Nhiều doanh nghiệp BĐS than khổ với lãnh đạo TP.HCM

Thứ Năm, 11/04/2019 10:41  | Quang Hà

|

(CATP) Ngày 10-4-2019, Thường trực Thành ủy TPHCM, lãnh đạo các sở, ngành của TP đã có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP, nhằm lắng nghe, bàn giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp.

Tại hội nghị, nhiều kiến nghị của các DN đã được đưa ra mổ xẻ và được lãnh đạo TP đề xuất hướng giải quyết.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn nêu quan điểm: “Lãnh đạo một sở mà nói với DN là khó quá, không biết cách làm như thế nào hoặc ở dưới không trình nên không ký được thì không nên ngồi ghế lãnh đạo sở. Giải quyết việc của DN cũng nên có khung thời gian chứ không thể cứ kéo dài, gây bức xúc cho DN”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo TP gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản

Tại hội nghị, đại diện Công ty Cổ phần Địa ốc và Xây dựng S.S.G 2 cho biết DN này bán hết dự án từ lâu nhưng để tăng tiện ích phục vụ nhân dân đang sinh sống trong dự án, họ vẫn muốn được tự bỏ vốn để đầu tư xây dựng đường đi bộ trên cao kết nối từ dự án chung cư Thảo Điền Pearl (số 12 Quốc Hương, phường Thảo Điền, quận 2) với ga metro Thảo Điền (ga số 6), thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (cự ly vàng trong bán kính 500m).

Tuy nhiên, hơn 6 năm qua, Công ty S.S.G 2 không thể tự thương lượng được với 3 hộ dân có khoảng 230 m2 đất trong lộ giới xây cầu dẫn đi bộ trên cao để kết nối ga metro Thảo Điền với chung cư Thảo Điền Pearl và khu vực lân cận.

Tại hội nghị, ông Bùi Xuân Huy - Tổng giám đốc, Đại diện Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland) cho biết, Novanland có 10 dự án, đến nay đã xây dựng hoàn chỉnh, đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, khách hàng đã vào ở nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt tiền sử dụng đất nên vẫn chưa được cấp GCNQSHNỞ và QSDĐỞ cho cư dân dẫn đến khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến ANTT và uy tín của DN.

Ông Bùi Xuân Huy - Tổng giám đốc Novaland nêu ý kiến tại buổi gặp mặt

Do đó, đại diện DN này kiến nghị UBND TP cần đẩy nhanh việc xin ý kiến Thủ tướng và các bộ, ngành để sớm có giải pháp cho các vướng mắc của DN. Đồng thời, đề nghị TP sớm có văn bản giải tỏa văn bản đã ban hành trong tháng 12-2018 về “Tạm dừng thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất” đối với 7 dự án do các công ty thành viên của tập đoàn này đầu tư trên địa bàn quận Phú Nhuận.

Đồng thời Novanland đề nghị TP sớm phê duyệt tiền sử dụng đất tại 10 dự án mà DN này đã nộp hồ sơ xin phê duyệt tiền sử dụng đất tại Sở TN-MT....

Ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc Cty TNHH kinh doanh và phát triển nhà Bình Dân trình bày về trường hợp của mình.

Theo ông Tú, năm 2009, UBND Q.Thủ Đức và UBND TP đưa dự án Bình Chiểu của Cty Bình Dân vào phục vụ tái định cư. Cty Bình Dân đã làm xong từ năm 2009 và sẵn sàng giao nền tái định cư với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật trị giá 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến 2016, UBND Q.Thủ Đức lại không có nhu cầu mua tái định cư và mãi đến năm 2017 UBND TP mới cho phép Cty Bình Dân bán ra bên ngoài để thu hồi vốn, làm công ty này chôn vốn suốt 8 năm trời.

Ông Tú nhẩm tính, nếu tính lãi vay thông thường 12%/ năm thì công ty chịu lãi số tiền xấp xỉ 40 tỷ đồng, bằng tiền vốn.

Tuy nhiên, cái khó cho doanh nghiệp là hiện nay Sở Tài Chính và Cục Thuế TP lại áp tiền sử dụng đất đối với dự án này là 3.746.291 đồng/m2, chiếm 40% doanh số của dự án mà DN còn đứng trước nguy cơ bị phạt vì chậm nộp tiền sử dụng đất vì thực tế dự án ra đời vào năm 2009.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đề nghị UBND TP quan tâm đến việc tính tiền sử dụng đất. Lãnh vực tài chính là lãnh vực rất chuyên môn nên rất mong Thành ủy có những người có kiến thức chuyên môn để tháo gỡ những vấn đề về tài chính, tránh gây chồng chéo.

Bà Nguyễn Thị Như Loan nêu những bức xúc với lãnh đạo TP

Bà Loan cho biết, công ty của bà có 3.000 m2 đất ở đã được công nhận chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11-2017. Tháng 10-2018, Sở Xây dựng đã trình UBND TP để xin chấp thuận đầu tư thì chuyên viên của UBND TP lại trả lại và hỏi: Tại sao Sở Xây dựng lại ghi là “cơ bản hoàn thành mà không khẳng định đã hoàn thành?

Theo bà Loan, chỉ vì một câu chữ thôi mà từ tháng 10-2017 đến nay, tất cả đều ách tắc. Không những thế, bây giờ cơ quan chức năng bắt công ty quay về duyệt quy hoạch 1/2000 bổ sung và sau đó trình lại chấp thuận chủ trương đầu tư trong khi dự án đã có quy hoạch 1/500 khiến cho dự án coi như quay trở lại về con số 0...

Về việc này, bà Loan cho biết thêm, tháng 11-2018 ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP - đã có buổi họp và giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc, phối hợp UBND Q7 cập nhật bổ sung cho doanh nghiệp.

Hai tháng sau, sau khi hoàn tất thủ tục tại Q7, khi quay về Sở Quy hoạch Kiến trúc để duyệt quy hoạch 1/2000 bổ sung thì từ tháng 12-2018 đến bây giờ đã 4 tháng mà Sở QHKT vẫn không ra được quy hoạch bổ sung 1/2000 nên dự án không trình UBND TP được.

Lý do là Sở QHKT quan ngại 3000 m2 đất này là cổ phần hóa năm 2005 có vướng vào đất công hay không. DN phải đi qua Sở Tài chính để tự đi tìm hồ sơ từ năm 2005 đến nay. DN khổ cực vẫn phải tự đi tìm hồ sơ thì thấy có 10% cổ phần hóa...

Bà Loan nói giọng nghẹn: “Nếu không vì 3000 cổ đông, 3000 nhân viên, không vì nợ ngân hàng thì tôi đã để lại tâm thư và tự tử. ... Trong luật có quy định nào quy định là nếu như đất công, thành lập công viên thì chủ đầu tư tự nguyện bỏ tiền ra làm mà phải đấu giá không.

Bây giờ mà cơ quan công sở cứ quan ngại, nay hỏi một chút, mai hỏi một chút trong khi văn bản quá rõ ràng. Họp thì nay cử người này không có chuyên môn hoặc nhân viên mới nên lặp lại điệp khúc không nắm rồi ra về. Không biết bao nhiêu cuộc họp mà không thể ra được dự án cho DN".

Bà Loan cho biết thêm, một giám đốc sở tiếp cận với bà và cho biết bản thân họ cũng mệt lắm rồi, tôi thấu hiểu lắm nhưng bây giờ anh em họ không trình thì làm sao tôi giải quyết?

Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long - chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Dragon City có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè thông qua đấu giá công khai từ năm 2004.

Tuy nhiên, cho đến nay, tại phân khu số 15 của dự án vẫn còn tồn tại 01 căn nhà và đất của một số hộ dân, không chịu di dời mà còn xây dựng, mở rộng nhà trái phép, chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường và có nhiều hành vi cản trở không cho Công ty thi công công trình của dự án.

Công ty cũng được UBND TP giao làm chủ đầu tư dự án ngầm hóa đường điện cao thế 220kV đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè bằng nguồn vốn của Công ty. Công ty đã chuyển 160 tỷ đồng cho Trung tâm phát triển quỹ đất để đền bù, nhưng gần 10 năm nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng để giao đất cho công ty thực hiện dự án ngầm hóa đường điện này...

Phát biểu sau khi tiếp thu những ý kiến của DN, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến mong muốn các DN chung, tay chung sức chia sẻ với khó khăn của TP. Sự phát triển của TP có sự đóng góp rất lớn của DN bất động sản.

Hiện nay, chính quyền TP cũng rất bức xúc, áp lực với những yêu cầu phát triển. Trên thực tế chúng ta cũng có những sơ hở, đây cũng là điều đáng buồn...

Ông Tuyến nhấn mạnh đối với 124 dự án mà UBND TP đã có văn bản cho phép tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục hành chính. TP sẽ giải quyết theo nguyên tắc những dự án nào đang bị thanh tra, điều tra thì phải dừng lại, sai ở đâu thì sửa ở đó...

Phát biểu tổng kết hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã cho biết ông rất vui khi được lắng nghe ý kiến của DN. Qua buổi làm việc, chính quyền đã đối thoại, tiếp thu được ý kiến của DN. Khách nước ngoài đến TP, lần nào họ cũng khen TP mình thay đổi, nên phải nói rằng DN BĐS đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển TP.

"Bản thân tôi xa TP 11 năm, đến khi quay trở về thấy TP mình thay đổi quá nhiều. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án BĐS phải có quy trình, đi từ sở nào qua sở nào, quay trở lại UBND như thế nào. Theo tôi, phải có sự phản biện để vẽ lại sơ đồ quy trình này về việc xây dựng quy trình triển khai dự án BĐS.

Đặc biệt, phải có khâu trao đổi với DN và phải có thời gian cụ thể. Ở cấp ủy ban thì đồng chí phó chủ tịch, chủ tịch quận huyện thì giải quyết hồ sơ đó bao lâu. Thà có thời hạn còn hơn là không có thời hạn, xây dựng quy trình chuẩn để công khai hóa Trường hợp ngoại lệ, khó quá thì phải có mở ngoặc để cần thêm thời gian chứ không phải để đó", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh..

Ông Nhân nói thêm, cơ chế xử lý các văn bản thì các ngành, liên sở phải có sự bàn bạc để tìm hướng tháo gỡ. Nếu mâu thuẫn giữa các văn bản và Luật thì phải kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ để sửa để diễn đàn pháp luật của Quốc Hội để hỏi và giải thích để cho sáng tỏ.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: "Tôi không đồng tình với ý kiến của một DN khi cho rằng rất thương một vị giám đốc sở vì vị giám đốc sở muốn giúp DN nhưng không biết phải làm thế nào. Bởi vì, giám đốc muốn giúp DN nhưng không làm được thì phải báo cáo với TP, báo cáo cấp ủy để cùng thảo luận chứ không thể để tình trạng giám đốc muốn giúp DN nhưng không biết làm thế nào. Thế mà vẫn làm giám đốc... ".

Bình luận (0)

Lên đầu trang