Sơ thẩm lần 2 vụ án “siêu lạ” miền Tây: Cựu Phó Giám đốc Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim Hậu Giang… lại kêu oan:

Kỳ cuối: “Khắc xuất, khắc nhập”, rồi… “khắc xuất” (!)

Thứ Tư, 20/03/2024 16:50

|

(CATP) Lúc đầu, cựu PGĐ Nguyễn Hữu Thảo bị khởi tố tội “Tham ô tài sản” toàn bộ 2,058 tỷ đồng. Sau đó, số tiền này được cơ quan tố tụng tách ra làm 2 phần: Thảo chỉ “tham ô” 430,4 triệu đồng; 1,628 tỷ đồng còn lại, Thảo vi phạm về kế toán. Từ đó, Thảo bị khởi tố thêm tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Thấy không ổn, các cơ quan tố tụng quay lại quy kết ông Thảo chỉ phạm 1 tội “Tham ô tài sản”, tuyên mức án gần “kịch khung” 20 năm tù…

KHI KẺ CHIẾM ĐOẠT THÀNH… “NGƯỜI LIÊN QUAN” (!)

Ngày 01/02/2019, ông Thảo bị bắt tạm giam về tội “Tham ô tài sản” theo Điều 353 BLHS 2015. Đến ngày 11/12/2019, ông Thảo tiếp tục bị khởi tố tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 221 BLHS 2015.

Ngày 18/3/2020, VKSND tỉnh Hậu Giang ban hành cáo trạng số 07/CT-VKSHG-P1 do Phó Viện trưởng (PVT) Nguyễn Thanh Liêm ký, truy tố ông Thảo 2 tội theo Điều 353 và Điều 221 BLHS 2015.

Vụ án được TAND tỉnh Hậu Giang mở phiên sơ thẩm ngày 01/6/2020, với HĐXX do Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến ngồi ghế chủ tọa. Đối tượng chiếm đoạt tiền Đỗ Tuấn Phong được tòa triệu tập với tư cách “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”. Trước HĐXX, Phong xác định chỉ nợ hơn 1,628 tỷ đồng; số tiền 2,027 tỷ đồng mà y thừa nhận tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang ngày 30/10/2018, nhằm “trả ơn” Thảo (?!).

Ông Thảo và nhóm LS bào chữa tại phiên tòa sơ thẩm lần 1

Tại phiên tòa, cựu PGĐ liên tục kêu oan. Thảo thừa nhận việc bán hàng chưa tuân thủ theo quy định của Công ty Nguyễn Kim, nhưng hoàn toàn không chiếm đoạt hay vụ lợi cá nhân. Mục đích của việc làm này là nhằm hoàn thành chỉ tiêu doanh số cũng như duy trì sự tồn tại và phát triển của Nguyễn Kim HG mới được thành lập với gần 60 nhân viên. Việc bán hàng như trên, gần như toàn thể nhân viên đều biết rõ và đồng tình.

Sau một ngày diễn ra căng thẳng, Thẩm phán Tiến ký QĐ trả hồ sơ để điều tra bổ sung một loạt vấn đề, trong đó phải làm rõ trách nhiệm của Hoàng Văn Hải - Trưởng phòng Kho vận (TPKV) Nguyễn Kim HG.

Ngày 28/9/2020, PVT Liêm ký cáo trạng mới (cũng ghi số 07/CT-VKSHG-P1) truy tố ông Thảo 2 tội “Tham ô tài sản” với số tiền 430,4 triệu đồng và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” với số tiền 1,628 tỷ đồng; truy tố Hoàng Văn Hải theo Điều 221, vai trò đồng phạm với số tiền vi phạm 2,058 tỷ đồng.

Ngày 19/01/2021, TAND tỉnh Hậu Giang tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm cũng do Thẩm phán Tiến làm chủ tọa. Hầu tòa lần này, ngoài Thảo còn có bị cáo Hoàng Văn Hải. Đỗ Tuấn Phong vẫn ngồi ở hàng ghế “người liên quan”. Quá trình tranh tụng, vụ án tiếp tục lộ ra “lỗ hổng”, đại diện VKS tỉnh Hậu Giang nhận thấy việc xử lý bị cáo Thảo với 2 tội danh là chưa phù hợp nên xin rút truy tố để củng cố hồ sơ.

Chủ tọa ký QĐ trả hồ sơ điều tra bổ sung, khẳng định: “Có căn cứ cho rằng còn có người khác thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến vụ án chưa được làm rõ. Thực tế, thiệt hại của Nguyễn Kim HG có liên quan đến Đỗ Tuấn Phong nên cần làm rõ vai trò của Phong”.

Đại diện VKS đọc bản cáo trạng mới do Phó Viện trưởng Liêm ký ngày 31/3/2021, quay lại truy tố Thảo tội “Tham ô tài sản”, số tiền 2,058 tỷ đồng. Hải cũng bị truy tố tội “Tham ô tài sản” 2,058 tỷ đồng, vai trò đồng phạm.

Trong khi nhiều điểm “mờ” của vụ án chưa được làm rõ, Thẩm phán Tiến đọc bản án, tuyên phạt Thảo 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Đối với Hải, Thẩm phán Tiến áp dụng “chính sách khoan hồng đặc biệt”, miễn hình phạt cho bị cáo này (?!).

LỘ RÕ OAN SAI…

Theo sát vụ án, ngày 23/02/2022, Chuyên đề CATP đăng bài tựa đề: “Án “siêu lạ” miền Tây: Không tư túi một xu, lãnh 20 năm tù về tội... tham ô (?!)”, chỉ ra 5 điểm bất thường của vụ án, trong đó có 2 điểm mấu chốt:

Đặc trưng cơ bản của tội “tham ô” là cấu thành về vật chất, phải có hành vi chiếm đoạt, trục lợi. Trên thực tế, ông Thảo không có ý thức chiếm đoạt, cũng không tư túi hay vụ lợi cá nhân. Ông Thảo chỉ có hành vi bán hàng sai nội quy luân chuyển hàng hóa của Công ty Nguyễn Kim, với mục địch rõ ràng là “chạy chỉ tiêu doanh số”. Việc bán hàng cho Đỗ Tuấn Phong là công khai, nhiều người biết rõ. Hành vi này đã bị công ty kỷ luật cao nhất bằng hình thức sa thải, mất hết mọi quyền lợi mà ông cống hiến cho Nguyễn Kim suốt gần 20 năm. Không tư túi đồng nào nhưng bị truy tố tội “tham ô tài sản” là hoàn toàn thiếu căn cứ, gây oan sai.

Số hàng hóa mà ông Thảo bán sai quy định kéo dài hơn nửa năm với tổng số tiền 4,8 tỷ đồng. Nếu có ý thức chiếm đoạt thì ông Thảo phải giấu kín và không nộp lại 2,77 tỷ đồng. Hồ sơ vụ án và các lời khai chứng minh ông Thảo đã nộp lại tiền bán hàng cho Nguyễn Kim HG. Cả 6 nhân viên chủ chốt của Nguyễn Kim HG đều thừa nhận việc bán hàng và đồng thuận gánh trách nhiệm 28% số tiền bị Phong chiếm đoạt. Đã xử lý ông Thảo và ông Hải nhưng lại tha bổng 5 nhân viên còn lại là bỏ lọt tội phạm.

Đỗ Tuấn Phong được đưa từ Kiên Giang sang Hậu Giang dự phiên tòa sơ thẩm lần 1

Người chiếm đoạt tài sản trong vụ án này đích thực là Đỗ Tuấn Phong. Chính HĐXX đã xác định, thiệt hại của Nguyễn Kim HG có liên quan đến Phong nên cần làm rõ vai trò của Phong. Các LS nhiều lần đề nghị HĐXX khởi tố Phong về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Nhưng cuối cùng kẻ chiếm đoạt vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật, càng lộ rõ dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và “không khởi tố người có hành vi phạm tội”.

Những vấn đề mấu chốt mà báo nêu ra đã được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm ngày 17/8/2022.

Đại diện VKSND Cấp cao tại TPHCM nêu quan điểm: Cấp sơ thẩm quy kết cho Thảo 184 sản phẩm, trị giá 2,058 tỷ đồng làm định lượng để truy tố, xét xử Thảo tham ô số tiền này là chưa phù hợp. Nếu Thảo có ý thức chiếm đoạt thì sẽ không nộp lại cho Nguyễn Kim HG số tiền 2,771 tỷ đồng thu được do đã bán hàng cho Phong; còn lại 2,027 tỷ đồng Phong chưa thanh toán theo biên bản xác nhận công nợ ngày 11/10/2018 giữa Thảo với Phong. Do đó, chưa đủ cơ sở kết luận Thảo chiếm đoạt 184 sản phẩm, trị giá 2,058 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Nguyễn Hữu Thảo phạm tội “Tham ô tài sản” là chưa đủ cơ sở.

Các nhân viên của Nguyễn Kim HG như Khuê Khúc Tam Kỳ, Phạm Văn Thành lập hợp đồng mua bán khống; Nguyễn Văn Loan lên hóa đơn cho toàn bộ số hàng theo hợp đồng khống; Nguyễn Thị Bé Xinh xuất thêm hóa đơn khống để bù vào cho đủ số hàng do Thảo đã lấy ra trước đó. Tất cả đều sai với quy định chức năng, nhiệm vụ của từng người. Cấp sơ thẩm cho rằng, họ không ý thức được đầy đủ hành vi của mình và không xem xét trách nhiệm hình sự là không phù hợp, vì luật buộc họ phải biết. Các hành vi trên là nhằm che giấu hành vi của Thảo, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Từ đó, VKSND cấp cao tại TPHCM đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Xem xét toàn diện hồ sơ vụ án, TAND Cấp cao tại TPHCM với HĐXX phúc thẩm gồm 3 thẩm phán: Phạm Văn Công (chủ tọa), Hoàng Thanh Dũng và Hoàng Thị Thúy Hồng; tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Hậu Giang điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.

HĐXX nhận định: Toàn bộ số hàng hóa bị cáo Thảo chỉ đạo xuất kho sai quy định, thì mỗi khi lấy hàng hóa ra khỏi kho, bị cáo đều ký nhận với thủ kho về số lượng và chủng loại hàng hóa đã xuất. Việc bị cáo ký nhận với thủ kho về số hàng hóa lấy ra khỏi kho, chứng tỏ bị cáo vẫn xác định với đơn vị về trách nhiệm cá nhân của bị cáo đối với số hàng hóa đó, vẫn còn nằm trong sự kiểm soát của thủ kho, nên số hàng hóa bị cáo đã chỉ đạo xuất kho sai quy định vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi sự quản lý của Nguyễn Kim HG.

Cấp sơ thẩm đã đánh giá chưa đúng tính chất, mức độ hành vi của các ông, bà Khuê Khúc Tam Kỳ, Phạm Văn Thành, Nguyễn Văn Loan, Nguyễn Thị Bé Xinh, nên đại diện VKSND Cấp cao tại TPHCM xác định có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và đề nghị hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại là có cơ sở.

Từ kết quả điều tra lại, ngày 30/11/2023, Viện trưởng VKSND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Liêm ký bản cáo trạng số 54/CT-VKSHG-P1, truy tố ông Thảo hai tội theo Điều 353 và Điều 221 BLHS 2015; truy tố Hoàng Văn Hải theo Điều 221 BLHS…

Ngày 26/12/2023, TAND tỉnh Hậu Giang ra QĐ trả hồ sơ điều tra bổ sung, nêu rõ: “Thiếu chứng cứ dùng để chứng minh mà không thể bổ sung tại phiên tòa; còn có đồng phạm khác, nếu có căn cứ đề nghị khởi tố, truy tố theo quy định của pháp luật.

Ngày 24/01/2024, Viện trưởng Liêm ký văn bản gửi tòa, giữ nguyên cáo trạng số 54/CT-VKSHG-P1.

Trao đổi với PV sáng 15/3/2024, ông Thảo nói trong nước mắt: “Từ truy tố tôi 1 tội, tách thành 2 tội, rồi nhập lại 1 tội! Sau khi án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm tuyên hủy, VKSND tỉnh Hậu Giang lại tách 1 thành 2 tội để truy tố tôi, trong khi tình tiết vụ án không có gì mới. Tôi đã có đơn khiếu nại cáo trạng, nhưng đến nay chưa nhận được trả lời. Hành trình kêu oan sẽ tiếp diễn tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 được TAND tỉnh Hậu Giang mở ngày 21/3/2024 sắp tới”…

Kỳ 1: Tố giác tội phạm tại Kiên Giang, thành... bị can ở Hậu Giang (!)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang