Vụ "Một bản án không thể thi hành án ở Cà Mau”:

Chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát tối cao

Thứ Sáu, 07/05/2021 16:58  | Thiện Thảo

|

(CATP) Đến nay, Tòa án nhân dân Tối cao (TAND) vẫn chưa xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án số 47/2020/KDTM-PT của TAND Cấp cao tại TPHCM do thẩm phán Lê Hoàng Tấn, Chủ tọa phiên tòa xét xử ngày 12-8-2020 có quá nhiều sai sót, không thể thi hành án.

Chấp hành viên thi hành án quá “nhiệt tình”

Ngày 6-5, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau cho biết, nơi đây chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến chấp hành viên (CHV) thuộc Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Cà Mau cho Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tại TP.Cần Thơ. Theo đó, ngày 1-5, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau nhận được đơn tố giác của ông Trần Văn Tùng (SN 1973, trú khu đô thị mới Bạch Đằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nam Bắc (gọi tắt là Công ty Nam Bắc, TP.Cà Mau) tố giác ông Huỳnh Hoàng Khâm, CHV và ông Lê Phước Hòa, Thư ký thuộc Cục THADS tỉnh.

Cụ thể, ngày 12-4-2020, Phó cục trưởng Cục THA tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Hoàng Khâm, cũng là CHV trực tiếp thi hành bản án này, đã lập biên bản về việc đã thi hành xong bản án. Biên bản trên cho rằng, bản án số 47, tòa tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa ông Trần Văn Tùng, bà Nguyễn Thị Bắc và ông Vũ Trọng Hùng. Hợp đồng bị hủy thì hai bên phải trả cho nhau những gì đã trao, đã nhận. Căn cứ bản án này cũng như quá trình làm việc với hai bên đương sự, cơ quan liên ngành xác định lúc ký hợp đồng chuyển nhượng, hai bên không trao nhận gì cả. Do đó, CHV không có cơ sở buộc hai bên trả cái gì cho nhau. Biên bản này cũng lý giải, việc tòa tuyên ông Tùng trả 3,05 triệu cổ phần, tương đương 30 tỷ 500 triệu đồng, thực chất là tuyên “ông Tùng không còn sở hữu số cổ phần này tại Công ty Nam Bắc”. Từ đó, CHV lập biên bản giải thích và thông báo cho hai bên rõ là bản án đã được thi hành xong.

Khu đất tại khu dân cư Bạch Đằng

Biên bản trên được ký, bà Bắc và ông Hùng làm đơn gởi đến Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Cà Mau xin đổi tư cách pháp nhân. Trong đơn tố giác, ông Tùng khẳng định, ông không có mặt tại Cục THADS tỉnh Cà Mau và cũng không biết biên bản trên. Nhưng phía dưới ghi “ông Trần Văn Tùng đã xem qua biên bản nhưng không ký tên, với lý do không đồng tình với bản án và đang yêu cầu TAND Tối cao xem xét lại” là ghi khống có dấu hiệu “lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong thi hành công vụ”. Thực tế ngay thời điểm trên, ông Tùng khám bệnh ở TPHCM. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao tại Cần Thơ xem xét, xử lý theo đúng thẩm quyền.

Chiều 6-5, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cho biết: “Ngày 29-4-2021, bà Nguyễn Thị Bắc nộp hồ sơ thay đổi người đại diện pháp luật từ ông Trần Văn Tùng sang bà Bắc tại Bộ phận một cửa, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh. Tuy nhiên, biên bản thi hành án không có chữ ký của ông Tùng; ông Tùng khiếu nại, bản thân không có mặt và không biết biên bản trên. Biên bản thi hành án ngày 12-4-2021 chưa đủ rõ bởi CHV đã thực hiện xong bước triển khai THA hay đã thực hiện xong việc THA. Sở có văn bản gởi Cục THADS tỉnh Cà Mau làm rõ một số vấn đề để thực hiện theo đúng pháp luật”.

Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa kháng nghị

Trong đơn cầu cứu gởi các cơ quan chức năng, ông Tùng bức xúc bởi đến nay, TAND Tối cao vẫn chưa có kháng nghị giám đốc thẩm. Trước đó, từ đơn khiếu nại bản án của ông Tùng, qua xem xét hồ sơ, tháng 11-2020, ông Trần Văn Hiện, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau; ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau có văn bản gởi Viện Kiểm sát nhân dân tối cáo, Chánh án TAND Tối cao, Ban Dân nguyện cùng nhiều lãnh đạo cơ quan ban ngành gởi các cơ quan có liên quan, đề nghị xem xét bản án phúc thẩm số 47/2020/KDTM-PT của TAND Cấp cao tại TPHCM do thẩm phán Lê Hoàng Tấn, Chủ tọa phiên tòa có nhiều điểm chưa phù hợp quy định pháp luật.

Vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng hai cấp tòa vẫn thụ lý giải quyết. Tính đến ngày bà Bắc, ông Hùng khởi kiện thì cả hai hợp đồng này đều đã được ký trên ba năm. Tại Điều 132 và Điều 429 BLDS 2015 quy định, thời hiệu giải quyết vụ án này là 3 năm. Tuy nhiên, cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án này đều không đưa vấn đề thời hiệu khởi kiện ra nhận định. Bản án tuyên, ông Trần Văn Tùng phải hoàn trả cổ phần cho bà Nguyễn Thị Bắc và ông Vũ Trọng Hùng (tiền mặt, tài sản hay trên giấy tờ), nếu hoàn trả bằng tiền thì ai trả cho ai... Do đó, bản án không thể thi hành án.

Các cơ quan địa phương kiến nghị giám đốc thẩm, báo chí phản ánh, TAND Cấp cao tại TPHCM đã 3 lần ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án. Cụ thể, sửa tên Công ty từ Công ty cổ phần Bắc Nam thành Công ty Nam Bắc, sửa con số liên quan đến tiền cổ phần, sửa số tiền án phí, từ 247 triệu đồng xuống còn 3 triệu đồng. Trong khi ông Tùng và các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau chờ TAND Tối cao giám đốc thẩm bản án để xử lý theo đúng trình tự pháp luật thì CHV Cục THADS tỉnh Cà Mau vội ra biên bản thi hành xong một bản án không thể thi hành?

Bình luận (0)

Lên đầu trang