Chuyển nhầm 3,5 tỷ đồng qua ngân hàng, đòi 2 năm vẫn chưa được

Thứ Hai, 21/03/2022 10:43

|

(CAO) Tưởng rằng việc chuyển nhầm 3,5 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng cho người lạ sẽ sớm được giải quyết, nhưng anh Luận không ngờ phải vất vả đi đòi suốt 2 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Công an Q.Bình Tân đang điều tra xác minh đơn của anh Lê Như Luận (SN 1980, quê Quảng Ngãi) tố cáo P.T.N.L (SN 1984, ngụ Q.Bình Tân) có hành vi “chiếm giữ tài sản trái phép” khi được chuyển nhầm tiền qua tài khoản ngân hàng.

Theo đó, vào ngày 27-3-2020, anh Luận nhắn số tài khoản của người nhà cho đối tác chuyển 3,5 tỷ đồng trả nợ. Tuy nhiên, do bất cẩn nên anh lại nhắm nhầm sang số tài khoản của P.T.N.L.

Anh Luận vất vả suốt 2 năm qua đi đòi lại số tiền chuyển nhầm - Ảnh minh họa

Sau đó, đối tác của anh Luận đã thực hiện 2 lệnh chuyển tiền 2 tỷ và 1,5 tỷ vào số tài khoản của P.T.N.L. Trên lệnh chuyển tiền, đối tác ghi rõ nội dung “chuyển khoản trả anh Luận”.

Đến tối cùng ngày, anh Luận hỏi người nhà nhưng vẫn chưa thấy tiền vào tài khoản nên kiểm tra mới phát hiện ra sự việc nhầm lẫn. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, anh Luận đã gọi cho ngân hàng và tìm mọi cách liên hệ với P.T.N.L đề nghị trả lại tiền.

Tuy nhiên, anh Luận cho biết lúc đầu người này hứa trả lại nhưng sau đó trì hoãn. Nhiều lần thuyết phục P.T.N.L nhưng không có kết quả, anh Luận buộc phải làm đơn tố cáo người này có hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản” của người khác lên cơ quan công an.

Tiếp nhận thông tin, Công an Q.Bình Tân đã vào cuộc và mời các đương sự lên lấy lời khai để điều tra, xác minh làm rõ. Ngày 17-12-2021, Thượng tá Nguyễn Văn Thành – Chánh Thanh tra Công an TPHCM cũng có công văn chuyển đơn của anh Luận đề nghị Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Q.Bình Tân xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết hành vi cố tình chiếm giữ tiền người khác chuyển nhầm vào tài khoản không trả có thể bị xử lý hình sự về tội “chiếm giữ trái phép tài sản” được quy định tại điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015, 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Cụ thể, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang