Trắng đêm ở Tổng đài 114

Thứ Năm, 13/08/2020 14:10

|

(CATP) 1.608 cuộc gọi là con số mà cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tại Trung tâm thông tin chỉ huy – Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TPHCM (Phòng PC07) tiếp nhận trong một ngày.

Dù thường xuyên gặp áp lực, căng thẳng, nhưng CBCS trực Tổng đài 114 vẫn luôn giữ tinh thần sẵn sàng tiếp nhận tất cả cuộc gọi đến để kịp thời xử lý nhanh các tình huống cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân.

“ALO, 114 XIN NGHE!”

Khi vừa bước chân vào cánh cửa của Trung tâm thông tin chỉ huy – Phòng PC07, chúng tôi bị choáng ngợp bởi tiếng chuông điện thoại reo liên tục. “Vào giờ cao điểm, trong một phút có thể phải xử lý cả chục cuộc gọi đến cũng là điều bình thường”, Đại uý Vũ Hàn Phong – cán bộ Đội tham mưu, Phòng PC07 nói.

Mặc dù phải tiếp nhận các cuộc gọi liên tục, thế nhưng nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, chuyên nghiệp của CBCS đã mang lại hiệu quả công việc cao. Cụ thể, khi một đồng chí tiếp nhận cuộc gọi báo cháy thì cán bộ ở bàn làm việc kế bên sẽ lập tức gọi đến lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH tại địa bàn phụ trách để nhanh chóng triển khai người và phương tiện đến hiện trường ứng cứu.

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, chuyên nghiệp của CBCS đã mang lại hiệu quả cao trong công tác tiếp nhận và xử lý thông tin tại Tổng đài 114.

Từ chiều 6-8, mưa bắt đầu đổ xuống trên khắp các quận, huyện trên địa bàn TP. Cơn mưa kéo dài đến tận giữa đêm mới có dấu hiệu dừng lại. Đây cũng là trận mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp gió mùa Tây Nam.

Chính vì vậy, từ sau 19 giờ đêm, Tổng đài 114 liên tục nhận được rất nhiều cuộc gọi đến để hỗ trợ về các sự cố cháy, nổ liên quan đến chập điện và ngập nước. Khi cuộc gọi này chưa kịp kết thúc thì chuông điện thoại khác lại vang lên để báo về sự cố cháy, nổ, ngập nước trên khắp các địa bàn quận, huyện.

Theo nhẩm tính của chúng tôi, trong khoảng thời gian từ 19 giờ đến 22 giờ đêm, Tổng đài 114 nhận được gần 500 cuộc gọi đến. Trong đó, chủ yếu là các vụ cháy liên quan đến chập điện, nổ bình điện.

Điển hình, 02 chập điện dẫn đến cháy nhà dân trên đường Lãnh Binh Thăng (P.12, Q.11) và đường Nguyễn Hữu Cảnh (P.22, Q.Bình Thạnh) phải cần sự hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đến hiện trường để giải quyết. Và hàng trăm cuộc gọi sự cố cháy, nổ về điện khác được lực lượng chuyển đến điện lực nhờ hỗ trợ ngắt kết nối điện để khắc phục sự cố, đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân.

Đại uý Vũ Hàn Phong – cán bộ Đội tham mưu, Phòng PC07 tiếp nhận thông tin của người dân qua Tổng đài 114.

Khi giờ cao điểm vừa đi qua, đến giữa khuya, các cuộc gọi đến tổng đài bắt đầu thưa dần. Lúc này, những căng thẳng trên khuôn mặt từng CBCS mới bắt đầu được giải toả.

Vừa uống vội ngụm nước, Đại uý Phong chia sẻ: “Mùa nắng nóng thì các cuộc gọi đến chủ yếu báo cháy cỏ, kho hoang, bãi phế liệu… mùa mưa thì người dân gọi hỗ trợ chập điện, hút nước tầng hầm toà nhà, chung cư do ngập”. Cũng chính vì lẽ đó, tiếng chuông tại tổng đài 114 chẳng bao giờ được “giải lao” quá 10 phút.

HÀNG NGÀN CUỘC GỌI… "PHÁ MÁY" MỖI NGÀY

Trên thực tế, việc gọi điện thoại đến Tổng đài 114 để báo cháy giả hoặc phá máy là hành vi mang tính phá hoại. Hành động này không chỉ khiến hao tổn nguồn lực kinh tế của nhà nước để điều động người, phương tiện chữa cháy đến hiện trường mà còn ảnh hưởng rất lớn đến những khu vực đang xảy ra sự cố cháy, nổ thật. Bên cạnh đó, nếu các cuộc gọi quấy rối quá nhiều cùng một lúc sẽ khiến những người gọi đến để báo cháy và cứu nạn thật không thể kết nối với Tổng đài 114.

Theo thống kê của Phòng PC07, trong 24 giờ (từ 7 giờ sáng 6-8 đến 7 giờ sáng 7-8), Tổng đài 114 tiếp nhận 1.608 cuộc gọi đến. Trong đó, chỉ có 125 cuộc gọi báo cháy và cứu nạn cứu hộ thật. Còn lại, có 01 cuộc gọi hỏi các vấn đề liên đến lĩnh vực PCCC, 07 cuộc gọi nhờ chuyển đến tổng đài 115, 113, còn lại là các cuộc gọi phá máy hoặc im lặng, tắt máy.

Theo ghi nhận của chúng tôi, vào đầu buổi tối, Tổng đài 114 nhận được rất nhiều cuộc gọi phá máy. Đây là những cuộc gọi báo cháy giả, nhá máy, nhầm hoặc gọi điện để chọc phá. Bên cạnh những cuộc gọi nhá máy, thử máy thì có nhiều cuộc gọi đến chỉ nghe giọng bi bô của trẻ con… tập đánh vần chữ cái?.

“Có lần, một phụ huynh còn gọi 114 để doạ con vì đứa bé không chịu ăn cơm. Hoặc học sinh lấy điện thoại bố mẹ để gọi chọc phá. Đến khuya thì có những người nhậu say còn gọi đến để tâm sự vì thất tình hay buồn chán. Có người gọi đến để chửi vì gặp phải các vấn đề trái ý muốn trong cuộc sống. Lúc đầu nghe những cuộc gọi nháy máy, phá máy còn khó chịu, nhưng làm riết rồi cũng quen”, Thượng uý Vũ Đình Phương – cán bộ Đội tham mưu, Phòng PC07 cho biết.

Thượng uý Vũ Đình Phương – cán bộ Đội tham mưu, Phòng PC07 tiếp nhận thông tin cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn qua đường dây nóng 114.

Mặc dù liên tục tiếp nhận các cuộc gọi nháy máy, nhưng CBCS trực ban không thể bỏ qua bất cứ cuộc gọi nào. Bởi lẽ, nếu bỏ sót một cuộc gọi báo cháy hoặc cứu nạn cứu hộ thật thì hậu quả sẽ rất khó lường. Cụ thể, giữa khuya có một cuộc gọi đến nhưng chỉ nghe tiếng ồn ào, không rõ âm thanh rồi tắt máy.

Nhận định có chuyện chẳng lành, Đại uý Phong nhấn số gọi lại thì biết đây là nạn nhân vừa xảy ra tai nạn trên đường Nguyễn Văn Linh (P.Tân Hưng, Q.7). Hiện tại, phương tiện giao thông đè lên chân người bị nạn nên người dân xung quanh cũng không thể tự xử lý được. Ngay sau đó, Đại uý Phong chuyển thông tin về Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Q.7 để nhanh chóng đưa phương tiện đến ứng cứu người bị nạn.

Đến hơn 2 giờ sáng ngày 7-8, chuông điện thoại lại vang lên liên tục từ người dân để báo về một vụ cháy xe BMW trên Quốc lộ 13 (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức). Ngay trong đêm, lực lượng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Q.Thủ Đức được điều động đến hiện trường xử lý dập lửa. Sau thời điểm này, khi mưa đã bắt đầu tạnh, tổng đài 114 lại tiếp tục nhận rất nhiều tin báo của người dân hỗ trợ việc tháo, rút nước tại các tầng hầm, toà nhà trên địa bàn TP.

Tại Trung tâm thông tin chỉ huy Phòng 114, luôn có CBCS trực 24/7 để kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin của người dân.

Tại trung tâm thông tin chỉ huy Phòng 114, CBCS phải liên tục ghi nhận các địa điểm báo ngập nước thì bên ngoài, hàng trăm CBCS Cảnh sát PCCC&CNCH được huy động đến hiện trường để ứng cứu, giải quyết sự cố giúp người dân.

Khi ngày mới bắt đầu, đợi CBCS bàn giao lại ca trực, chúng tôi cùng bước ra ngoài cánh cửa Trung tâm thông tin chỉ huy thì thấy nắng đã chiếu trên các toà nhà cao tầng. Lúc này, mỗi người mới có thể thở phào nhẹ nhõm, thả lỏng cơ thể sau một đêm thức trắng tiếp nhận, xử lý các cuộc điện thoại của bà con.

Cần tăng mức phạt cuộc gọi phá máy, báo cháy giả

Hiện tại, tại điểm a và b, khoản 3, Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm về thông tin báo cháy. Theo đó, phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi báo cháy giả hoặc cản trở việc thông tin báo cháy. Riêng với tổ chức sẽ có mức phạt từ 4-10 triệu đồng với hành vi này. Đối với người nước ngoài, tuỳ theo mức vi phạm, có thể áp dụng mức hình phạt trục xuất khỏi nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang