Để đảm bảo việc thiết lập trật tự, kỷ cương về an toàn giao thông, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông, phòng ngừa, hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, Phòng CSGT đường bộ- đường sắt Công an TP.HCM đã liên tục triển khai nhiều ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT…
Những thông báo bất ngờ
Đầu tháng 8-2020, ông L.X.L (ngụ phường Bến Nghé) không khỏi ngạc nhiên khi nhận được thông báo vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ do Phòng CSGT đường bộ - đường sắt gởi đến.
Sau khi đọc kĩ nội dung thì ông L mới hiểu ra vấn đề. Nghĩa là trong quá trình điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường, ngay tại đoạn nhánh rẽ cầu Calmette (hướng từ quận 1 sang quận 2) ông L đã đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển. Dù CSGT không xử lý vi phạm trực tiếp nhưng qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, việc vi phạm ông L đã được ghi nhận lại.
CSGT ghi hình để phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT
Cũng trong khoảng thời gian này, chị Trương Thị H.D (trú Phú Nhuận) cũng đã nhận được thông báo mời lên giải quyết vụ việc vì đã vi phạm đỗ xe ô tô nơi có biển “cấm đỗ xe”… Hay nhiều trường hợp khác cũng đã bất ngờ vì tưởng rằng “việc vi phạm vì chạy quá tốc độ, đậu dừng sai quy định, vượt đèn đỏ…” không bị lực lượng CSGT thổi trực tiếp là yên chuyện nhưng sau đó họ đã nhận được thông báo về việc vi phạm TTATGT. Toàn bộ hình ảnh đã được “mắt thần” lắp đặt tại các giao lộ trên địa bàn thành phố thu lại.
Rõ ràng, việc trang bị hệ thống camera lắp đặt cố định của Phòng CSGT đã giúp cho lực lượng CSGT không chỉ chủ động trong công tác nắm tình hình, xử lý vi phạm mà còn kịp thời ghi nhận được những vấn đề phức tạp về TTATGT như tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, triều cường, ngập nước, phương tiện bị hư hỏng, cây ngã đổ... Nhờ đó, Phòng có thể lên phương án bố trí lực lượng phân luồng, điều hòa giao thông, không để tình hình diễn biến phức tạp hơn.
Lực lượng CSGT đã ứng dụng các phần mềm tin học hiện đại để kết nối, đồng bộ nhằm nâng cao cải cách hành chính, phục vụ người dân
Ngoài ra, Phòng CSGT ĐB-ĐS còn phối hợp với Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TPHCM khai thác hệ thống camera ghi hình đo tốc độ tự động và hình ảnh vi phạm của các phương tiện lưu thông qua khu vực hầm sông Sài Gòn, khu vực cầu Phú Mỹ. Theo đó, các dữ liệu ghi nhận được sẽ truyền về Phòng Điều khiển thuộc Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông của Phòng CSGT ĐB-ĐS để làm cơ sở tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bằng cách làm này, đã có nhiều trường hợp vi phạm TTATGT bị xử lý.
Thêm một điểm đáng ghi nhận là, ngoài hệ thống camera được lắp cố định, Phòng CSGT Công an TPHCM còn bố trí lực lượng triển khai việc ghi hình bằng camera di động. Đây sẽ là bằng chứng không thể chối cãi cho các chủ phương tiện vi phạm TTATGT. Toàn bộ hình ảnh sẽ được ghi nhận thông qua máy camera gắn trên áo của lực lượng CSGT hoặc do cán bộ chiến sĩ trực tiếp cầm máy camera để ghi hình. Điều này đã giúp việc mở rộng hơn về phạm vi ghi nhận các vấn đề liên quan đến TTATGT; từ đó hỗ trợ cho lực lượng CSGT quán xuyến địa bàn được tốt hơn.
Bên cạnh đó, thông qua máy camera di động, lực lượng CSGT ghi nhận lại được những trường hợp chống đối, cản trở người thi hành công vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để làm cơ sở xử lý.
Lực lượng CSGT luôn túc trực tại Phòng Điều khiển thuộc Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông của Phòng để kịp thời xử lý TTATGT
Những trường hợp vi phạm được phát hiện thông qua việc ghi nhận bằng máy camera (bao gồm cả camera cố định và di động), Phòng CSGT ĐB-ĐS sẽ tiến hành in bản ảnh, hoàn tất hồ sơ phiếu báo xác định hành vi vi phạm, gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện vi phạm thông qua Công an phường, xã, thị trấn nơi chủ phương tiện cư trú để yêu cầu chủ phương tiện hoặc đại diện chủ phương tiện hoặc người có hành vi vi phạm và phương tiện vi phạm đến trụ sở CSGT để giải quyết.
Theo số liệu mới nhất, chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng CSGT đã trích xuất được 57.406 trường hợp vi phạm, xử lý được 16.735 trường hợp. Việc xử lý vi phạm qua hình ảnh mang lại hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT đáp ứng được nhu cầu thực tiễn ngày càng văn minh của xã hội. Nhờ đó, ý thức chấp hành LLATGT của người dân được nâng cao và lan tỏa trong cộng đồng.
Mở rộng kết nối
Nắm bắt được hiệu quả trong công tác đảm bảo TTATGT của Kênh VOV giao thông quốc gia, Kênh giao thông đô thị VOH (đang có sức ảnh hưởng trực tiếp trên diện rộng đối với những người điều khiển và được đông đảo các bác tài đón nhận), Phòng CSGT Công an TPHCM đã chủ động phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam, Đài tiếng nói nhân dân TPHCM trong việc trao đổi cũng như tiếp nhận thông tin xử lý cho tài xế lái xe biết để chọn hướng đi khác phù hợp, tránh vào khu vực đang xảy ra ùn tắc.
Những thông tin được trao đổi trên đài đều được lực lượng theo dõi sát sao. Ngay khi nắm bắt được những vị trí đang ùn tắc trên địa bàn, hoặc xảy ra TNGT, lực lượng CSGT sẽ nhanh chóng có mặt tại hiện trường để giải quyết. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ này, tình hình TTATGT trên địa bàn thành phố được đảm bảo hơn, các tài xế yên tâm điều khiển phương tiện.
Anh Trần Dương Xuân (ngụ quận 12) bày tỏ: “Như một thói quen, mỗi lần ngồi sau vô lăng, tôi đều bật kênh VOH để theo dõi tình hình giao thông. Những thông tin hữu ích được chia sẻ rộng rãi không chỉ giúp tài xế lựa chọn hướng đi đúng mà còn mang lại những giây phút thư giãn trên suốt hành trình”.
Lực lượng CSGT đã ứng dụng phần mềm tin học để nâng cao cải cách hành chính, phục vụ người dân
Phòng CSGT cũng mạnh dạn đưa vào vận hành Trang Thông tin điện tử Cảnh sát giao thông TP.HCM thuộc Cổng Thông tin điện tử Công an TP.HCM. Trang này góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về lĩnh vực giao thông và cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin phương tiện vi phạm hành chính qua hình ảnh cho phép tải các biểu mẫu, văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, xử lý vi phạm hành chính đến người dân một cách nhanh chóng, chính xác và đầy đủ. Người dân có thể thoải mái truy cập và đỡ mất thời gian khi phải chạy tới chạy lui để nhờ tư vấn về các loại giấy tờ thủ tục.
Chia sẻ về điều này, anh Vũ Hoài Nguyên (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “Trang thông tin điện tử CSGT TP.HCM đã giúp người dân có thêm kênh thông tin để chủ động trong việc tìm hiểu các loại hồ sơ, thủ tục. Chỉ cần 1 cái nhấp chuột là mọi thắc mắc sẽ được giải đáp, rút ngắn thời gian và công sức cho cả hai phía nên rất hữu ích và đáng hoan nghênh”.
Chưa dừng lại ở đó, Phòng CSGT còn thành lập các nhóm trao đổi qua hệ thống phần mềm trên điện thoại di động (Viber) gồm các thành viên là lực lượng CATP (trong đó Ban Chỉ huy Phòng, Đội trưởng, Trạm trưởng các đơn vị trực thuộc Phòng là thành viên) và các sở, ngành, khu quản lý giao thông đô thị để trao đổi thông tin về các tình hình liên quan đến TTATGT cũng như các bất cập về tổ chức giao thông để các đơn vị cập nhật tình hình, hỗ trợ trong công tác phối hợp, khắc phục kịp thời các bất cập về tổ chức giao thông. Tính đến thời điểm này, đã có 6 nhóm Viber hoạt động trên toàn thành phố đã góp phần không nhỏ cho việc đảm bảo TTATGT trên địa bàn
Lực lượng CSGT trực tại Phòng Điều khiển thuộc Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông để điều phối lực lượng qua các thiết bi công nghệ hiện đại
Chỉ cho chúng tôi xem các ứng dụng các phần mềm tin học do chính CBCS của Phòng nghiên cứu, lập trình và thực hiện như: Phần mềm “Trích xuất và lập hồ sơ vi phạm qua hình ảnh”, phần mềm “Xử lý vi phạm hành chính”, phần mềm “Quản lý dữ liệu thanh lý phương tiện cơ giới đường bộ”, phần mềm “Quản lý hồ sơ điều tra cơ bản”, phần mềm “Quản lý dữ liệu tai nạn giao thông đường bộ”, phần mềm “Quản lý tuyến đường”…, một cán bộ CSGT cho biết đây chính là hệ thống cơ sở dữ liệu, giúp cho các tổ công tác tuần tra kiểm soát tra cứu, lấy thông tin khi phối hợp xử lý vụ việc; hoặc quản lý, theo dõi đặc điểm địa bàn quản lý của từng đơn vị đảm trách…Các phần mềm này đã mang lại hiệu quả cao trong công tác cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân.
Thượng tá Huỳnh Trung Phong- Trưởng Phòng CSGT Công an TP.HCM: Trong những năm gần đây, thực trạng trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ còn diễn biến phức tạp. Đứng trước những thách thức không nhỏ đó, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các ngành, Ban Giám đốc CATP, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM đã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác cảnh sát giao thông chủ động và quyết liệt từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác cảnh sát giao thông nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.
Để phù hợp xu hướng phát triển của thế giới, bên cạnh tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chuyên môn về lĩnh vực công nghệ thông tin, Phòng CSGT sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện các ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác, đặc biệt là đề xuất trang cấp các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến để phục vụ công tác với mục tiêu cao nhất, góp phần bảo đảm TTATGT trên địa bàn thành phố.
(Còn tiếp...)
(CATP) Không phải là một mô hình công nghệ mới lạ, nhưng nhiều năm qua, “mắt thần” vẫn có mặt ở mọi ngóc ngách để giúp người dân quan sát mọi biến động bất thường. Có một thực tế không thể phủ nhận, nhờ sự quan sát 24/24 của “mắt thần”, tình hình tội phạm trên địa bàn TPHCM đã được kéo giảm đáng kể, người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh công cộng…
(CATP) Trước các thủ đoạn hoạt động ngày càng chuyên nghiệp của tội phạm, lực lượng Công an TPHCM lại càng cố gắng gấp bội phần để khám phá nhanh các vụ án, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân. Từ việc đưa những ứng dụng công nghệ vào công cuộc bảo vệ tình hình trật tự trị an trên địa bàn, Công an TPHCM đã nhận được sự đồng lòng tuyệt đối từ phía người dân, tạo nên một thế trận cực kỳ vững chắc trong trận chiến thời
công nghệ 4.0…