"Loạn" đồ chay

Thứ Bảy, 12/09/2020 13:12

|

(CATP) Xu hướng ăn chay ngày càng thịnh hành, kéo theo thị trường đồ chay phát triển mạnh, thu hút lượng lớn cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vào cuộc sản xuất (SX), kinh doanh. Điều đáng nói, dạng thực phẩm này đang tràn ngập thị trường nhưng công tác quản lý còn "bỏ ngỏ”, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng là điều khó tránh khỏi.

Đủ kiểu sản xuất, kinh doanh

Chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) bày bán đa dạng thực phẩm phục vụ cho người ăn chay. Chị Hương - tiểu thương - cho hay, ở đây đồ chay được bày bán đủ cả ba loại là: nguyên liệu, thực phẩm chế biến sẵn và hàng đóng gói bao bì. "Nguyên liệu thì mua về rồi tự chế biến món ăn, đồ làm sẵn thì chủ yếu phục vụ trong ngày, còn hàng đóng gói bao bì là từ các cơ sở SX cung cấp" - chị giải thích.

Theo chị Hương, ngày càng có nhiều người tìm mua sản phẩm (SP) chay, không chỉ tập trung vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, mà còn cả những ngày thường, lượng khách nhiều nên có khi không kịp bán. Về nguồn gốc, hàng do các hộ làm đưa đến bỏ mối nên thường không có nhãn mác, hướng dẫn, còn của các công ty cung cấp thì đầy đủ. Ngoài ra, có thêm nhiều SP đồ chay được nhập từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... với mức giá cao gấp nhiều lần so với SX trong nước, nhưng cũng được nhiều người lựa chọn.

Sản phẩm đồ chay nhiễm độc vừa bị Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố thu hồi

Khảo sát thêm tại nhiều khu chợ ở thành phố, chúng tôi ghi nhận các sạp bán đồ chay với đủ loại hàng hóa phong phú, đa dạng, đặc biệt là các món "giả mặn" với các tên gọi: đùi gà, heo quay, lẩu, pate, xúc xích, chả các loại... Một số SP có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng; còn lại đa số đều không nhãn mác, chẳng địa chỉ, không hạn sử dụng.

Hầu hết người bán đều cho biết, thích món gì có trên sạp thì cứ mua, chứ họ không biết nơi cung cấp có được phép SX các mặt hàng này không. "Tôi bán ở đây lâu rồi, chẳng thấy ai đến yêu cầu đăng ký về nguồn gốc các món hàng cả, nên chỉ cảm nhận ngon dở để tư vấn cho khách thôi, chứ xảy ra chuyện gì thì mình không chịu trách nhiệm được" - một người bán ở chợ Bàn Cờ (Q3) cho biết.

Thực phẩm chay hiện còn được bán tại siêu thị, các cửa hàng đồng thời chào bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội. Người có nhu cầu chỉ cần gõ "đồ chay" trên internet là có ngay người cung cấp mọi lúc, mọi nơi.

Chị Thanh Diệp - người ăn chay trường lâu năm ở Q7 - cho biết, chưa bao giờ thực phẩm chay lại phong phú và đủ kênh cung cấp như hiện nay, tuy nhiên quan trọng nhất là chất lượng bảo đảm an toàn vệ sinh thì ít thấy cơ quan chức năng công bố, khuyến cáo cũng như tiến hành các biện pháp ngăn ngừa để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. "Rõ ràng không phải SP nào cũng an toàn và để biết được điều này phải nhờ đến cơ quan chức năng, tuy nhiên với tình hình hiện nay thì mình phải tự nâng cao cảnh giác là chính" - chị chia sẻ.

Tràn ngập đồ chay trên thị trường

Khó kiểm soát?

Theo Ban quản lý an toàn thực phẩm (QLATTP) TPHCM, đồ chay theo dạng tự phát thường không bảo đảm an toàn do công đoạn tự làm thiếu phương tiện ghi nhận, thẩm định, đóng gói sơ sài, vi khuẩn dễ tồn tại, xâm nhập gây hại cho sức khỏe; một số loại còn có phẩm màu, phụ gia chưa được kiểm soát. Với thức ăn chay công nghiệp, đặc biệt là các SP "giả mặn", dù có nhãn mác rõ ràng cũng phải hết sức thận trọng, vì SP lúc này đã được bổ sung thêm vào nhiều thành phần có thể không tốt cho sức khỏe như chất bảo quản, tạo màu, tạo mùi, định hình... để cho giống đồ mặn thật.

Ban QLATTP TPHCM cảnh báo, các loại đồ ăn chay chế biến sẵn hiện nay có rất nhiều nhưng người mua khó xác định được mức độ an toàn. Để bảo đảm thật giống các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thủy hải sản, nhiều nơi tự ý bổ sung nhiều phụ gia có nguy cơ dẫn đến nhiễm hóa chất độc hại, các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh phát sinh, làm cho SP dễ gây ngộ độc, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy... cho người dùng.

Thông thường, để đảm bảo thực phẩm chay được an toàn, các cơ sở kinh doanh, SX phải đáp ứng các quy định cụ thể như có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc các chứng nhận GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 2200... Tuy nhiên, Ban QLATTP thừa nhận, thị trường đồ chay đang phát triển "nóng", khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn.

"Thực phẩm chay ở chợ và trên mạng phần nhiều là hàng do cá nhân, gia đình tự làm, không qua kiểm nghiệm, chẳng có thông tin nhãn mác rõ ràng, khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngay cả những cơ sở được cấp phép đầy đủ vẫn vi phạm, mà đặc biệt nguy hiểm là trong quá trình chế biến, đóng gói đã lạm dụng nhiều nguyên liệu, hóa chất dẫn đến SP có chứa lượng chất độc hại cao" - một lãnh đạo ban này nhận định.

Mới đây, nhiều người tiêu dùng đã phải nhập viện, thậm chí đối diện với tử vong khi sử dụng 1 SP đồ chay SX trong nước, rất thịnh hành trên thị trường. Sự việc đang là hồi chuông cảnh báo đối với những người ăn chay. Thiết nghĩ đây cũng là lúc để cơ quan chức năng xem xét lại cách quản lý các hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở SX thực phẩm chay hiện nay để tránh xảy ra hậu họa cho người tiêu dùng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang