Giáo hội Công giáo xử lý nghiêm nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc"

Thứ Ba, 22/08/2023 09:30  | Song Ngọc

|

(CATP) Nhiều năm qua, tại tỉnh Lâm Đồng nổi lên những hoạt động của nhóm người có tên "Trừ quỷ Bảo Lộc" mang màu sắc mê tín, dị đoan, trái pháp luật, chữa bệnh phản khoa học...

Mặc dù rất nhiều lần các cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền, vận động, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm; tuy nhiên, các đối tượng vẫn lén lút hoạt động, tiếp tục lôi kéo người dân ở các địa phương khác, trong đó có địa bàn huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.

Lôi kéo người nhẹ dạ, cả tin

Thời gian gần đây, địa bàn H.Đắk Mil xuất hiện các cá nhân tham gia nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" ("TQBL"). Theo cơ quan chức năng, năm 2018, qua trang Facebook "Lời sự thật", bà V.T.T (trú X.Đắk NDRót, H.Đắk Mil) tiếp cận và tham gia nhóm "TQBL", thường xuyên đi Lâm Đồng tham gia cầu nguyện. Tháng 12/2022, bà T. tiếp cận các bà H., H., H.T (trú X.Đắk NDRót, H.Đắk Mil) và cho 2 trường hợp trên 1 Radio đọc kinh, cầu nguyện. Nhiều lần, 2 phụ nữ này được bà T. dẫn lên "Nhà Chúa Cha" để tham gia cầu nguyện, mọi chi phí đi lại bà T. chi trả, còn cho thêm một số tiền để hỗ trợ gia đình sinh hoạt.

Tương tự bà V.T.T, năm 2018, qua trang Facebook "Lời sự thật", bà T.T.H (trú Đắk Sắk, H.Đắk Mil) tiếp cận nhóm "TQBL", thường xuyên thực hiện cầu nguyện, đọc kinh thánh tại nhà riêng. T.T.H còn lôi kéo ông P.T.L (trú TT.Đắk Mil, H.Đắk Mil) 3 lần lên "Nhà Chúa Cha" để tham gia trị bệnh. Tuy nhiên bệnh tình không giảm, gia đình can ngăn, linh mục nhắc nhở nên ông L. đã từ bỏ, không liên hệ với các thành viên trong nhóm.

Nắm bắt dư luận, đồng thời qua tiếp nhận đơn của người dân tố cáo, thời gian qua, các cơ quan chức năng H.Đắk Mil đã mời làm việc, lập biên bản nhắc nhở và yêu cầu các đối tượng cam kết không tuyên truyền, lôi kéo người dân, thu giữ tang vật vi phạm, phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền, lồng ghép nội dung khuyến cáo mọi người nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động của nhóm "TQBL"; từ đó, nâng cao cảnh giác, không tin theo luận điệu tuyên truyền của các đối tượng, có 3/5 người đã từ bỏ tham gia hoạt động "TQBL".

Cơ quan chức năng làm việc và xử phạt nhóm người tham gia "Trừ quỷ Bảo Lộc" vì chữa bệnh bằng nước thánh

Qua đấu tranh với các đối tượng tham gia nhóm trên địa bàn H.Đắk Mil, cơ quan chức năng cảnh báo người dân về tổ chức này. Tổ chức "TQBL" không được Nhà nước công nhận, hoạt động của nhóm là trái pháp luật. Các đối tượng không có chuyên môn ngành y, không được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Hình thức, phương pháp chữa bệnh phản khoa học, không có căn cứ, mang tính chất mê tín, dị đoan; gây phản ứng gay gắt trong nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Việc làm của nhóm không phù hợp với giáo lý, thực hành của Hội thánh Công giáo, xúc phạm nặng nề đến đức tin, gây chia rẽ nội bộ tôn giáo. Đối tượng nhóm này hướng tới là những người lao động tự do, không nghề nghiệp ổn định, người có bệnh lý, kinh tế khó khăn, nhẹ dạ cả tin và trình độ nhận thức thấp, những đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.

Các đối tượng tìm hiểu qua trang mạng xã hội, tham gia nhóm "TQBL", sau đó đi tuyên truyền, lôi kéo. Thủ đoạn các đối tượng sử dụng thông qua trang mạng xã hội, sử dụng hình ảnh những người tham gia để "cắt ghép", "trở thành nhân chứng"; tổ chức sinh hoạt lén lút tại nhà riêng, hỗ trợ kinh phí tham gia, hỗ trợ kinh tế, trang thiết bị, phương tiện. Chúng thường xuyên tiếp cận đối tượng bị tuyên truyền chiếm cảm tình, cổ vũ, động viên họ lôi kéo người thân trong gia đình, họ hàng, người quen cùng tham gia. Khi bị cơ quan chức năng mời làm việc, số đối tượng trên tìm cách đối phó, khai báo quanh co, không thừa nhận vai trò của mình trong tổ chức, từ chối làm việc, gây khó khăn cho việc xử lý của các cơ quan chức năng.

Hoạt động của nhóm "TQBL" gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương; tạo dư luận phẫn nộ trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là chức sắc, tín đồ Công giáo.

Từng bị xử lý vì chữa bệnh phản khoa học

Theo cơ quan chức năng, nguồn gốc của nhóm trừ quỷ bắt đầu xuất hiện vào tháng 5/2012, Nguyễn Thị Thương (SN 1975, trú TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) - nơi đối tượng đặt là "Nhà Chúa Cha" tham gia sinh hoạt tôn giáo cùng những giáo dân bị hiếm muộn (hay "nhóm bầu khấn") tại nhà thờ Hòa Phát, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ngày 31/5/2012, theo hướng dẫn của nhóm, Thương cùng chồng là Trần Vũ Lê Thanh Quảng (SN 1974) đến giáo xứ Đa Gu Ri, Bình Thuận nhờ Linh mục quản xứ Nguyễn Đức Quang "đặt tay có thai" và xin "ơn hoán cải". Cuối năm sau, Thương sinh con và khẳng định đó là "thai Thánh", đứa con do Chúa gửi đến chứ không phải do quan hệ vợ chồng.

Tháng 8/2015, Tòa giám mục Đà Lạt bổ nhiệm linh mục (L.M) Nguyễn Chu Truyền giữ chức vụ Quản hạt Bảo Lộc; ngay sau đó, ông đã nhận Thương làm "con thiêng liêng" và đổi tên thành Nguyễn Chu Thiên Thương.

Nhóm người "Trừ quỷ Bảo Lộc" chữa bệnh bằng cách đánh đập

Với sự tiếp sức của L.M Truyền, nhóm "TQBL" tổ chức hoạt động tại "Nhà Chúa Cha". Nhóm này cho rằng bệnh gì cũng đều do "quỷ” nên thu nhận tất thảy các con bệnh, từ nặng đến nhẹ, kể cả những người mắc bệnh ung thư, bệnh xã hội HIV/AIDS, các con nghiện ma túy. Tính đến tháng 9/2021 đã có 290 "con bệnh" ở 32 tỉnh, thành trên cả nước và gần 150 "con bệnh" ở nước ngoài tìm đến "Nhà Chúa Cha" của Thương. Quá trình chữa bệnh, Thương luôn cầm trên tay cuốn sổ, ghi chép lời của "Chúa Cha" rồi nói lại với người bệnh. Những người làm việc cho "Nhà Chúa Cha" sẽ thay nhau đánh vào người các con bệnh để "trục quỷ”.

Nhóm này còn nghĩ ra trò chữa bệnh online, lập hàng loạt các trang, nhóm Facebook "TQBL", tài khoản Youtube "Exorcise The Demons" để đánh bóng tên tuổi, đăng tải hình ảnh, video về các hoạt động "chữa bệnh", "trừ quỷ”, dụ dỗ người khác tham gia, mời những người đã từng chữa bệnh tại "Nhà Chúa Cha" nói tốt cho nhóm "TQBL", xem đó là các nhân chứng. Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách để phòng ngừa Covid-19, nhóm "TQBL" còn nhận chữa bệnh cho cả những người mắc Covid-19. Họ yêu cầu các con bệnh ăn chay, uống nước thánh, còn gọi là "Nguồn thánh thiêng" (thật ra là nước hút lên từ giếng trong nhà Thương rồi đóng chai, dán nhãn).

Trước những hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của nhóm "TQBL", Công an TP.Bảo Lộc đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra hành chính căn nhà do Nguyễn Thị Thùy Uyên (SN 2000, trú P.Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc) làm chủ; "Nhà Chúa Cha" do vợ chồng Nguyễn Thị Thương, Trần Vũ Lê Thanh Quảng làm chủ, phát hiện nhiều người có hộ khẩu thường trú ở nhiều tỉnh, thành đang tụ tập. Tất cả hành vi vi phạm của nhóm "TQBL" và những người liên quan được cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời ra quyết định xử phạt.

Radio dùng để rao giảng về nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" bị cơ quan chức năng thu giữ

Xúc phạm nặng nề đức tin Công giáo

Với những việc làm trái đạo lý, sai với giáo lý, tháng 8/2017, Tòa giám mục Đà Lạt ra quyết định cách chức Quản hạt, Quản xứ Bảo Lộc, điều chuyển L.M Nguyễn Chu Truyền về làm quản xứ Thánh Mẫu, TP.Đà Lạt, đồng thời cấm nhóm "Chúa Cha" sinh hoạt tại nhà thờ. Ngày 25/9/2020, Tòa giám mục Đà Lạt đã ra quyết định giải nhiệm chức vụ quản xứ Thánh Mẫu - TP.Đà Lạt, buộc L.M Truyền về tu tại Đan viện Châu Sơn - Đơn Dương, không được điều hành công tác mục vụ, làm lễ, không được tiếp khách, hạn chế đi lại...

Tiếp đó, ngày 06/12/2020 Tòa giám mục ra quyết định áp dụng vạ huyền chức "treo chén" đối với L.M Nguyễn Chu Truyền, không được thực hiện chức năng L.M. Ngày 11/02/2023, Giám mục Giáo phận Đà Lạt tiếp tục ra văn thư, yêu cầu L.M Nguyễn Chu Truyền giải trình về việc làm lễ, trong đó có việc lập dòng, đồng thời cảnh báo L.M Truyền không được cử hành thánh lễ và các bí tích nếu tiếp tục vi phạm, buộc áp dụng những hình phạt nặng hơn, kể cả báo cáo Tòa Thánh giải bậc giáo sĩ đối với Nguyễn Chu Truyền.

Hội đồng giám mục Việt Nam đã phải trao cho Ủy ban Giáo lý đức tin ra thông cáo về nhóm này. Ai tự xưng mình được chúa cha trực tiếp mặc khải là đã phủ nhận vai trò của Chúa Kitô và xúc phạm nặng nề đến đức tin Công giáo. Việc tự xưng là "quỷ nhập" và "trừ quỷ” để thực hiện những hành vi trừ tà mang màu sắc mê tín, ma thuật là không đúng với giáo lý và thực hành của Hội thánh Công giáo.

Còn Nguyễn Thị Thương, từ ngày 07/10/2020, Tòa giám mục Đà Lạt tiếp tục có thông cáo áp dụng vạ cấm chế đối với Nguyễn Thị Thương, cấm tham dự vào Thánh lễ và các nghi lễ.

Qua những lần bị xử phạt vì các hành vi phản khoa học, mê tín dị đoan, không những đi ngược lại giáo lý của Công giáo mà còn vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong quần chúng; đã phơi bày sự thật về nhóm "TQBL" chỉ là lợi dụng tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, chữa bệnh phi khoa học... Người dân cần nâng cao cảnh giác, không tham gia vào các hội nhóm tương tự để tránh "tiền mất tật mang".

Bình luận (0)

Lên đầu trang