, thời hiệu giải quyết vụ án này là ba năm. Tuy nhiên, cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án này đều không đưa vấn đề thời hiệu khởi kiện ra nhận định.
Các văn bản của cơ quan, ban ngành tỉnh Cà Mau gởi TAND Cấp cao tại TP.HCM
“Đau đầu" cơ quan Thi hành án
Ngoài nội dung thụ lý, xét xử vụ án hết thời hiệu pháp luật, HĐND tỉnh cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nhận định, nội dung vụ án có nhiều vấn đề chưa phù hợp quy định pháp luật, không toàn diện, không thể THA.
Ngày 4-11-2020, ông Huỳnh Hoàng Khâm, Phó cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Cà Mau có văn bản gởi TAND Cấp cao tại TPHCM. Văn bản trên ghi rõ “... Bản án tuyên, ông Trần Văn Tùng hoàn trả cổ phần tương đương 30,5 tỷ đồng cho ông Hùng, bà Bắc ngay khi bản án có hiệu lực”.
Để có cơ sở THA, Cục THA Dân sự tỉnh Cà Mau yêu cầu TAND Cấp cao tại TPHCM giải thích rõ, trong trường hợp này hoàn trả những gì. Do hợp đồng bị hủy thì các bên giao trả lại cho nhau những gì đã giao nhận, nhưng trường hợp này, sau khi ký hợp đồng, hai bên thừa nhận không giao nhận gì cả và có buộc ông Tùng phải hoàn trả hay không để có chế tài xử lý.
Bản án còn tuyên, ông Hùng, bà Bắc, ông Tùng đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến người đại diện hợp pháp của Công ty Bắc Nam. Trong khi đó, nguyên đơn yêu cầu là Công ty Nam Bắc. Bản án không buộc ông Tùng đến các cơ quan chức năng nên rất khó THA. Tòa cũng giải thích khoản án phí 247 triệu đồng mà ông Tùng phải đóng”.
Trước đó ngày 30-9-2020, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) tỉnh Cà Mau có văn bản gởi TAND Cấp cao tại TPHCM về bản án trên không thể thi hành. Văn bản trên cho rằng: “Bản án tuyên, ông Trần Văn Tùng phải hoàn trả cổ phần cho bà Nguyễn Thị Bắc và ông Vũ Trọng Hùng (tiền mặt, tài sản hay trên giấy tờ), nếu hoàn trả bằng tiền thì ai trả cho ai... Hiện nay, ông Trần Văn Tùng đã có đơn kháng án đề nghị Giám đốc thẩm.
Như vậy, những nội dung quyết định của bản án số 47 có phải thực hiện thi hành án thông qua Cơ quan THA hay không?”. Đại diện Sở KHĐT cho biết, theo quyết định của tòa, các cá nhân được chỉ định bao gồm bà Bắc, ông Hùng và ông Tùng đều phải có mặt để thực hiện việc thay đổi đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, trong các buổi làm việc chỉ có bà Bắc và ông Hùng, còn người phải THA là ông Tùng thì không có mặt nên không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng đứng ngồi không yên bởi dự án còn nợ hơn 80 tỷ đồng mà tòa không nhắc đến trách nhiệm ai phải có nghĩa vụ thanh toán. Quả là bản án lạ lùng.