CÁN BỘ CÂU KẾT VỚI "CÒ"
Theo phản ánh của đồng bào dân tộc, sở dĩ họ gom giấy chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu (HK) đưa cho các đối tượng để trục lợi chính sách đối với đồng bào dân tộc có sự tiếp tay của cán bộ địa phương.
Chị Thạch Thị S. (ngụ xã Đại An, huyện Trà Cú) nhớ lại: "Ban đầu, ông Diệp Quốc Nghĩa đến nhà tui mượn CMND, HK, tui không đồng ý nên quay về. Giấy tờ của mình đưa cho người khác không biết lý do, họ làm gì trái pháp luật sao được".
Cũng theo lời chị S., sau đó ông Thạch Ngọc Thài, công chức địa chính - xây dựng UBND xã Đại An tìm đến tận nhà để động viên. Lần này ông Thài viện lý do: "Xã mượn giấy tờ của người dân để thống kê lại số dân ở địa phương để xem xét giải quyết chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số".
Nghe những lời ông Thài nói, chị S. cùng 10 hộ dân xã Đại An không nghi ngờ liền kiếm giấy tờ đưa cho cán bộ để chờ giải quyết chế độ chính sách. Ông Thài đưa toàn bộ giấy tờ trên cho ông Nghĩa để làm hợp đồng chuyển nhượng, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất đứng tên các hộ dân trên để được miễn giảm tiền thuế.
Do không có đất sản xuất, một số hộ dân là đồng bào dân tộc huyện Trà Cú phải đi làm thuê
Trước những khoản lợi hàng trăm triệu đồng từ tiền trốn thuế, nhiều cán bộ H.Trà Cú không bỏ qua cơ hội. Bà Ngô Thị Thu Hoa (hiện là nhân viên Chi nhánh văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất H.Trà Cú) đồng ý cùng với ông Tạ Hữu Sang mượn giấy tờ của anh Lâm Thành Đông (SN 1978, ngụ xã Kim Sơn) hợp thức hóa chuyển mục đích quyền sử dụng đất khỏi phải nộp thuế gần 150 triệu đồng.
Ông Kim Hồng Hải (công chức địa chính UBND xã Tân Hiệp) cùng với "cò đất" là ông Huỳnh Thanh Tuấn mượn CMND, HK của các hộ Trương Thị Sa Huyên, Kim Thị Lài, Thạch Thị Hồng Mai và Thạch Thi để hợp thức khu đất gian lận chính sách thuế gần 300 triệu đồng.
Ông Cô Nhật Trường (hiện là nhân viên Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Trà Vinh), lúc nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất H.Trà Cú cũng không quên lợi dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc. Ông Trường cùng với chủ đất mượn CMND, HK của họ chuyển mục đích sử dụng đất để được miễn giảm số tiền sử dụng hơn 100 triệu đồng.
Từ các cán bộ huyện như ông Nguyễn Văn Nam, điều dưỡng Trung tâm Y tế, ông Kim Rune - Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường đến các cán bộ xã như ông Nguyễn Trúc Linh, bà Nguyễn Thị Thu Oanh cùng công chức Văn phòng thống kê UBND xã, Hứa Minh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hữu và ông Trần Văn Tùng - Bí thư Chi bộ ấp Chợ... mỗi người trục lợi từ 80 triệu đồng đến 400 triệu đồng gian lận chế độ chính sách đối với đồng bào dân tộc.
GIÁO VIÊN CŨNG "NHÚNG CHÀM"
Theo hồ sơ chúng tôi có được, ngoài các cán bộ huyện, xã lợi dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc để gian lận nghĩa vụ thuế, các giáo viên cũng phạm phải sai lầm trên.
Là hiệu trưởng Trường THCS Hàm Giang, ông Ngô Mene (SN 1960) quen biết với ông Thạch Ngọc Thài nên tìm đến nhà 2 hộ Thạch Thị Quốc và Lâm Thị Hoa (cùng ngụ xã Đại An) mượn 2 CMND, 2 HK để hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trốn thuế gần 200 triệu đồng. Ông Trầm Minh Phương (giáo viên Trường THPT Đại An) lợi dụng một hồ sơ đồng bào dân tộc thiểu số miễn giảm tiền sử dụng đất với số tiền gần 200 triệu đồng. Bà Lê Thị Hồng Loan (giáo viên Trường THCS Đại An) thực hiện trót lọt 1 hồ sơ trốn nghĩa vụ thuế gần 50 triệu đồng.
Các giáo viên trên đều thừa nhận đã sai khi lợi dụng chính sách. Do điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền chuyển mục đích sử dụng đất nên nhờ "cò” hợp thức hóa tiền sử dụng đất với cách thức trên. Tuy nhiên, qua hồ sơ chuyển nhượng, không ít giáo viên cố tình trục lợi từ chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc.
Thu hoạch lúa ở huyện Trà Cú
Bà Nguyễn Thị Hồng (giáo viên Trường Mầm non thị trấn Trà Cú) hợp thức 2 hồ sơ gây thất thoát của Nhà nước gần 400 triệu đồng... Một số người sau khi hoàn tất thủ tục, đồng bào dân tộc tặng lại giấy tờ đất đã sang tên, xong có dấu hiệu sang bán cho người khác nhằm trục lợi.
Thực tế, những sai phạm trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hành vi Vi phạm về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Khoản 2 Điều 219 Bộ luật sự năm 2015 bởi có dấu hiệu có tổ chức, gây thất thoát ngân sách với số tiền lớn. Nhưng trả lời với chúng tôi, một cán bộ ở Trà Vinh cho rằng sai phạm trên chủ yếu do điều kiện chủ quan, nhận thức cán bộ cơ sở còn yếu nên dẫn đến sai sót gây bức xúc dư luận.
"Khi nhận được thông tin, chúng tôi đã kiểm tra. Các cán bộ, đối tượng có liên quan đã hối hận, biết nhận lỗi và hứa khắc phục hậu quả nên quan điểm chỉ xử lý hành chính để rút kinh nghiệm. Sai phạm này không có dấu hiệu trục lợi hoặc cố tình vi phạm", một cán bộ tỉnh Trà Vinh giải thích.
Tuy nhiên, lý giải trên không hợp lý. Nếu không có "lại quả” đằng sau những hồ sơ chuyển nhượng được chứng thực cách vô lý thì liệu được xem xét giải quyết? Do xử lý nhẹ nhàng, cán bộ còn lập hồ sơ cấp đất thiếu trình tự pháp luật.
Tại Điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí:
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(Còn tiếp...)
(CATP) Vừa qua, dư luận hết sức bất bình bởi một số cán bộ ở Trà Vinh cấu kết với "cò đất" mượn, thuê giấy chứng nhận gia đình chính sách để miễn, giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất gây thất thoát ngân sách hàng trăm tỷ đồng.