Phản biện các dự án ven sông Hàn
Ủy ban Mặt trận TQVN TP.Đà Nẵng ngày 7-5 tổ chức Hội nghị phản biện dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) ở bờ Đông sông Hàn (thuộc P.Nại Hiện Đông, Q.Sơn Trà) cùng một số dự án.
Nhiều đại biểu thẳng thắn trao đổi, mổ xẻ, phân tích, nêu một số bất cập của các dự án như ảnh hưởng đến dòng chảy, hơi “tức mắt” khi nhìn vào cảnh quan, nguy cơ nước gây ngập vào mùa mưa lũ…
Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.Đà Nẵng nêu ý kiến nên dừng dự án nhưng không đưa ra được luận cứ khoa học chứng minh. Các chuyên gia thuỷ lợi đến từ các trường Đại học phân tích, các dự án đúng là có tác động đến sông Hàn nhưng không đáng kể.
Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.Đà Nẵng nêu quản điểm.
GS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ phát biểu, hoan nghênh TP.Đà Nẵng đã thu hút, chọn lọc được nhiều nhà đầu tư có thực lực, đóng góp lớn và hiệu quả. Đà Nẵng xử lý rất nhanh các vấn đề liên quan đến các dự án, nếu không thì tổn hại rất nhiều.
Ông Thiên phát biểu: “Phát triển là phải vượt qua, thậm chí bỏ cái cũ, phải đánh đổi, bỏ đi cái nhỏ bé để được cái lớn tốt hơn. Các dự án phải đảm bảo phát triển bền vững, lợi ích người dân. Tuy nhiên, nếu môi trường đầu tư dở đi, doanh nghiệp không đầu tư thì lợi ích người dân sẽ ra sao, lấy gì để phát triển?
Thiệt hại nặng nề đến doanh nghiệp, thậm chí phá sản. Nếu họ kiện buộc chính quyền phải bồi thường các chi phí họ bỏ ra, nhiều cái phải chiếu theo Luật, tính theo giá thị trường là rất lớn. Doanh nghiệp cũng đặt lợi ích vào sự phát triển chung, gắn với xã hội chứ không thể nghĩ doanh nghiệp “ăn hết”.
GS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương.
Ông Huỳnh Việt Thành - nguyên Phó GĐ Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng: “Việc xây kè, lấn sông đương nhiên ảnh hưởng dòng chảy nhưng không phải nguyên nhân quyết định việc ứ nước mà do lũ lụt và điều tiết nước của thủy điện. Về cảnh quan kiến trúc 2 bên sông Hàn, đã tổ chức thi rất công phu, tốn kém, có hợp tác với nước ngoài đã trao giải thưởng, công bố rộng rãi nhưng vẫn chưa triển khai”.
Ông Thành kiến nghị: "Nên đưa thiết kế cảnh quan thành quy chế, nghị quyết luôn để kêu gọi đầu tư yên tâm làm, chứ cứ thập thà thập thò nay thế này mai thế kia thì ai dám vào. Một người không làm được thì nhiều người cũng ngại".
Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai) và các đại biểu.
Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai) là chủ đầu tư dự án Marina Complex bày tỏ, 2 vấn đề lớn của dự án là hồ sơ pháp lý và tác động môi trường đã được chính quyền, các ngành hoàn thiện và chúng tôi thực hiện.
Dự án đã triển khai 3 năm qua và bước vào giai đoạn cuối. Công ty chưa kịp mừng thành quả làm được thì đã bị phản ứng, như tai ương ập đến. Thiệt hại về kinh tế sẽ xảy ra và công ty thực sự lo lắng, bất an về môi trường đầu tư, sự đối xử không bình đẳng nếu phải dừng dự án.
“Chúng tôi luôn mong muốn sự nhất quán thực hiện chính sách, pháp luật và niềm tin về một chính quyền kiến tạo, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển tốt hơn, mang lại lợi ích chung cho xã hội, bảo vệ quyền lợi người dân và doanh nghiệp công bằng, đúng quy định pháp luật”, bà Loan bày tỏ.
Điều chỉnh để đảm bảo hài hòa lợi ích
Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ UBND TP.Đà Nẵng cho biết: "Các dự án đều có trong quy hoạch chung về phát triển KT-XH TP.Đà Nẵng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013; được TP.Đà Nẵng phê duyệt năm 2017 phù hợp với đồ án quy hoạch; đã hoàn thành ĐTM, nghĩa vụ tài chính, các quy hoạch chi tiết và đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; có sự thống nhất của các Sở, ban, ngành và Bộ NN&PTNT. Các dự án đã được điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm quy mô dự án, hệ số sử dụng đất, tăng diện tích cây xanh…” .
Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ UBND TP.Đà Nẵng
Theo ông Dũng, sau khi có ý kiến của dư luận, TP.Đà Nẵng đã kịp thời tạm dừng các dự án này để rà soát, nhằm tìm kiếm giải pháp về mặt quy hoạch không gian, nhằm đáp ứng được nguyện vọng của người dân, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thành ủy: phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước; có tính toàn diện, khách quan, công khai, công bằng.
TP sẽ sớm đề xuất điều chỉnh quy hoạch hợp lý, hài hòa lợi ích của người dân và các nhà đầu tư; đúng pháp luật nhằm tăng diện tích không gian công viên cây xanh, tăng khả năng tiếp cận của người dân với sông; giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng, tạo không gian thông thoáng; bổ sung các công trình dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Ông Dũng cho biết thêm, Chính phủ đã cho phép Đà Nẵng nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. TP Đà Nẵng cũng đã hợp đồng với đội ngũ tư vấn nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ này.
Một phần dự án Marina Complex ở bờ Đông sông Hàn.
“Đây là cơ hội để Đà Nẵng đánh giá tổng thể dự phát triển đô thị, kể cả việc nghiên cứu hành lang thoát lũ, để kịp thời điều chỉnh, khắc phục những tồn tại để hướng đến mục tiêu là “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; và trở thành thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á vào năm 2045” mà Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã đặt ra cho Đà Nẵng”, ông Dũng khẳng định.