Đề xuất ban hành luật thuế BĐS để "hạ nhiệt" đầu cơ và đẩy giá đất

Thứ Bảy, 17/09/2022 19:33

|

(CAO) Thuế BĐS thấp là nguyên nhân chính dẫn tới tệ nạn đầu cơ nhà đất, tích trữ tiền tiết kiệm vào nhà đất, từ đây các cơn sốt giá BĐS hình thành, tích tụ bong bóng, tạo giá ảo làm giá nhà đất ngày càng cao.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ nêu khuyến nghị trên trong tham luận gửi đến Diễn đàn Kinh tế - Xã hội, khai mạc vào ngày 18/9.

Theo ông Đặng Hùng Võ, Luật Đất đai chỉ có thể quy định một số nguyên tắc chính về thu thuế sử dụng đất hay thuế bất động sản (BĐS) hoặc tài sản, các quy định chi tiết phải đưa vào Luật thuế của sắc thuế này.

Nhắc lại lịch sử chính sách, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết, ngày 31/10/2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TW Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ở thời điểm đó, Nghị quyết 19 đã đưa ra chủ trương ban hành thuế BĐS với 4 nội dung, gồm: thuế là công cụ điều tiết thị trường BĐS và là nguồn thu ngân sách ổn định; sắc thuế BĐS đánh cả vào đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thu thuế lũy tiến đối với các dự án để đất hoang, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; người có nhiều nhà đất, bỏ hoang đất, chậm đưa đất vào sử dụng chịu mức thuế cao hơn.

Ảnh minh hoạ

Từ 2012 cho tới nay, Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện hành đã được ban hành từ 1994, nhưng Quốc hội gần như đã cho miễn hoàn toàn cho đến 2025. Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã được ban hành từ 2010 với mức thuế rất thấp, thuế suất cơ bản là 0,03%, so với thông lệ ở các nước công nghiệp hóa là 1% - 1,5%) và Việt Nam cũng chưa đánh thuế vào nhà ở cùng các tài sản khác gắn liền với đất.

“Thuế BĐS thấp là nguyên nhân chính dẫn tới tệ nạn đầu cơ nhà đất, tích trữ tiền tiết kiệm vào nhà đất”- ông Võ nhận định. Theo ông, từ đây các cơn sốt giá BĐS hình thành, tích tụ bong bóng, tạo giá ảo làm giá nhà đất ngày càng cao.

Nhà đất tại đô thị lớn ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Có 4 hệ lụy chính được ông Đặng Hùng Võ chỉ ra. Hệ luỵ thứ nhất là giá đất cao thì giá hàng hóa sản xuất ra sẽ cao, làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, không thu hút được đầu tư.

Hệ luỵ nữa là lạm phát cao khi giá trị ảo của BĐS tăng mạnh. Tiếp đến là không thể giải quyết được nhà ở giá phù hợp cho người dân và cuối cùng là không thể tự điều chỉnh phân bổ dân cư làm cho các đô thị vượt ngưỡng hạ tầng.

“Nhìn vào 4 hệ lụy này, có thể thấy việc xây dựng và ban hành luật thuế BĐS phù hợp là tất yếu” - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Đặng Hùng Võ, thu nhập của người lao động cũng như người dân còn thấp. “Trong đồng lương không có phần chi phí cho chỗ ở nên cũng không thể đánh thuế cao vào người dân” – ông Võ phản ánh.

Trong khi đó, một nhóm nhỏ đầu cơ BĐS lại có thu nhập rất cao, nếu không đánh thuế, ông Võ lo ngại tình trạng đầu cơ tiếp tục xảy ra. 

Trở lại với Nghị quyết 18-NQ/TW vừa ban hành, ông Võ thông tin, Nghị quyết này cũng đã đưa ra những đổi mới về công cụ thuế BĐS với các nội dung chủ yếu, bao gồm: rà soát và xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và tạo lộ trình hợp lý; đánh thuế cao vào người có nhiều đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng, bỏ đất hoang; ưu đãi thuế đối với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và người dân tại các địa phương thực hiện nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ rừng tự nhiên.

Chính sách thuế BĐS của Nghị quyết 18, ông Võ đánh giá, đã rõ hơn trước đó, có thuế cao đối với những nhóm này, nhưng lại thấp đối với những nhóm khác.

Điểm cần quan tâm nữa, ông Đặng Hùng Võ chỉ ra, là khi hệ thống thuế đối với BĐS đã ổn định thì có thể xác định lại hệ thống giao đất, cho thuê đất sao cho không có khác biệt giữa giao đất được sử dụng vô thời hạn, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.

“Có thể lấy trường hợp cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm làm chuẩn, từ đây có thể tính được tiền thuê đất trả một lần gắn với tỷ lệ lạm phát” – GS. Đặng Hùng Võ gợi ý.

Từ mức tiền thuê đất trả một lần, có thể tính ra mức thuế đánh vào trường hợp được sử dụng đất vô thời hạn sao cho mức thuế thu được sau 50 năm bằng tiền thuế đất cho 50 năm tiếp theo.

Theo cách thức này, ông Võ phân tích, Nhà nước có thể hoàn toàn cho phép người sử dụng đất được lựa chọn hình thức giao đất để sử dụng lâu dài hoặc thuê đất trả tiền một lần hoặc thuê đất trả tiền hàng năm vì nghĩa vụ tài chính hoàn toàn tương đương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang