Giải đáp pháp luật:

Khi nào được hoãn thi hành bản án dân sự?

Thứ Hai, 13/03/2023 17:37

|

Hỏi: Tôi là bị đơn, không đồng ý với 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm nên đã gửi đơn đến Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Hai cơ quan này thông báo đang xem xét hồ sơ, như vậy tôi có được hoãn thi hành án không? (Ngọc Mai, quận Tân Bình).

Trả lời: Điều 48 Luật Thi hành án dân sự 2008 và khoản 21 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 quy định:

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án;

b) Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định;

c) Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác;

d) Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 (tài sản thuộc sở hữu chung), Điều 75 (tài sản cưỡng chế có tranh chấp); tài sản được kê biên theo Điều 90 (tài sản cầm cố, thế chấp) của Luật này nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm;

đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 và khoản 2 Điều 179 của Luật này;

e) Người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 2 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận;

g) Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật này chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

h) Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Luật này.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế. Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết.

Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm gồm:

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Trường hợp của bạn, nếu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án; nếu chỉ có văn bản thông báo đang xem xét hồ sơ thì không được hoãn thi hành án.

Bình luận (0)

Lên đầu trang