Rắc rối tài sản chung địa chỉ bị chia ra thế chấp, chuyển nhượng
Chuyên đề Công an TPHCM số ra ngày 02/6/2023 có đăng bài viết “Lâm Đồng: Một căn nhà, 13 năm tranh tụng”, phản ánh vụ việc: tháng 8/2009, Hồ Bảo Thái nhận chuyển nhượng tài sản đất tại số 7 LHP của vợ chồng ông Vũ Thế Hòa, bà Phạm Thị Tho với giá 4,6 tỷ đồng, nhưng mới trả được 3,5 tỷ đồng, còn nợ 1,1 tỷ. Thời điểm này, trên đất chưa có nhà nên Giấy CNQSDĐ chưa ghi nhận có tài sản khác (nhà) trên đất. Hồ Bảo Thái sau đó thế chấp sổ đỏ, vay Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam tại Hà Nội (Ngân hàng BIDV) 5 tỷ đồng. Sau đó, gia chủ được cấp giấy phép xây dựng căn nhà biệt lập 3 tầng, tổng diện tích sàn 360,04m2.
Khi trên đất có nhà, Thái lập hợp đồng (HĐ) với ông Vân Bỉnh Cường để vay tiền 2,5 tỷ đồng, sau đó chuyển nhượng Giấy CNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất (cả nhà và đất) cho ông Cường với giá 4,5 tỷ đồng, sau khi cấn trừ nợ. Các HĐ này chỉ có Thái và ông Cường ký, không được công chứng, chứng thực vì “sổ đỏ” đang trong ngân hàng. Hạn 30 ngày sẽ hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ, nhưng Thái không thực hiện và bỏ trốn. Từ đó đến nay, ông Cường cho thuê kinh doanh homestay tại nhà - đất trên.
Sau 3 tháng trả nợ lãi vay cho ngân hàng, tháng 4/2010, Thái ngừng việc trả nợ; đồng thời, không thanh toán số nợ còn lại cho vợ chồng bà Tho. Phía ngân hàng và bà Tho (ông Hòa ủy quyền cho vợ) khởi kiện đòi nợ Thái. Cùng thời điểm này, Công an TP.Đà Lạt, sau đó là Phòng CSĐT tội phạm kinh tế Công an Lâm Đồng đã thụ lý đơn kiện của ông Vân Bỉnh Cường tố cáo Thái lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xác định dấu hiệu tội phạm, tháng 5/2010, Công an Lâm Đồng ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, phát lệnh truy nã bị can Hồ Bảo Thái. Ngày 09/5/2011, Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và bị can với lý do hết thời hạn điều tra mà chưa bắt được bị can.
Căn nhà xảy ra tranh chấp số 7 Lê Hồng Phong - TP.Đà Lạt
Ngày 30/7/2012, TAND TP.Đà Lạt mở phiên xét xử, tuyên buộc Hồ Bảo Thái phải thanh toán cho vợ chồng bà Phạm Thị Tho số tiền trên 2,1 tỷ đồng (tính theo thời điểm định giá tài sản). Ngày 21/8/2017, TAND TP.Đà Lạt tuyên buộc Công ty Hồ Thái Long thanh toán cho ngân hàng gần 11,9 tỷ đồng, bao gồm tiền gốc và lãi phát sinh. Tại phiên tòa lần thứ 1 (năm 2012), ông Cường có mặt, cho rằng, đã tố cáo hành vi lừa đảo của Thái ra cơ quan Công an nên ông không yêu cầu gì. Tại phiên tòa lần thứ 2 (năm 2017), mặc dù HĐXX đã giải thích pháp luật, tuy nhiên, ông Cường không yêu cầu giải quyết hậu quả của HĐ vô hiệu, cũng không yêu cầu xem xét bồi thường thiệt hại của HĐ vô hiệu, chỉ yêu cầu tòa án công nhận HĐ CNQSDĐ và nhà ở tại số 7 LHP từ ông Thái sang ông (không công chứng - PV) là hợp pháp. HĐXX đã bác yêu cầu này của ông Cường.
Sau đó, ông Cường có đơn kiện “Tranh chấp về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Tuy nhiên, ngày 27/11/2019, ông Cường rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện trên. TAND TP.Đà Lạt ra QĐ đình chỉ giải quyết vụ án. Chi cục THA TP.Đà Lạt tiếp tục tổ chức việc THA để đảm bảo quyền lợi của Ngân hàng BIDV và bà Tho theo các bản án đã có hiệu lực pháp luật. Năm 2020, tài sản nhà - đất số 7 LHP được định giá trên 25,5 tỷ đồng. Cơ quan THA quyết liệt thực hiện việc kê biên tài sản theo đúng quy định pháp luật.
Tháng 7/2020, ông Cường khởi kiện “Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để THA và tranh chấp HĐCN QSDĐ”, yêu cầu cơ quan THA trả lại ông số tiền trên 3,2 tỷ đồng là tiền mua sắm trang thiết bị, vật liệu, sửa nhà số 7 LHP đang bị THA kê biên, đấu giá; yêu cầu Tòa buộc ông Thái trả cho ông Cường tiền gốc bán nhà và lãi phát sinh.
Thụ lý vụ án, ngày 09/11/2021, TAND TP.Đà Lạt tuyên xử Hồ Bảo Thái có trách nhiệm trả cho ông Cường gần 9,2 tỷ đồng; trong đó, 4,5 tỷ là số tiền các bên hoàn trả cho nhau do hậu quả của HĐ chuyển nhượng tài sản bị hủy và tiền lãi 10 năm. Đồng thời, ghi nhận những tài sản ông Cường liệt kê đã đầu tư mua sắm, sửa chữa từ khi nhận căn nhà trên; đề nghị cơ quan THA xác định giá trị tài sản trên để thanh toán cho ông Cường khi xử lý tài sản.
Viện KSND TP.Đà Lạt kháng cáo bản án, cho rằng, Tòa thụ lý vụ án là không đúng quy định pháp luật, do yêu cầu khởi kiện của ông Cường đã được giải quyết bằng bản án số 13/KDTM-ST ngày 21/8/2017 của TAND TP.Đà Lạt đã có hiệu lực pháp luật, nên nay ông Cường không có quyền khởi kiện; tài sản tại số 7 LHP không liên quan gì đến ông Cường, bởi đã được Hồ Bảo Thái thế chấp vay vốn ngân hàng; trong khi căn nhà (xây dựng sau đó), chưa được ghi nhận vào “sổ đỏ”. Cùng đó, ông Cường đã tố cáo hành vi của Thái tới cơ quan Công an và cơ quan CSĐT đang thụ lý vụ án nên vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Ngân hàng BIDV và bà Phạm Thị Tho cũng có đơn kháng cáo. Xử phúc thẩm, ngày 10/3/2022, TAND tỉnh Lâm Đồng chấp nhận các kháng nghị, kháng cáo trên, tuyên hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm đã tuyên.
Ngày 07/4/2023, Viện KSND cấp cao tại TPHCM đã ban hành QĐ kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm dân sự của TAND tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Viện trưởng Viện KSND cấp cao chỉ ra những vấn đề cần giải quyết trong vụ án và đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng: Huỷ cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm của hai cấp tòa tỉnh Lâm Đồng; giao hồ sơ vụ án về cho TAND TP.Đà Lạt xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm
Đường Lê Hồng Phong - một trong những con đường trung tâm, sầm uất của TP Đà Lạt
Án chậm xử lý, do đâu?
Bất ngờ, ngày 05/5/2023, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao có văn bản số 29 gửi TAND tỉnh Lâm Đồng, kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Chánh án TAND TP.Đà Lạt và HĐXX sơ thẩm vụ án ngày 09/11/2021 (bao gồm 1 thẩm phán và 2 hội thẩm) với cáo buộc HĐXX ra bản án trái quy định pháp luật và xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Kết quả xử lý, yêu cầu báo cáo về Cơ quan điều tra VKSND Tối cao.
Trao đổi với phóng viên, Chánh án TAND TP.Đà Lạt Nguyễn Thị Huyền bày tỏ: “Đã có những quan điểm khác nhau của thẩm phán Tòa án hai cấp tỉnh Lâm Đồng và một số cơ quan của Viện Kiểm sát trong việc giải quyết vụ án này. Theo tôi, bản án số 13/2017/KDTM-ST của HĐXX TAND TP.Đà Lạt không công nhận HĐ CNQSDĐ và nhà ở tại số 7 LHP từ Hồ Bảo Thái sang ông Vân Bỉnh Cường, đó cũng là sự giải quyết đối với nghĩa vụ, quyền lợi của ông Cường liên quan đến tài sản này. Do đó, khi ông Cường khởi kiện yêu cầu giải quyết hậu quả của HĐ vô hiệu, không được công nhận thì Tòa phải giải quyết hậu quả HĐ vô hiệu theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án này, nhưng lại tuyên ông Cường được quyền khởi kiện yêu cầu giải quyết giá trị tài sản đầu tư, sửa chữa tại nhà - đất số 7 LHP sau khi nhận nhà - đất theo quy định của pháp luật. Quan điểm của Viện KSND cấp cao cũng cho rằng, những yêu cầu của ông Cường mới phát sinh, chưa được Tòa án giải quyết và việc giải quyết yêu cầu này là bắt buộc. Như vậy, việc HĐXX TAND TP.Đà Lạt thụ lý đơn của ông Vân Bỉnh Cường, tuyên bản án sơ thẩm nêu trên không vi phạm tố tụng. Vụ án đến nay chưa có kết quả giải quyết cuối cùng nên chưa thể xác định trách nhiệm đúng, sai...”.
Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, Hồ Bảo Thái đã bỏ trốn biệt tích, không xác định thời gian tìm được. Khi tìm được sẽ xử lý sau. Tài sản căn nhà số 7 Lê Hồng Phong được coi là tang vật liên quan vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được các cơ quan Tòa án, THA ra các bản án, kê biên đấu giá để xử lý cho các đương sự có tranh chấp liên quan đến tài sản này. Ngoài ra, tại kết luận của Phòng Kỹ thuật Hình sự (PC09) Công an Lâm Đồng, chữ viết, chữ ký trong HĐ chuyển nhượng nhà - đất của Hồ Bảo Thái với ông Vân Bỉnh Cường “không xác định của một người viết ra”.
Hồ Bảo Thái ký, viết rất nhiều trong HĐ vay vốn với ngân hàng, hoạt động Công ty... Những bút tích này là tài liệu để Tòa trưng cầu giám định với đơn vị nghiệp vụ Công an Lâm Đồng. Kết luận như trên của Phòng PC09 Công an Lâm Đồng là do tài liệu trưng cầu giám định từ Tòa án không đảm bảo hay HĐ mua bán giữa Hồ Bảo Thái với ông Vân Bỉnh Cường không là thật? Việc này cần được xác minh, xác định chính xác để có cơ sở giải quyết vụ án.
Nếu tính đến việc ông Cường đầu tư, sửa chữa, giữ gìn tài sản; cũng cần tính đến cả việc khấu trừ lợi nhuận ông Cường thu lợi được từ đây. Việc kéo dài giải quyết vụ án này có phần lỗi của các cơ quan chức năng liên quan trong việc chưa chứng minh, làm rõ tính pháp lý của các tài liệu liên quan; giải quyết dân sự hay hình sự là phù hợp để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục pháp luật, sớm ra các phán quyết kết thúc vụ án, đảm bảo quyền lợi các bên liên quan.
Quan điểm, nhận định của ngành Tòa án hai cấp ở Lâm Đồng và hai cơ quan Viện kiểm sát có những điểm khác nhau; bên cho rằng đúng, bên cho rằng không; như vậy, cần phải có các cơ quan cấp trên của các cơ quan này vào cuộc, kết luận sai, đúng ở đâu làm căn cứ giải quyết cuối cùng với vụ án và sai phạm (nếu có). Vụ án này cần sớm được giải quyết triệt để, đảm bảo quyền lợi và cả rủi ro của các bên liên quan, giữ niềm tin của người dân với các cơ quan bảo vệ pháp luật.