Trà Vinh: Ai trục lợi tiền hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số? (kỳ 1)

Thứ Ba, 25/08/2020 09:33  | Thiện Thảo

|

(CATP) Vừa qua, dư luận hết sức bất bình bởi một số cán bộ ở Trà Vinh cấu kết với "cò đất" mượn, thuê giấy chứng nhận gia đình chính sách để miễn, giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất gây thất thoát ngân sách hàng trăm tỷ đồng.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến năm 2019, hàng trăm hộ dân đồng bào dân tộc Khơmer ở H.Trà Cú chuyển nhượng, mua đất với số tiền hàng chục tỷ đồng. Họ được chính quyền địa phương hỗ trợ từ chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

GOM GIẤY TỜ TÙY THÂN CỦA NGƯỜI DÂN

"Tụi tui có biết gì đâu chú ơi. Mấy năm trước, có người đến nhà hỏi mượn hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND)... để xem xét hỗ trợ từ thiện. Nghe vậy, tui cũng như bao người khác lấy đưa cho họ. Ít hôm sau, họ trả lại. Còn việc tài trợ tui chẳng thấy...", một hộ dân người dân tộc Khơmer (H.Trà Cú, Trà Vinh) kể lại. Thế nhưng họ đâu biết rằng họ tên và địa chỉ của họ được viết trong hợp đồng chuyển nhượng đất để được miễn, giảm tiền sử dụng đất với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Chính sách nhân đạo của Nhà nước

Tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định về việc miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với hộ dân ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với đất do chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở do tách hộ đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Ngoài ra, giảm 50% tiền sử dụng đất trong hạn mức đất ở đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các địa bàn không thuộc phạm vi quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP.

Chúng tôi tìm đến xã Thanh Sơn (H.Trà Cú, Trà Vinh) là địa phương mà đồng bào dân tộc chuyển nhượng đất nhiều nhất. Có năm, số tiền Nhà nước giảm thuế cho bà con trong việc chuyển mục đích sử dụng đất lên đến hàng tỷ đồng. Trái với bản báo cáo thuế, đời sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn. Bà Kim Sol (SN 1944) thú thật, cả đời bà chưa cầm được 5 triệu đồng thì làm gì có hàng trăm triệu đồng để mua đất.

Ngồi trong căn nhà trống trước dột sau, bà Sol cho biết mấy năm trước, một thanh niên tìm đến nhà tự xưng là cán bộ xã hỏi mượn CMND, hộ khẩu (HK). Bà Sol hỏi để làm gì thì người này giải thích, mượn để làm thủ tục hỗ trợ bà con dân tộc nghèo. Nghe cách trả lời trên, bà Sol ưng bụng liền đưa cho anh ta giấy tờ mà không cần bất cứ biên nhận nào. Cùng ngày, bà Sol đi dọc quanh xóm thì biết nhiều người dân ở đây cũng được "cán bộ" tìm đến nhà mượn giấy tờ tùy thân.

Tương tự, bà Thạch Thị Đẹt (SN 1962) đang làm cỏ ngoài đồng nghe đứa con chạy ra ruộng thông báo: "Cán bộ đến nhà để làm thủ tục hỗ trợ". Mừng quýnh, bà Đẹt vội bỏ công việc dang dở về nhà tiếp cán bộ. Trò chuyện vài câu, bà Đẹt mới hay họ tìm đến nhà mượn CMND, HK... Chỉ trong buổi sáng, vị "cán bộ" này đã tìm đến 22 hộ dân là đồng bào dân tộc Khơmer mượn CMND, HK.

Đồng bào dân tộc thu hoạch mía

Hầu hết các hộ dân đều khẳng định, bản thân họ không có tiền chuyển nhượng đất và chưa một lần đến UBND xã để chứng thực hồ sơ sử dụng đất. Anh Kim Tha (SN 1964) thừa nhận, cả gia đình anh chật vật với miếng ăn. Để có cơm ngày hai bữa, mỗi thành viên trong gia đình phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi. "Tụi tui làm gì có tiền mua đất, chuyển nhượng đất. Cơm không đủ ăn, tiền đâu mua đất”.

Cùng hoàn cảnh 22 hộ dân trên, 10 hộ dân kế cận như: Lý Thị Sa Rươne, Tăng Văn Phụng, Thạch Thị Huyền, Kim Sơn Nót, Tăng Thị Nay, Thạch Văn Sene, Kim Vàng, Tăng Văn Suône, Kim Thị Som Nàng và Sơn Thị Dene cũng được "cán bộ" tìm đến nhà mượn CMND, HK.

Qua điều tra của chúng tôi, tình trạng mượn CMND, HK đồng bào dân tộc khá phổ biết ở huyện Trà Cú. Ông Diệp Quốc Nghĩa (SN 1967, ngụ xã Đại An, H.Trà Cú) là nhân vật khá nổi tiếng với đồng bào dân tộc. Sau khi mượn CMND, HK của 4 hộ dân ở xã Thanh Sơn, gồm: Thạch Thị Sao, Thạch Lẹ, Kim Thị Khương và Kim Thị Nam, ông Nghĩa sang xã Đại An mượn 10 sổ HK cùng CMND của 10 hộ dân.

Trả lời câu hỏi vì sao đưa HK, giấy CMND cho ông Nghĩa, hầu hết các hộ dân khẳng định: "Ông Nghĩa uy tín với địa phương nên không đắn đo đưa hết giấy tờ cho ông ấy". Bà con đâu biết rằng giấy tờ trên được hợp thức hóa cho hành vi trục lợi ngân sách.

TRỐN TRÁNH NỘP THUẾ

Gom HK, CMND của người dân, các đối tượng trên cấu kết với cán bộ xã thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đất. Theo quy định, việc chứng thực tại UBND xã, thị trấn phải được thực hiện đúng quy định, nhưng nhiều hồ sơ được cán bộ xem qua loa, người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng không trực tiếp ký tên trước mặt người ký chứng thực.

Mặt khác, cán bộ xã thi hành công vụ thiếu kiểm tra, xác minh để các đối tượng lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số để được chuyển mục đích sử dụng đất, miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng theo quy định của pháp luật.

Trẻ em ở H.Trà Cú (Trà Vinh) còn khó khăn, kể cả nhu cầu sử dụng nước ngọt

Để miễn giảm tiền sử dụng đất và chuyển mục đích quyền sử dụng đất với số tiền gần 4 tỷ đồng, Nguyễn Văn Phú (SN 1970) thu gom 22 sổ HK, CNMD của người dân xã Thanh Sơn để hợp thức hóa tiền gian lận thuế. Nhờ quen biết với cán bộ xã, hồ sơ đất của Phú chuyển nhượng đất cho đồng bào dân tộc được cán bộ xã tận tình giúp sức. Sau đó, người nhận chuyển nhượng xin chuyển mục đích sử dụng đất. Nhờ hồ sơ là đồng bào dân tộc nên được miễn giảm tiền sử dụng đất. Hồ sơ hoàn thiện, người dân làm thủ tục tặng lại mảnh đất trên cho Phú.

Thấy Nguyễn Văn Phú thực hiện phi vụ trót lọt khỏi nộp thuế gần 4 tỷ đồng, Võ Thanh Hải (SN 1971) tiếp tục gom 10 hộ dân 10 sổ HK cùng CMND để Hải chuyển nhượng cho họ mảnh đất của mình. Vụ này Hải thu lợi gần 2 tỷ đồng do không thực hiện nghĩa vụ thuế.

Thấy rút tiền tỷ dễ như trở bàn tay, Hải hướng dẫn cho em trai là Võ Thành Nhân (SN 1974) mượn của 3 hộ dân đồng bào dân tộc HK, CMND ở xã Thanh Sơn để hợp thức hồ sơ sử dụng đất trốn nghĩa vụ thuế gần 500 triệu đồng.

Theo người dân địa phương, một thời gian, đồng bào dân tộc thiểu số H.Trà Cú không có giấy tờ tùy thân. Một mặt cho "cán bộ" mượn để làm thủ tục hỗ trợ chính sách, mặt khác không ít đối tượng tìm đến thuê, mướn HK, CMND để hợp thức hành vi gian lận thuế. Vì vậy, vô tình người dân tiếp sức cho các đối tượng trên.

Ông Diệp Quốc Nghĩa mượn HK, CMND của 4 hộ dân trên địa bàn xã Thanh Sơn để hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất gần 1,2 tỷ đồng. Sau đó, ông này tiếp tục tìm đồng bào dân tộc thiểu số để gian lận chính sách thuế.

Nhờ quen biết với chính quyền địa phương, không bao lâu Nghĩa đã có trong tay 10 HK và CMND của đồng bào dân tộc thiểu số địa bàn xã Đại An. Lần này, ông Nghĩa được hợp thức hóa thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất khỏi thực hiện nghĩa vụ thuế lên đến hơn 1,5 tỷ đồng.

Đồng bào dân tộc huyện Trà Cú trồng hoa màu

Tại địa bàn xã Đại An, bà Trầm Thị Hồng Hoa (SN 1964) cũng được xem là đại gia bất động sản. Bà Hoa mượn HK, CMND của 5 hộ dân đồng bào dân tộc để trốn nghĩa vụ thuế với số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Bạn thân của Hoa là Tăng Thị Mỹ Hạnh (SN 1973) gom HK, CMND của 3 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số để khỏi nộp thuế với số tiền gần 800 triệu đồng.

Lần theo hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất ở H.Trà Cú, ngoài những đại gia về đất đai như Diệp Quốc Nghĩa, Nguyễn Văn Phú, Võ Thanh Hải, Trầm Thị Hồng Hoa..., nhiều cán bộ cũng chớp lấy cơ hội để làm giàu bất chính.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang