Động vật hoang dã kêu cứu:

Kỳ 2: Tự chuốc họa vì ham đồ rừng

Thứ Sáu, 04/09/2020 18:16

|

(CATP) Dạo quanh những phiên "chợ mạng", các tay buôn ra sức quảng bá sản phẩm chuẩn "mùi" rừng từ nanh, vuốt, sừng, da, thịt, thú còn sống hay đã chết, đến các thiết bị bẫy thú rừng thuộc hạng nhạy nhất.

NÁO NHIỆT KHU "CHỢ MẠNG"

Đã qua rồi cái thời bày bán động vật hoang dã (ĐVHD) tràn lan trên đường, giấu nhẹm thú quý hiếm vừa săn được, đợi người quen đến mua. Các tay buôn ĐVHD đã tìm thấy một mảnh đất màu mỡ cho mình, biến hội nhóm mạng xã hội trở thành không gian chợ. Đặc biệt, mỗi địa phương đều có riêng cho mình khu chợ online, nơi giao dịch của các tay buôn và người dân địa phương.

Ngoài việc nắm bắt kịp xu hướng công nghệ, các đầu nậu hàng hiếm, hàng hoang dã còn biết phát triển "doanh nghiệp", tuyển dụng lực lượng lao động cho mình. "Tuyển cộng tác viên (CTV) bán thịt rừng, lương tháng ngon hơn cả người yêu cũ của bạn!", một đầu nậu chuyên cung cấp ĐVHD đăng bài trên một hội nhóm Facebook.

Tầm quan trọng của đa dạng sinh học

Theo Công ước về Đa dạng sinh học (CDB, Việt Nam tham gia ký kết ngày 16-11-1994), đa dạng sinh học là: sự đa dạng giữa các sinh vật sống của tất cả các nguồn bao gồm các hệ sinh thái tiếp giáp, trên cạn, biển, các hệ sinh thái thủy vực khác và các tập hợp sinh thái mà chúng là một phần. Tính đa dạng này thể hiện ở trong mỗi bộ loài, giữa các loài và các hệ sinh học.

Một hệ quả dễ thấy nhất của suy thoái đa dạng sinh học tại Việt Nam là đầu năm 2019, loài rắn lục xuất hiện ồ ạt ở nhiều nơi và tấn công người. Nguyên nhân chính là các loài thiên địch của rắn như cầy, cáo, mèo rừng... đã dần nằm trên bàn nhậu và chuồng, cũi. Quần thể loài thú ăn rắn không còn nhiều tại khu vực đó, tạo sự sinh sôi quá mức, thức ăn trong môi trường tự nhiên không đáp ứng đủ, rắn hướng đến khu vực dân cư để tìm thêm thức ăn.

Trong vai người tư vấn xin vị trí "CTV" bán ĐVHD, đầu nậu tên Tr. (ngụ Q.Thủ Đức) cho biết: "Tuyển CTV mọi mặt trận, hàng thì không thiếu, chỉ có người là không có. Còn về hàng bên mình phân phối thì chuẩn ngon, bổ, rẻ. Bạn cứ yên tâm hợp tác, đảm bảo lương tháng không dưới 10 triệu". Khi chúng tôi thắc mắc về số lượng lớn nguồn ĐVHD, Tr. vui vẻ trả lời: "Hàng chuẩn rừng mình giới thiệu với người ta thôi, chứ như thịt heo rừng, ai mà phân biệt được thịt nuôi với thịt tự nhiên đâu. Mình ăn tiền là nhờ thịt nuôi, còn thú quý hiếm lâu lâu bắt được như mèo rừng, culi, cầy, chồn thì bán thêm để tạo niềm tin cho khách".

Tại các hội nhóm chuyên cung cấp ĐVHD này, không thiếu những bài đăng bán động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB như: mèo rừng (khoảng 1,5 triệu đồng/kg), rái cá con (trên 6 triệu đồng/1 cá thể), rắn hổ chúa (từ 2 triệu đồng/kg)... Đối với động vật trong nhóm này đều nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại.

Ngoài các đầu nậu cung cấp ĐVHD với số lượng lớn, còn có các tay buôn thịt hoạt động theo tiêu chí "bán vì cái tâm, chỉ bán đồ săn bắt được, không bán đồ nuôi". Để chứng tỏ tiêu chí trên, chúng tôi đặt vấn đề cần số lượng lớn ĐVHD với Mạnh D., một tay hoạt động sôi nổi trên diễn đàn chuyên giao dịch "hàng thiên nhiên tươi sống". D. liền đáp: "Bên em không giao số lượng lớn, thú này là bẫy về bán, là hàng "chính hãng", không phải hàng nuôi. Nên chỉ có thể giao cho số lượng ít mỗi loại, như rắn hổ hành loại 1, 2, 3, chuột, sóc bông với cả đặc sản bên em, cheo cheo (loài động vật móng guốc nhỏ nhất thế giới; nhóm IIB)".

Nanh cọp, ngà voi giá trên "trời" vẫn đắt khách

"Cheo cheo sống nhiều chỗ bán giá ngất ngưởng cả triệu đồng/kg, nhưng bên em giá rẻ bất ngờ, chỉ 6 trăm nghìn/kg, tất cả sống ngoài tự nhiên, Ngoài ra, nếu anh cần loại gì bên em cũng có, chỉ cần đặt trước. Tuy em không có số lượng, nhưng sẽ bù cho anh về mặt chất lượng".

TẬP LÀM "NGƯỜI RỪNG"

Đang sống trong một xã hội hiện đại với đầy đủ phương tiện tiên tiến, thông tin bổ ích nâng cao tư duy, tri thức nhưng vẫn còn một bộ phận người khao khát tìm về với lối sống "hoang dã”. Các loại thịt bò, heo, gà, cá xếp đầy ở các khu chợ, cửa hàng, siêu thị nhưng thịt ĐVHD, quý hiếm mới là xu hướng lựa chọn của họ. Ngoài thịt, da, nanh, vuốt và các sản phẩm từ thú rừng, động vật nguy cấp cũng là những món hàng "xứng tầm", ưa chuộng của các thượng khách.

"Khách đến quán nhậu thường yêu cầu phải có thú quý hiếm làm món, ăn đổi vị, đãi khách quý. Vì vậy, muốn thu hút nhiều khách và giữ được khách "VIP", chủ quán chỉ cần thêm mấy món nghe tên thật rừng rú, thịt rừng thì cứ thế mà chờ phục vụ”, một chủ quán nhậu Q.Bình Thạnh chia sẻ.

Tìm về những món "đặc sản" rừng không nguồn gốc xuất xứ, không rõ có hay không mầm bệnh chực chờ, thay vì chọn thịt được kiểm định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì thực khách muốn "bám víu" vào niềm tin động vật hoang dã không ăn thức ăn công nghiệp nên thịt ngon hơn, bổ hơn. Niềm tin chọn thịt rừng để ăn như một phương thuốc cổ truyền, thay cho thuốc tây cũng chực chờ nguy cơ lây dịch bệnh từ ĐVHD. Ngoài ra, ăn thịt thú hoang cũng để oai hơn, thể hiện sự giàu có bởi động vật càng hiếm lại càng khó mua và đắt tiền.

Các sản phẩm từ ĐVHD như: nanh hổ, vuốt hổ, da hổ, móng gấu, ngà voi, sừng tê giác, vẩy tê tê... cũng được săn đón, ưa thích không kém thịt của chúng là mấy. Một trong những lý do giải thích cho nhu cầu trên không khó để nhận ra. Trước những thông tin đông y nhảm nhí, thiếu cơ sở từ đám buôn lậu và những kẻ trục lợi từ thân xác ĐVHD bịa đặt, niềm tin về lợi ích sản phẩm từ động vật quý hiếm được thổi phồng, hòng nâng cao giá bán của con vật. Chính lợi nhuận bất chính này đã thúc đẩy chúng bịa thêm đủ thứ chuyện lừa, phỉnh dụ người mua rớt vào cái "bẫy" sâu.

Trong vai người cần "hàng chất lượng cao", chúng tôi được các dân buôn nanh hổ giới thiệu liên hệ với T. "cọp" (TP.Đồng Xoài, Bình Phước), chuyên cung cấp và gia công các loại vàng bạc, nanh móng số lượng lớn. T. "cọp" cho biết nguồn hàng của mình đều là hàng nhập, nhưng nhập từ đâu thì T. không nói. Ngoài cung cấp nanh, vuốt của hổ, gấu thì vòng tay và nhẫn làm từ ngà voi cũng là món hàng mà T. giới thiệu là bán rất chạy.

T. "cọp" còn cung cấp tay gấu nếu khách quý cần

Để khách tin tưởng vào chất lượng, T. "cọp" ra sức quảng cáo: "Chất lượng hàng bên mình đều thuộc hàng tuyển, nhập từ nước ngoài về. Vì chất lượng quá tốt nên anh em thi công làm không kịp để giao cho khách". Theo người này, giá bán sẽ phụ thuộc vào khối lượng và hình dáng, móng hổ từ 5 trăm - 4 triệu đồng tùy loại lớn bé, nanh hổ giao động khoảng 15 triệu đồng một cái, vòng đeo tay làm từ ngà voi giá từ vài triệu đến hơn một chục triệu, kiểu nào cũng có. "Mình bán hàng lấy vốn là chính, chứ lời lộc đâu được bao nhiêu. Ngoài cung cấp hàng trơn, mình còn nhận "lên vàng" (bọc vàng) cho các em ấy nữa, thành phẩm phải nói là tinh xảo, chỉ cần đeo lên người là thấy sự giàu có, quyền lực, làm ăn sẽ tiền vô như nước".

Không biết những "thượng đế” dùng nanh làm trang sức có được nhiều tiền như T. nói hay không, nhưng thực tế đây có thể là những món hàng giả, được "nặn" thật và bán với cái giá thật qua cái miệng dẻo quẹo của dân buôn lậu. Nếu bỏ qua việc mua hàng giả giá thật, các thượng khách mua, nhận quà là nanh, vuốt, sản phẩm động vật quý hiếm còn đối diện với hình thức xử phạt của cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.

"Chợ mạng" với các loại bẫy thú rừng

Qua từng thời kỳ, không ít người tử vong hay phải nhập viện cứu chữa do nhiễm bệnh sau khi giết mổ, ăn thịt ĐVHD, động vật không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định do bị nhiễm các loại chất độc, virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm từ các loại động vật trên. Năm 2010, 23 người ở Gia Lai phải nhập viện do ăn phải con trăn nặng 13kg bị nhiễm giun móc. Năm 2015, 3 bệnh nhân ở tỉnh Đắk Lắk được chẩn đoán viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng sau khi chế biến và ăn thịt kỳ đà.

Vào năm 2016, tại TP.Hà Nội, ông Nguyễn Văn K. được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì cơ thể co giật, người tím tái. Nguyên nhân do sán chui lên não vì sử dụng rượu pha tiết rắn hổ mang. Tháng 5-2018, hai bệnh nhân là Ma Đình Du (34 tuổi) và Ma Doãn Vàng (49 tuổi, cùng ngụ Thái Nguyên) đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn thịt dê chết. Ngày 10-6-2018, tại huyện Đông Hưng (Thái Bình) đã có trường hợp hơn 30 người phải nhập viện điều trị vì ngộ độc thực phẩm sau khi ăn thịt lợn và tiết canh lợn rừng.

Một số báo cáo y học ước tính có khoảng 3.000 loại virus ký sinh trên động vật và chúng ta mới chỉ nghiên cứu và kiểm soát được khoảng 700 loại. Rất nhiều mầm bệnh vẫn ẩn náu đâu đó trong các loài hoang dã và sẵn sàng bùng nổ một khi có đủ điều kiện. Điển hình là sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, với tác nhân là virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) mà theo nhiều nhà nghiên cứu, nó có nguồn gốc từ loài dơi.

Cheo cheo - ĐVHD thuộc nhóm IIB

Quảng cáo bán ĐVHD cũng bị xử phạt nặng

Quảng cáo bán ĐVHD là việc sử dụng các phương tiện nhằm đăng tải, giới thiệu công khai đến công chúng các thông tin về cá thể, bộ phận, sản phẩm của ĐVHD nhằm mục đích bán cá thể, bộ phận hoặc sản phẩm của ĐVHD. Ví dụ: Quảng cáo nanh hổ trên Youtube; quảng cáo bán ngà voi tại các nhà thuốc y học cổ truyền, quảng cáo bán thịt tê tê trong thực đơn...

Hành vi quảng cáo bán động vật hoang dã trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 70 - 100 triệu đồng đối với các loài động vật hoang dã là hàng cấm. Xử phạt 1 - 1,5 triệu đồng đối với các loài động vật hoang dã khác theo quy định tại Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung). Chưa bao gồm hành vi tàng trữ ĐVHD (nếu có).

Còn tiếp...

Kỳ 1:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang