Mặt bằng tại TPHCM: Giảm giá vẫn ế khách

Thứ Tư, 09/12/2020 12:19

|

(CATP) Thông tin về các ca lây nhiễm cộng đồng mới tại TPHCM gần như đánh sập tia hy vọng tìm người thuê của chủ những mặt bằng trống trên "đất vàng". Trong khi đó, nhiều chủ cửa hàng cũng dè dặt, "cố thủ” khi chưa dám quay trở lại kinh doanh hoặc chuyển sang thử nghiệm mô hình online, mặc cho mùa mua sắm Tết đã cận kề...

Giảm giá vẫn "đóng băng"

Là người thuê mặt bằng để kinh doanh quán cà phê trên đường Lữ Gia (Q11), anh Thanh Hải cho biết đang phải thương lượng với chủ nhà giảm giá tiền thuê từ 30 triệu/tháng xuống còn 20 triệu. Anh Hải cho biết chỉ vừa thuê cửa hàng này được 2 tháng, khi làn sóng dịch đợt 2 vừa kết thúc. Trong thời gian này, tình hình buôn bán tương đối ổn định, dù khách chưa nhiều nhưng lượng khách quen đã bắt đầu tăng.

Tuy nhiên, theo anh Hải, khi có thông tin dịch bùng phát trở lại thì khách hàng ít đi rõ rệt, đôi khi ngồi vài tiếng chỉ đón được 2 - 3 khách. "Mình có thỏa thuận với chủ nhà, xin được trả mặt bằng và nhận lại tiền cọc nếu dịch bệnh tái diễn. Nhưng dù vậy thì cũng đã đầu tư một số tiền lớn, không thể bỏ ngang được nên phải ráng cầm cự bằng cách xin chủ nhà giảm giá thuê. Cái khó là dịch bệnh đang lơ lửng trên đầu và việc xin giảm giá thuê ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền nên cũng khó để chủ nhà chấp nhận" - anh Hải nói.

Hàng loạt mặt bằng vẫn chưa tìm được khách

Đóng vai người cần thuê nhà, chúng tôi liên hệ một số điện thoại cho thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Trãi (Q1). Theo nhân viên môi giới tên Cường, mặt bằng này năm ngoái có giá thuê hơn 8.000 USD/tháng. Do dịch bệnh kéo dài và nhà đã để trống hơn nửa năm nên chủ nhà đồng ý giảm xuống còn 6.000 USD/tháng trong năm đầu, nhưng vẫn chỉ có khách hỏi là chính chứ không ai đặt cọc.

"Khách thuê giờ rất thận trọng, không như ngày xưa hở ra là có người dằn cọc liền. Hiện giờ họ có thể lựa chọn nhiều mặt bằng đẹp với giá rất tốt. Trong khi những người kinh doanh nhỏ hơn như các shop thời trang lẻ thì phải đắn đo, nghe ngóng tình hình dịch bệnh cuối năm trước khi bung tiền đầu tư” - Cường cho biết.

Quanh khu vực Q1, hàng loạt mặt tiền trên các tuyến đường "hot" bậc nhất như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Lai... hiện vẫn dán chi chít những tấm bảng cho thuê nhà kèm số điện thoại, nhiều nơi đóng cửa im lìm. Anh Thành An, chủ một căn nhà mặt tiền trên đường Nguyễn Trãi cho biết: "Trước đây rất nhiều thương hiệu thời trang liên lạc đặt cọc để xin thuê nhà, sẵn sàng trả cao hơn 15 - 20%, chỉ chờ người thuê cũ hết hợp đồng là sẽ nhảy vào ngay. Thế nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại đợt 2 thì mặt bằng đã trống, công ty thời trang đã đặt cọc trước đó cũng chịu mất cọc chứ không thuê. Mặc dù đã giảm giá nhưng tới nay vẫn không ai hỏi".

Anh Hữu Tiến, một nhân viên môi giới bất động sản Q.Phú Nhuận và Q.Bình Thạnh cho biết, chưa năm nào mặt bằng đẹp để trống mà tìm người thuê lại khó như năm nay. Quận Phú Nhuận thuộc dạng đắc địa cho các ngành kinh doanh ẩm thực, bán lẻ và dịch vụ..., nhưng dù giá thuê đã giảm đi rất nhiều, khách thuê vẫn thưa thớt. Thậm chí, nhiều chủ mặt bằng do quá ế ẩm đã nhờ rao bán mặt bằng với giá thấp, nhưng sức mua chậm dù sự quan tâm của khách hàng vẫn có.

Nhiều mặt bằng đẹp, rộng rãi trên đường Nguyễn Trãi (Q1) bị bỏ trống

Trên thực tế, tình trạng mặt bằng bán lẻ "bỏ hoang", không người thuê không chỉ diễn ra ở những khu vực trung tâm TPHCM. Tại các quận huyện vùng ven, mặt bằng được đánh giá là "đẹp" cũng lâm vào tình trạng tương tự. Đây được xem là hiệu ứng "domino" khi dịch bệnh ảnh hưởng đến tâm lý người dân, nhiều gia đình buộc phải thắt chặt chi tiêu khiến nhu cầu tiêu dùng, mua sắm giảm mạnh và mặt bằng bất động sản cho thuê "điêu đứng".

Làn sóng trả mặt bằng

Theo anh Tiến, hiện làn sóng trả mặt bằng bán lẻ vẫn còn "âm ỉ” chứ chưa kết thúc dù dịch bệnh lần này chưa đến mức quá nghiêm trọng. "Dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát lần nữa, lại vào dịp cuối năm nên người thuê cầm cự không nổi vì trước đó đã gắng gượng đợi đến mùa mua sắm, vui chơi cuối năm. Nhiều khách hàng rất tội nghiệp khi muốn giữ mặt bằng nhưng không thể thương lượng lại giá cả với chủ. Mình không thể giúp gì trong trường hợp này vì các hợp đồng trước đó đều không lường trước được đại dịch sẽ xảy ra, cũng không thể ép chủ thuê giảm giá khi họ không muốn" - anh Tiến giải thích.

Chị Thanh Thủy, chủ một cửa hàng quần áo thời trang nữ cho biết vừa chính thức trả mặt bằng thuê trên đường 3 Tháng 2 (Q10) và tập trung chuyển đổi sang thử nghiệm mô hình kinh doanh online. Sau 10 tháng đầu năm 2020, việc cầm cự để giữ mặt bằng đã khiến chị Thủy bị thâm hụt vốn nặng nề và không thể "gồng" thêm nữa.

Gần đó, chị Thùy Trang, chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại trên đường 3 Tháng 2 cũng đang rục rịch trả mặt bằng, chấp nhận mất cọc khi tiền thuê mặt bằng chiếm tỷ lệ vốn quá lớn mà khách thì thưa thớt. "Dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến thu nhập, khiến khách hàng đắn đo hơn trong việc mua sắm các thiết bị công nghệ đắt đỏ như điện thoại. Trước đó, tưởng chừng iPhone 12 ra mắt sẽ khiến việc kinh doanh sáng sủa hơn nhưng tình hình vẫn không thay đổi" - chị Trang cho hay.

Để níu chân khách thuê, nhiều chủ nhà đã chấp nhận đồng cam cộng khổ với khách. Ông P. (ngụ Q1) có mặt bằng cho thuê với giá 18.000 USD/tháng cũng cam kết sẽ hỗ trợ khách hàng trong dịch. Thời điểm tháng 4-2020, do dịch bệnh nên cửa hàng thuê có lúc phải đóng cửa cả tháng theo yêu cầu của chính quyền. Ông P. đã đồng ý miễn tiền thuê trong tháng khách không kinh doanh được.

"Sau đó, khi dịch bùng phát đợt 2 thì tôi chấp nhận giảm 25% tiền cho thuê từ nay đến cuối năm để giữ khách. Nếu không giảm tiền, họ trả mặt bằng thì mình cũng không tìm đâu ra người thay thế. Bản thân mình cũng có cái khó khi mặt bằng này là nguồn thu chính cho cả gia đình" - ông P. chia sẻ.

Cùng tình cảnh, cô Kim Phương, chủ một mặt bằng cho thuê trên đường Trịnh Quang Nghị (Q8) cho biết dưới tác động của dịch bệnh cũng đã phải giảm giá thuê nhà cho khách, thậm chí miễn tiền thuê 1 - 2 tháng. "Tuy nhiên, nếu dịch tái diễn thì không biết làm cách nào đối phó khi toàn bộ thu nhập của gia đình chỉ dựa vào nó (mặt bằng cho thuê). Hai đợt Covid-19 trước thật sự khiến nhiều người kinh doanh điêu đứng vì giãn cách xã hội và tâm lý lo sợ khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm. Nhưng giờ họ đang dần quen với việc sống chung với dịch nên hy vọng các cửa hàng kinh doanh sẽ tốt lên, vì họ gặp khó khăn thì mình cũng khó theo chứ không được lợi gì” - cô Phương chia sẻ.

Mặt tiền đường Nguyễn Thị Nghĩa (Q1) chi chít số điện thoại tìm khách thuê

Theo thống kê mới công bố của Savills Việt Nam (tập đoàn cung cấp dịch vụ bất động sản), thị trường TPHCM gặp khó khăn ở phân khúc nhà phố đến từ việc thiếu sự linh hoạt trong định giá cho thuê. Một số chủ nhà vẫn còn rất lạc quan khi tin tưởng vào khả năng hồi phục của thị trường, không có ý định giảm giá để hỗ trợ người thuê nhà. Việc Chính phủ kiểm soát tốt làn sóng Covid-19 đợt 1 và 2 cũng khiến nhiều chủ nhà tin rằng dịch bệnh sẽ sớm kết thúc.

Bà Võ Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills, lý giải: "Khách thuê vẫn tiếp tục giảm số lượng cửa hàng, giảm diện tích thuê và tăng cường chuyển đổi sang thương mại điện tử. Nhất là tại các khu vực phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch. Nhiều người thuê vẫn quyết trả mặt bằng dù chủ nhà chấp nhận giảm giá thuê để hỗ trợ trong ngắn hạn".

Theo Savills, việc giá thuê mặt bằng giảm không chỉ diễn ra ở nhà phố thương mại mà còn xuất hiện ở các trung tâm thương mại lớn. Tuy nhiên, số lượng các khu trung tâm thương mại áp dụng hình thức giảm giá để hỗ trợ các nhãn hàng vẫn chưa nhiều, chủ yếu tập trung tại các khu vực ngoài trung tâm. Mức giảm phổ biến rơi vào khoảng 10 - 30% trong ngắn hạn cho khách ký hợp đồng mới hoặc các khách thuê bị ảnh hưởng nặng trong kinh doanh.

Khảo sát của Savills vào quý III cũng cho thấy, khách thuê của ngành hàng F&B (kinh doanh ẩm thực, nhà hàng ăn uống) và thời trang hiện đã có sự thích nghi với dịch bệnh khi thay đổi về nhu cầu diện tích thuê. Khi dịch bệnh kéo dài, xu hướng giảm diện tích thuê hoặc trả những cửa hàng hoạt động không hiệu quả sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Trao đổi tại buổi họp báo trực tuyến APAC Press Day 2020 ngày 8-12, đại diện Facebook cho biết trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, mạng xã hội này đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

Theo thống kê, 15% số DNVVN trên toàn cầu phải đóng cửa và những doanh nghiệp tái mở cửa đang gặp phải những áp lực về tài chính, sụt giảm nhu cầu. Các doanh nghiệp giao dịch trực tiếp với khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó, 55% số DNVVN cho biết doanh số bán hàng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và khoảng 1/3 số DNVVN phải cắt giảm nhân viên...

Bình luận (0)

Lên đầu trang