Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả tràn lan ở miền Tây (kỳ 4)

Thứ Năm, 10/09/2020 10:16  | Thiện Thảo

|

(CATP) Hiện nay, thực trạng vật tư nông nghiệp (VTNN) giả, kém chất lượng trở thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Các cơ quan quản lý thừa nhận do khó quản lý, người dân lại thiếu thông tin... Hậu quả của việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, kém chất lượng gây thiệt hại hết sức nặng nề.

VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP NHẬP LẬU

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, thuốc trừ sâu quá hạn... vẫn có "đất sống" do người dân thiếu tiền đầu tư, phải mua vật tư ghi nợ đến cuối vụ mới trả tiền.

Một số đại lý, doanh nghiệp làm ăn gian dối đã dùng mọi thủ đoạn lừa, ép người nông dân sử dụng hàng không đạt phẩm chất, kém chất lượng. Trong khi nhiều nhãn hàng có uy tín không bán chịu nên việc nông dân chọn các loại phân bón, thuốc BVTV cho ghi nợ, dẫn đến mua phải hàng dỏm, kém chất lượng.

Việc sử dụng phân bón kém chất lượng, thuốc BVTV giả sẽ gây thiệt hại đến đời sống của người dân, tài sản bao năm tích cóp đều đổ sông đổ biển. Đa số các sản phẩm kém chất lượng trên thị trường lại được thiết kế bao bì rất bắt mắt, nhưng thông tin trên bao bì thì ghi theo kiểu lập lờ dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng (ví dụ tên sản phẩm Kali 61% nhưng thành phần thực tế chỉ khoảng 31-36%), hàng nội địa nhưng lại gắn tem phụ như hàng nhập khẩu...

Báo cáo của Bộ NN&PTNT, hàng năm trung bình ngành trồng trọt cả nước có nhu cầu tiêu thụ hơn 11 triệu tấn phân bón, trong đó phân vô cơ chiếm hơn 90%, phân hữu cơ và phân bón khác chiếm 10%. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp phân bón lớn nhất vào thị trường Việt Nam với gần 50% lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam. Đối với thuốc BVTV, Việt Nam chưa sản xuất được hóa chất thuốc BVTV hoặc thuốc BVTV kỹ thuật. Tất cả thuốc BVTV tại Việt Nam đều phải nhập khẩu 100 nghìn tấn thuốc BVTV.

Trong 100 nghìn tấn này có 50% được sử dụng trong nước, 10% được bảo quản trong kho và lưu thông trên thị trường, 40% còn lại được nhập về sang chai, đóng gói tại Việt Nam và xuất sang nước khác. Trên cả nước có hơn 30 nghìn cửa hàng đại lý buôn bán thuốc BVTV và 91 cơ sở đủ điều kiện sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV.

Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương cho rằng, qua đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón mới đây có đến 50% số mẫu chất lượng kém cả về yếu tố vi lượng và đa lượng. Tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng ở các đại lý từ buôn bán nhỏ lẻ đến những tổ chức, doanh nghiệp lớn, cá biệt có cả doanh nghiệp nhà nước.

Các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp như: An Giang, Cần Thơ... tràn lan tình trạng phân bón nhập lậu, phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Nghiêm trọng hơn còn có sự cấu kết, diễn ra liên tỉnh, liên địa bàn, thậm chí nhập lậu từ nước ngoài vào trong nước.

Cục BVTV phối hợp các cơ quan liên ngành đã bắt hơn 40 vụ vi phạm, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, thu giữ 7 tấn thuốc BVTV với 25 loại thuốc khác nhau đều nằm ngoài danh mục và phần lớn có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Thanh tra Bộ NN&PTNT khẳng định, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đã lợi dụng địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối tắt, sông suối mùa khô cạn... để vận chuyển trái phép thuốc BVTV qua biên giới.

Lượng thuốc ngoài danh mục khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì các đối tượng bỏ chạy hoặc tổ chức chống lại đoàn kiểm tra, nhằm giành giật xe hàng để phi tang. Các loại thuốc BVTV vô chủ, ngoài danh mục, một số loại có độ độc rất cao như thuốc trừ sâu 666, thuốc chuột dạng ống thủy tinh là nhóm thuốc cấm lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam...

Phân bón giả bị Công an TP.Cần Thơ tạm giữ

MỖI NĂM THIỆT HẠI 2,6 TỶ USD

Tại Diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường dùng cụm từ "Vô lối và mất trật tự ghê gớm" cho thị trường VTNN ở nước ta. Khi tiếp nhận trách nhiệm quản lý nhà nước từ Bộ Công thương đối với lĩnh vực phân bón, Bộ NN&PTNT đã loại hơn 2.000 sản phẩm không đạt chuẩn.

"Phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tung hoành, len lỏi, thâm nhập sâu vào các vùng sản xuất chủ lực như ĐBSCL. Phân bón đóng góp 30% hiệu quả sản xuất nông nghiệp, là mặt hàng chiến lược phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Bởi vậy, cần xem trọng sự ổn định của thị trường phân bón", Bộ trưởng khẳng định.

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả. Thực trạng này đang gây thiệt hại tới 2,6 tỷ USD mỗi năm cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và bà con nông dân. Mỗi năm cả nước có hàng chục sản phẩm phân bón mới ra đời.

Chẳng hạn, chỉ tính riêng phân NPK 20-20-15 đã có đến hàng trăm công ty sản xuất. Còn tại hệ thống phân phối phân bón đang phổ biến tình trạng các đại lý thích bán hàng giá rẻ để kiếm lợi nhuận cao, không trung thành với bất cứ công ty nào. Giá cả và chủng loại phân bón cũng thay đổi liên tục.

Ngoài thiệt hại về kinh tế do sử dụng VTNN giả, kém chất lượng mà còn tác động đến môi trường đất, không khí và sức khỏe của con người. Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới khẳng định, nếu là phân vô cơ NPK + TE kém chất lượng khi nông dân mua và sử dụng loại phân này sẽ ảnh hưởng tới năng suất cây trồng như: lúa; trái cây các loại, rau, hoa... làm cho năng suất giảm, chi phí nhiều, tăng cao áp lực sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, trong các sản phẩm kém chất lượng chứa nhiều lưu huỳnh làm chua đất ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.

Phân bón kém chất lượng do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố khách quan như: không chuyên sâu về công nghệ sản xuất; nguyên vật liệu kém chất lượng (do nhà sản xuất ham rẻ...), cũng có khi phân bón kém chất lượng do yếu tố chủ quan: nhà sản xuất cố tình tính toán bớt nguyên liệu xuống để giảm giá thành từ đó chia hoa hồng cho đại lý cao hơn doanh nghiệp khác...

Ngoài thiệt hại về kinh tế như năng suất cây trồng giảm, dịch bệnh nhiều thì còn làm cho "sức khỏe đất" suy giảm do đất bị mất cân đối dinh dưỡng, thay đổi độ pH, xuất hiện các độc tố mới do phân bón kém chất lượng gây ra, nếu là phân bón lá: sẽ làm cho cây hấp thu ko đầy đủ và kịp thời các yếu tố dinh dưỡng cần bổ sung, nhiều khi các phụ gia hoặc chất pha thêm còn góp phần phá hủy lớp cutin của lá...

Làm thế nào để nhà nông yên tâm sản xuất nông sản đạt chất lượng, nói không với VTNN kém chất lượng không phải là chuyện dễ dàng.

(Còn tiếp...)

Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả tràn lan ở miền Tây (kỳ 3)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang