Tước quyền hòa giải của đương sự bằng… quyết định "hết đát" (?!)

Thứ Hai, 25/09/2023 10:58

|

(CATP) Chuyện lạ này xảy ra tại phiên tòa dân sự ngày 22/9/2023 với Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) do Thẩm phán Nguyễn Tấn Tâm ngồi ghế chủ tọa. Như Báo CATP (nay là Chuyên đề Công an TPHCM) đã phản ánh, vụ kiện không có gì phức tạp, nhưng vẫn kéo dài hơn nửa thập niên, cả 4 cấp tòa đều vào cuộc. Trong đó, TAND Cấp cao tại TPHCM tạo "dấu ấn khó phai" khi ban hành 2 văn bản "đá nhau", đưa vụ án trở vòng về cấp sơ thẩm, chưa có hồi kết…

Đề nghị của 2 bên đều bị "bác"(!)

Phiên tòa khai mạc nhưng chỉ có mặt nguyên đơn Trần Công Tuấn (ngụ TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương), bị đơn Nguyễn Văn Nhi (ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM) vắng mặt, có người đại diện ủy quyền. Tất cả "người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan", trong đó có bà Nguyễn Thị Luyến (ngụ H.Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TX.Bến Cát (tỉnh Bình Dương)... đều vắng mặt.

Nguyên đơn và luật sư bảo vệ quyền lợi đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa với 4 lý do. Thứ nhất, nguyên đơn khởi kiện dân sự, đồng thời yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số BO 327603 do UBND huyện Tân Uyên (nay là TP.Tân Uyên) cập nhật ngày 27/3/2017. Theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 3, khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính và quy định tại mục 7 phần IV giải đáp số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TAND Tối cao, thẩm quyền thụ lý, giải quyết thuộc TAND cấp tỉnh.

Thứ hai, nguyên đơn và bị đơn chưa được tham gia phiên họp công khai tài liệu chứng cứ, cũng không được tòa tổ chức hòa giải. Dù tòa đã có biên bản hòa giải không thành và thông báo kết quả phiên họp công khai tài liệu chứng cứ, nhưng việc tòa lập các văn bản này là trái pháp luật về tố tụng.

Thứ ba, hồ sơ vụ án mất hơn 10 bút lục, nhưng tòa không lập biên bản ghi nhận bút lục bị mất là tài liệu nào?

Thứ tư, về tư cách công dân của bà Nguyễn Thị Luyến, trong hồ sơ chỉ là CMND "9 số" là không phù hợp. Hơn nữa, bà Luyến không có bất kỳ quyền lợi cũng như nghĩa vụ gì trong vụ án này. Việc tòa đưa bà Luyến tham gia tố tụng là trái quy định pháp luật.

QĐ số 06 của Chi cục THADS TX.Bến Cát

Phía bị đơn cũng đề nghị hoãn phiên tòa vì chưa tiếp cận đầy đủ hồ sơ vụ án.

Đề nghị của nguyên đơn và bị đơn không được chủ tọa chấp nhận. Phiên tòa tiếp tục với phần trình bày của nguyên đơn về yêu cầu khởi kiện: Ngày 17/3/2017, ông Tuấn ký hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) cho ông Nhi thửa đất số thửa 368 với 3.888m2 và khu nhà xưởng tại P.Uyên Hưng, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với giá 12 tỷ đồng. Bên mua trả được 7,9 tỷ đồng thì thất tín, nên ông Tuấn khởi kiện ngày 05/8/2019, buộc ông Nhi trả lại đất (đã sang tên cho ông Nhi) và nhà xưởng.

Ngày 13/9/2019, TAND TX.Tân Uyên ra QĐ số 22 "công nhận sự thỏa thuận" giữa các bên: Hủy HĐCN, ông Nhi trả lại cho ông Tuấn đất và nhà xưởng (ông Tuấn đang quản lý, sử dụng chưa bàn giao). Ông Tuấn phải trả 8,951 tỷ đồng cho Agribank (do ông Nhi thế chấp thửa đất vay tiền ngày 29/3/2017) và 2,04 tỷ đồng cho ông Nhi.

Sau khi trả xong 2 khoản tiền trên, ông Tuấn lập thủ tục cấp lại sổ đỏ thửa đất thì bị Chấp hành viên (CHV) Chi cục THADS TX.Bến Cát Thái Văn Cần ngăn chặn bằng QĐ số 74 ngày 13/8/2019. Lý do: Ông Nhi là bị đơn trong vụ kiện được TAND TX.Bến Cát "hòa giải thành" bằng QĐ số 39 ngày 05/8/2019. Theo đó, ông Nhi phải trả cho bà Luyến 30 tỷ đồng. Từ đó, bà Luyến yêu cầu ngăn chặn thửa đất 368 cùng nhiều tài sản khác của ông Nhi.

Sau đó, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương và Chi cục THADS TX.Bến Cát kiến nghị giám đốc thẩm đối với QĐ số 22. Bà Luyến cũng đề nghị tương tự. Qua xem xét, ngày 19/10/2021, TAND Cấp cao tại TPHCM ban hành văn bản số 1918/TB-TA nêu rõ: Tại thời điểm CHV ký QĐ số 74, thửa đất 368 là tài sản đang có tranh chấp, ông Tuấn đã khởi kiện. Mặt khác, ông Nhi đã thế chấp thửa đất trên để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho Agribank. Có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải THA là ông Nhi nên CHV ra QĐ chấm dứt việc ngăn chặn theo quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật THADS. Kiến nghị của Chánh án TAND tỉnh Bình Dương, Chi cục THADS TX.Bến Cát và đề nghị của bà Luyến là không phù hợp. Vì vậy, TAND Cấp cao tại TPHCM không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với QĐ số 22.

Phiên tòa sáng 22/9/2023

Ngày 10/11/2021, CHV Cần ký QĐ số 06, chấm dứt việc ngăn chặn thửa đất 368.

Ngày 07/10/2022, TAND Cấp cao tại TPHCM ban hành QĐ số 282/2022/DS-GĐT, tuyên hủy QĐ số 22 để xét xử lại sơ thẩm. Ba vấn đề mấu chốt trong QĐ số 282 hoàn toàn mâu thuẫn với văn bản số 1918/TB-TA của TAND Cấp cao tại TPHCM đã ban hành trước đó!

Vụ án quay lại từ đầu, được TAND TP.Tân Uyên thụ lý ngày 29/11/2022. Không chỉ khởi kiện lại, ông Tuấn liên tục khiếu nại. Ngày 21/7/2023, TAND Tối cao ra văn bản, xác định: Không có căn cứ để giám đốc thẩm đối với QĐ số 282.

Quyết định "hết đát" được cho… "sống lại" (?!)

Tại tòa, ngoài yêu cầu hủy HĐCN ngày 17/3/2017 có công chứng, hủy sổ đỏ số BO 327603, nguyên đơn bổ sung yều cầu khởi kiện, đề nghị hủy cả HĐCN ngày 17/3/2017 không có công chứng. Về nghĩa vụ đối với bị đơn, nguyên đơn đã hoàn thành xong.

Được chủ tọa đặt vấn đề về "phương án thỏa thuận", đại diện bị đơn đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hai bên thống nhất hòa giải như trong QĐ số 22 ngày 13/9/2019 của TAND TX.Tân Uyên. Tuy nhiên, kiểm sát viên (KSV) tại phiên tòa và HĐXX không chấp nhận vì thửa đất 368 đã bị ngăn chặn bởi QĐ số 74. Bà Luyến cũng không đồng ý việc hòa giải này vì ảnh hưởng đến quyền lợi, do ông Nhi phải trả cho bà 30 tỷ đồng.

Sau khi chủ tọa công bố lời khai của Chi cục THADS TX.Bến Cát và bà Luyến, luật sư của nguyên đơn tranh luận: Thửa đất 368 không còn bị ngăn chặn vì Chi cục THADS TX.Bến Cát đã ra QĐ số 06 ngày 10/11/2021, chấm dứt việc ngăn chặn.

HĐXX không thể lấy QĐ số 74 đã hết hiệu lực thi hành, để tước quyền thương lượng, hòa giải của đương sự. Mặt khác, nguyên đơn và bị đơn mới tiến hành hòa giải lần đầu tại phiên tòa, bà Luyến vắng mặt, lấy đâu ra ý kiến "không đồng ý”? Hơn nữa, bà Luyến không có bất kỳ quyền lợi cũng như nghĩa vụ gì trong vụ án này và cũng không có yêu cầu độc lập.

Do tập trung "xoáy" vào QĐ số 74, chủ tọa và KSV bất ngờ khi luật sư trưng ra QĐ 06. Sau khi kiểm tra hồ sơ, chủ tọa bất ngờ công bố QĐ số 43 ngày 26/12/2022 của Chi cục THADS TX.Bến Cát, tái ngăn chặn thửa đất 368. Cả nguyên đơn, bị đơn đều xác định chưa nhận được QĐ số 43 để thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình nên đề nghị chủ tọa cho tiếp cận văn bản này.

KSV nêu ý kiến: Hồ sơ vụ án không có QĐ số 06 cùng một số tài liệu chứng cứ khác nên đề nghị HĐXX tạm dừng phiên tòa để xem xét lại hồ sơ. Ý kiến của KSV không được HĐXX chấp nhận. Chủ tọa thông báo HĐXX sẽ nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào sáng 27/9/2023.

Trao đổi với phóng viên, luật sư của nguyên đơn nêu quan điểm: QĐ số 43 ngày 26/12/2022 do CHV Chi cục THADS TX.Bến Cát ký có dấu hiệu trái pháp luật. Bởi trước đó, tài sản (thửa đất 368) đã được TAND TP.Tân Uyên thụ lý giải quyết tranh chấp từ ngày 29/11/2022, nhằm xác định quyền sử dụng và sở hữu của nguyên đơn hay của bị đơn? Trước khi ký ban hành QĐ số 43, CHV không xác minh làm rõ, cũng không có văn bản gửi TAND TP.Tân Uyên. Mặc khác, theo quy định thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký QĐ, CHV phải ra QĐ áp dụng biện pháp cưỡng chế... Tuy nhiên cho đến nay, đã hơn 10 tháng, CHV không ra QĐ cưỡng chế thi hành QĐ số 43, cũng không ra QĐ chấm dứt việc việc ngăn chặn là trái với quy định của Luật THADS. Vụ án còn nhiều vấn đề mấu chốt, chưa được làm rõ. Hơn nữa, trong vụ án có nội dung nguyên đơn yêu cầu hủy sổ đỏ, thẩm quyền thụ lý, giải quyết thuộc TAND tỉnh Bình Dương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang