TPHCM: Hàng bình ổn sẵn sàng phục vụ người dân dịp Tết

Thứ Năm, 04/02/2021 18:30

|

(CATP) Mặc dù suốt năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TPHCM cho biết vẫn sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân với 100% lượng dự trữ hàng hóa. Tới thời điểm hiện tại, có thể nói mọi công tác chuẩn bị đều đã hoàn thành, sẵn sàng phục vụ người dân.

Người lao động chắt chiu sắm Tết

Những ngày cận Tết này, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (34 tuổi, công nhân ở Q.Bình Tân) cho biết phải suy nghĩ nhiều hơn, chắt chiu hơn trong việc sắm Tết cho gia đình. Theo chị, cả năm vừa qua do dịch Covid-19 kéo dài, thu nhập của cả nhà đã giảm đáng kể. "Dù khi đi siêu thị, tiệm tạp hóa, nhìn cái gì cũng muốn mua, nhưng năm nay mình phải cân nhắc nhiều hơn giữa các thương hiệu. Cái nào rẻ hơn chút sẽ chọn cái đó, vài món rẻ cộng lại sẽ dư ra một ít, có thể mua thêm những món ăn "xa xỉ” ngày Tết cho các con như bánh mứt, kẹo... Giá năm nay có vẻ cao hơn năm trước một chút. Dù tính riêng từng món thì chả đáng gì nhưng với người lao động thu nhập thấp thì ảnh hưởng tương đối lớn, nên chủ yếu vẫn là đi chợ truyền thống vì giá cả đa dạng, có thể trả giá được", chị Hiền chia sẻ.

Một nhân viên siêu thị Bách Hóa Xanh ở Q. Bình Tân cho biết, dù dịch bệnh đang diễn ra nhưng TPHCM ít chịu ảnh hưởng, lượng người đi mua sắm cuối năm vẫn tăng. Các siêu thị Co.op Mart, VinMart, Co.op Food... cũng ghi nhận sức mua tăng dần từ đầu tuần này. Mặc dù vậy, năm nay nhiều người đắn đo lựa chọn hơn mọi năm, chủ yếu là so sánh giá giữa các sản phẩm cùng loại nhưng khác thương hiệu.

Trong khi đó, một số DN sản xuất cho biết, sức mua mùa Tết phụ thuộc lớn vào thu nhập cả năm và các khoản dư như thưởng Tết của người lao động. Do dịch bệnh, nhiều DN đã có sẵn kế hoạch kích cầu, chủ động giảm giá để cùng người dân vượt qua khó khăn do thu nhập giảm.

Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt - thông tin: "Chúng tôi cố gắng cung cấp ra thị trường nguồn trứng gia cầm dồi dào, đầy đủ, đồng thời thực hiện cam kết với thành phố là không tăng giá sản phẩm trong cao điểm Tết Nguyên đán. Đặc biệt, 2 ngày cuối năm âm lịch, công ty còn có kế hoạch giảm giá để phục vụ người lao động có thu nhập thấp và những người lãnh lương, thưởng trễ".

Nhiều DN cũng cho biết đã đẩy mạnh nguồn cung sản phẩm, có thời điểm lên đến 200%, nhất là đối với các mặt hàng bánh kẹo tại siêu thị và chợ truyền thống. Theo quan sát của phóng viên, nhóm sản phẩm bánh kẹo phục vụ Tết năm nay đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả nhiều mức nên người dân có thêm lựa chọn để phù hợp với túi tiền.

Hàng hóa tràn ngập các chợ, siêu thị

Theo ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng giám đốc Công ty CP Bibica, mặc dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn có kế hoạch tung nhiều sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là không tăng giá. Còn ông Nguyễn Vũ Toàn - Phó tổng giám đốc SaiGon Co.op, hệ thống siêu thị Co.op Mart sẽ dành 5.000 tỷ đồng cho chương trình bình ổn thị trường ở các nhóm ngành chính: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản; còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và loại đặc sản Tết. Ngoài ra, siêu thị này cũng đẩy mạnh các chuyến xe bán hàng lưu động để đến gần hơn với công nhân, người lao động nghèo tại các khu công nghiệp và huyện ngoại thành.

Đảm bảo hàng hóa dồi dào, không "sốt" giá

Thông tin về công tác bảo đảm cung - cầu các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên địa bàn, đại diện Sở Công thương (CT) TPHCM cho biết, hàng sẽ được cung cấp từ 3 nguồn chính là các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường (chiếm 30 - 40% thị phần), các chợ đầu mối (chiếm 60 - 70%) và những DN khác.

Theo Sở Công thương TPHCM, các DN đã chi ra gần 20.000 tỷ đồng để sản xuất, dự trữ cung ứng hàng hóa, trong đó chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường hơn 7.000 tỷ đồng, chỉ tính riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, tổng giá trị hàng hóa bình ổn thị trường hơn 4.000 tỷ. Ông Trần Trí Dũng, Trưởng phòng quản lý thương mại - Sở Công thương TPHCM, cho biết: "Thông qua các chương trình hợp tác thương mại từ Sở CT với các sở ngành thành phố, các địa phương có nguồn hàng cung cấp cho TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng..., thành phố đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là phải chủ động được nguồn hàng, không để xảy ra hiện tượng "sốt" giá. Các quận huyện trên toàn thành phố đảm bảo cho bà con có lượng hàng đầy đủ với giá cả hợp lý. Trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường sẽ được tăng cường, đảm bảo từ 35% - 50% nhu cầu thị trường".

Đối với các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản. Dự kiến vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn - cho biết, chợ đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Tân Sửu 2021 đảm bảo đủ cung cấp ra thị trường, không để khan hiếm và tăng giá trái phép.

Nhiều công ty cam kết không tăng giá trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Sở CT cũng dự báo, tình hình thị trường Tết trên địa bàn TPHCM sẽ có thêm nhiều hàng hóa, đặc sản các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý và nhiều DN cũng có điều kiện mở rộng thị phần, mạng lưới phân phối. "Để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở CT tiếp tục phối hợp với các sở - ngành liên quan, UBND các quận huyện nắm chắc diễn biến thị trường, đảm bảo cân đối cung - cầu. Song song với đó tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định về điểm bán; khuyến khích người dân đẩy mạnh hoạt động mua sắm trực tuyến...", ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở CT - chia sẻ.

Giá thịt heo "giảm nhiệt" sau nhiều ngày tăng

Ông Lê Xuân Huy - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam - cho biết, công ty vừa giảm thêm 1.000 đồng/kg đối với heo hơi các loại. Cụ thể, heo hơi loại 1 hiện đang được bán ở mức 79.500 đồng/kg, heo hơi loại 2 76.500 đồng/kg.

Theo ông Huy, sở dĩ có sự chênh lệch này là do cận Tết, người dân chuộng thịt heo ngon, nhiều nạc để gói bánh chưng, bánh tét. "Khoảng 25-27 tháng Chạp sẽ là cao điểm tiêu thụ thịt heo trong năm, nhưng C.P cam kết không tăng giá, chỉ giữ nguyên hoặc giảm giá”, ông Huy nhấn mạnh.

Trong khi đó, Vissan cũng cam kết thực hiện chương trình bình ổn giá của TPHCM với giá bán heo hơi cố định 80.000 đồng/kg trước và sau Tết. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc An, DN này sẵn sàng tăng công suất và tập trung giết mổ phục vụ đợt Tết Nguyên đán, đặc biệt trong 5 ngày cao điểm từ đêm 25 đến rạng sáng 30 tháng Chạp Âm lịch để bảo đảm nguồn hàng phục vụ người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang