Vụ cụ bà ở An Giang mòn mỏi chờ thi hành án: Cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm

Chủ Nhật, 12/03/2023 18:16  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Bản án có hiệu lực đến nay đã 9 năm, nhưng không hiểu sao chưa thể thi hành án khiến bà Phạm Thị Lang (76 tuổi, ngụ xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang) chờ đợi trong mỏi mòn. Việc chậm trễ thi hành án cho thấy sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng.

Trước đó, Chuyên đề Công an TPHCM có nhiều bài viết phản ánh trường hợp bà Phạm Thị Lang sử dụng một mảnh đất cạnh tỉnh lộ và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01252 ngày 30-11-1994. Nguồn gốc đất do cha chồng bà là ông Nguyễn Văn Sóc để lại. Trước khi giao đất cho vợ chồng bà Lang sử dụng, ông Sóc cho ông Trần Văn Ngợi (cha ông Trần Văn Nâu và bà Trần Thị Thêm) ở nhờ. Khi còn sống, ông Sóc yêu cầu ông Ngợi trả đất nhưng người này không đồng ý. Khi ông Ngợi mất, ông Nâu và bà Thêm tự ý cất nhà ở.

Bà Lang có trình báo với chính quyền địa phương, nhưng không được ngăn chặn kịp thời. Do đó, bà Lang yêu cầu ông Nâu, bà Thêm cùng những người con của họ phải di dời nhà, vật kiến trúc để trả lại đất, đổi lại được hỗ trợ nền nhà và tiền. Tuy nhiên, những người này không đồng ý nên bà Lang quyết định kiện ra tòa. Tại bản án phúc thẩm số 287/2016/DS-ST ngày 29-8-2014, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh An Giang tuyên xử buộc ông Trần Văn Nâu cùng vợ chồng Hồ Phước Thành, Trần Thị Mạnh và các con phải tháo dỡ nhà và trả lại 55,2m2 đất cho bà Lang; buộc bà Thêm cùng các con trả lại phần đất diện tích 27m2.

Công nhận sự tự nguyện hỗ trợ của bà Lang cho ông Nâu, vợ chồng ông Thành, bà Mạnh và các con 1 nền đất diện tích 84m2 cùng với chi phí hỗ trợ 13 triệu đồng. Đối với bà Thêm và gia đình sẽ được hỗ trợ chi phí dời nhà là 10 triệu đồng. Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực thì nhiều năm sau đó, bà Lang mòn mỏi chờ cơ quan chức năng thi hành.

Căn nhà Tòa tuyên tháo dỡ nhưng 9 năm vẫn "bất động"

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, đại diện Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện An Phú cho biết đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế để gửi cho các cơ quan, ban ngành để cưỡng chế công trình vi phạm vì gia đình ông Trần Văn Nâu do không tự nguyện thực hiện theo nội dung bản án. Ngoài ra, ông Trần Hòa Hợp (Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo THADS huyện An Phú) - cho biết: "Sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan để xử lý dứt điểm vụ việc, tránh kéo dài gây bức xúc". Thế nhưng vụ việc đến "phút 89" buộc phải dừng lại vì phát hiện nhân thân của bị đơn khác với thông tin có trong bản án.

Ngày 21-10-2022, ông Phạm Thế Mỹ - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện An Phú đã có văn bản gửi TAND tỉnh An Giang về việc đính chính nội dung bản án. Theo nội dung văn bản, quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên xác minh nhân thân tại địa phương và nơi đăng ký hộ tịch của các đương sự thì phát hiện một số thông tin về nhân thân (tên, năm sinh) khác với nội dung bản án. Do đó, nhằm bảo đảm quá trình tổ chức thi hành án đúng quy định pháp luật, Chi cục THADS An phú đề nghị TAND tỉnh An Giang đính chính lại tên, năm sinh của các đương sự có liên quan.

Sau nhiều lần chúng tôi liên hệ với thẩm phán trực tiếp xét xử án phúc thẩm, ông Cao Sơn Lễ (thẩm phán TAND tỉnh An Giang) cho biết: Việc đính chính bản án và thẩm tra căn cước công dân không phải trách nhiệm của tòa án cấp phúc thẩm. Đối với vụ việc này, đương sự cần có đơn yêu cầu tòa án sơ thẩm đính chính lại bản án. Sau đó, tòa phúc thẩm sẽ ra quyết định thông báo, bổ sung để sửa chữa bản án phúc thẩm cho đúng tên, tuổi để cơ quan thi hành án thi hành bản án kéo dài nhiều năm.

Thiết nghĩ, trưởng ban chỉ đạo THADS huyện An Phú, lãnh đạo TAND tỉnh An Giang chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm thi hành nội dung bản án, để tính nghiêm minh pháp luật được thực thi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang