Gia đình liệt sĩ bị xử ép, trở thành người... vô gia cư (?!)

Thứ Bảy, 18/06/2022 16:30

|

(CATP) Bản án phúc thẩm số 365/2020/DS-PT ngày 29-12-2020 (gọi tắt là Bản án 365) của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre không chỉ tuyên cho nguyên đơn được hưởng toàn bộ 291,1m2 đất tại xã An Đức (huyện Ba Tri, cùng tỉnh) mà còn lấy luôn cả căn nhà, chuồng bò, chuồng dê… của bị đơn. Trình bày với phóng viên, bị đơn Cao Thị Mước (SN 1960, ngụ xã An Đức) tỏ ra bức xúc vì Bản án 365 đã đẩy bà ra đường, trong khi chứng bệnh trầm cảm của bà ngày càng trầm trọng. Rồi bàn thờ của cha bà Mước là liệt sĩ sẽ di dời đi đâu, khi bà không còn chỗ nương thân?

Giữ nguyên bản án "kiểu mới" (?!)

Hồ sơ vụ án thể hiện: Vụ tranh chấp đã được TAND huyện Ba Tri với Hội đồng xét xử (HĐXX) do thẩm phán Phạm Văn Long làm chủ tọa, tuyên Bản án sơ thẩm số 51/2020/DS-ST ngày 25-8-2020, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Quốc Huy (SN 1974, ngụ xã An Đức). HĐXX buộc bà Mước phải di dời toàn bộ tài sản (nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối...) có trên phần đất 291,1m2 để trả lại đất trống cho ông Huy.

TAND tỉnh Bến Tre với HĐXX phúc thẩm gồm 3 thẩm phán Nguyễn Thị Ngọc Hương (chủ tọa), Hồ Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thế Hồng, tuyên Bản án 365 là giữ nguyên bản án sơ thẩm, nhưng lại "sửa" bản án này (?!). Cụ thể, HĐXX buộc bà Mước phải trả 291,1m2 đất cho ông Huy. Ông Huy được quyền sở hữu các tài sản trên đất của bà Mước, như: nhà chính (diện tích 80,1m2), nhà sau 36,7m2, nhà tắm 3,4m2, chuồng bò 21,9m2, chuồng dê 10,6m2, mái che 33,8m2, 1 giếng nước, 3 hồ xi-măng, 1 bụi tre. Ông Huy có nghĩa vụ hoàn trả cho bà Mước hơn 58,7 triệu đồng. Bà Mước phải giữ nguyên hiện trạng các tài sản được thể hiện tại biên bản định giá ngày 21-02-2020. Bị đơn chỉ được di dời 18 lu nước, 3 hồ nhựa chứa nước, 2 cây mai lớn và 3 cây xanh.

Để xử cho nguyên đơn thắng kiện, cả hai cấp tòa đều nhận định: Phần đất 291,1m2 thuộc khu đất hơn 1.000m2 được UBND huyện Ba Tri cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Huy vào ngày 28-10-2008. Ông Huy lập hợp đồng cho cụ Trần Thị No (mẹ của bà Mước, qua đời năm 2012) "thuê” 200m2 đất làm chỗ ở trong 10 năm và miễn phí (từ ngày 30-9-2009 đến 30-9-2019). Sau khi mẹ mất, bà Mước ở một mình tại căn nhà này cho đến năm 2019, ông Huy yêu cầu di dời toàn bộ tài sản, trả lại đất, đo thực tế là 291,1m2. Bà Mước không đồng ý, dẫn đến tranh chấp.

Kèm theo bằng chứng, bà Mước và chị ruột là bà Cao Thị Trước (SN 1956) cùng trình bày: Phần đất tranh chấp không phải của cụ Trần Thị Diêm (bà ngoại của ông Huy) cho cụ Trần Thị No. Gia đình cụ Trần Thị No đã sử dụng đất này lâu dài, liên tục từ năm 1960 đến nay, đóng thuế nhà đất đầy đủ cho nhà nước. Trong nhà có thờ liệt sĩ Cao Văn Thôn (cha của hai bà Mước, Trước).

Căn nhà của bị đơn được tòa cấp phúc thẩm tuyên thuộc về nguyên đơn

Có căn cứ để giám đốc thẩm, tránh oan sai

Nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ, nhóm trợ giúp pháp lý cho bà Mước chỉ ra nhiều điểm mấu chốt chưa được cả hai cấp tòa làm rõ. Thứ nhất, nguyên đơn không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất. Chữ ký của ông Huy trong đơn đăng ký kê khai quyền sử dụng ruộng đất ngày 29-8-2003 có dấu hiệu giả mạo.

Thứ hai, ngày 29-9-2003, UBND xã An Đức có Tờ trình số 15/TT-UB công khai hồ sơ đăng ký đất cho ông Huy. Tờ trình nêu rõ: "Trong vòng 15 ngày, nếu ai có điều gì cần khai báo thêm hoặc khiếu nại thì nộp đơn đến UBND xã để Hội đồng đăng ký đất thẩm tra, giải quyết. Quá thời hạn trên, mọi khai báo thêm hoặc khiếu nại sẽ không được giải quyết". Thế nhưng chưa đến 24 giờ sau, UBND xã An Đức đã có Tờ trình số 73/TT-UB ngày 30-9-2003 về việc xin phê duyệt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại tòa, phía bị đơn cho rằng, vào năm 2008, gia đình ông Huy có người thân làm cán bộ tư pháp xã và UBND huyện Ba Tri nên ông này mới được cấp GCNQSDĐ. Nội dung này được HĐXX phúc thẩm ghi rõ trong Bản án 365, nhưng không xem xét làm rõ quy trình cấp GCNQSDĐ cho ông Huy có tuân thủ pháp luật hay không.

Thứ ba, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cho rằng, ông Huy đã được cụ Trần Thị Diêm tặng cho quyền sử dụng thửa đất, nhưng không có giấy tờ chứng minh. Ngay cả khi có việc tặng cho thì cũng trái pháp luật, bởi cụ Diêm chưa được cấp GCNQSDĐ. Thứ tư, gia đình bà Mước ở trên khu đất từ năm 1960 đến nay, đã được chính nguyên đơn thừa nhận tại phiên tòa và nêu rõ trong Bản án 365. Quá trình sử dụng đất, phía bị đơn đều có thực hiện nghĩa vụ thuế. UBND huyện Ba Tri lấy phần đất của gia đình bà Mước đang sử dụng, trên đất có nhà và tài sản để cấp cho ông Huy, lộ rõ dấu hiệu trái pháp luật.

Thứ năm, trong vụ án này, việc xác định người có đủ hành vi dân sự để ký hợp đồng thuê đất là vấn đề rất quan trọng, nhưng chưa được cả hai cấp tòa xem xét thấu đáo. Nhiều nhân chứng sinh sống lâu năm tại địa phương biết rõ, thời điểm năm 2009, cụ Trần Thị No đã già yếu, đi lại khó khăn, trí nhớ kém, mắt không nhìn thấy rõ. Năm 2010, cụ Trần Thị No bệnh nặng, không đi lại được, mất khả năng nhận thức, đến tháng 9-2012 thì qua đời. Còn bà Mước từng bị bệnh tâm thần nặng vào năm 1985, la hét, đập phá đồ đạc, bỏ nhà đi lang thang... Kết luận mới nhất của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM (thuộc Bộ Y tế) ngày 09-6-2022 về sức khỏe tâm thần của bà Mước là "rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện tại giai đoạn trầm cảm nặng".

Trình bày với phóng viên, bà Trước (đại diện cho bị đơn tại phiên tòa) bức xúc: "Gia đình chúng tôi có hơn nửa thế kỷ sử dụng khu đất. UBND huyện Ba Tri cho rằng không phải là đất của gia đình tôi, lại duyệt cấp cho ông Huy. Đã xác định đất của ông Huy thì sao thu thuế của gia đình chúng tôi suốt thời gian qua? Quá nhiều khuất tất trong vụ án này chưa được cả hai cấp tòa xem xét, làm rõ để xử lý công tâm, khách quan, dẫn đến em tôi đang bị rối loạn tâm thần, sắp bị đẩy ra đường, trở thành người vô gia cư...".

Không chỉ khiếu nại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, gia đình bà Mước, bà Trước liên tục có đơn tố cáo việc cấp GCNQSDĐ trái pháp luật cho ông Huy.

Liên quan đến vụ án này, ngày 03-6-2022, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao có Văn bản số 265/PC-VKSTC, nêu rõ: Viện KSND Tối cao nhận được đơn của bà Cao Thị Trước, gồm hai nội dung:

- Đề nghị hủy Thông báo số 2433/TB-TA ngày 20-12-2021 của TAND Cấp cao tại TPHCM về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của bà Cao Thị Trước đối với Bản án 365 của TAND tỉnh Bến Tre.

- Đề nghị hủy Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 1446/QĐ-CCTHADS ngày 01-7-2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Tri.

Đối với nội dung thứ nhất, sau khi xem xét, Viện KSND Tối cao (Vụ 11) đã chuyển đơn của bà Trước và Thông báo số 2433/TB-TA đến Vụ 7 - Viện KSND Tối cao để xem xét theo quy định của pháp luật. Đối với nội dung thứ hai, Viện KSND tối cao (Vụ 11) chuyển đến Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre để xem xét, chỉ đạo giải quyết; trả lời người có đơn theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả giải quyết đến Viện KSND Tối cao (Vụ 11).

Bình luận (0)

Lên đầu trang