Trên tuyến đầu trong trận chiến chống Covid-19:

Kỳ 1: Lực lượng Công an - lá chắn thép bảo vệ sức khỏe nhân dân

Chủ Nhật, 09/08/2020 21:35

|

(CATP) Cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với nhiều thách thức. Cùng với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thì những đóng góp, chung sức của các tầng lớp nhân dân, nhiều ngành nghề trong xã hội được xem là thế trận tổng lực giúp đẩy lùi dịch bệnh bên cạnh sự nhiệt huyết, xông pha của các nhân viên y tế, đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Vì lẽ đó, người dân cả nước hoàn toàn có thể kỳ vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chiến thắng được dịch bệnh nguy hiểm này.

Trong thư động viên của đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an (CA) - gửi đến lực lượng CA đã khẳng định: “Mỗi cán bộ chiến sĩ CA là một chiến sĩ tiên phong tuyến đầu tham gia phòng chống dịch; mỗi đơn vị, tổ chức trong CA là pháo đài vững chắc, không có dịch Covid-19”. Sự vào cuộc của các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đã góp phần rất lớn phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân và an ninh trật tự của đất nước, khi cả thế giới khủng hoảng, lao đao vì đại dịch.

Khi chiến sĩ Công an khoác trên mình màu áo blouse trắng

Sáng 7-8, các bác sĩ (BS) trong ê-kíp phòng chống dịch Covid-19 của Bệnh viện (BV) Công an TPHCM (CATP) tiếp tục được Ban giám đốc BV phân công lấy mẫu xét nghiệm lần 2 đối với số CBCS vừa trở về từ Đà Nẵng. Quá trình lấy mẫu lần 1 do các BS của Bệnh viện CATP thực hiện đều cho kết quả âm tính. Tuy vậy, tin vui này không cho phép các thành viên ê-kíp lơ là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quan trọng.

Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó giám đốc CATP - cùng Thượng tá Tô Quốc Hùng kiểm tra máy đo thân nhiệt tự động đặt tại Bệnh viện CATP - Ảnh ĐỨC NAM

Bên trong căn phòng chuyên dụng tại BV, các thành viên ê-kíp đang chuẩn bị dụng cụ cần thiết để lấy mẫu xét nghiệm. Những bộ trang phục bảo hộ, mắt kiếng, nón và khẩu trang nhanh chóng được 2 nhân viên y tế trẻ khoác vào. Các khâu chuẩn bị đã xong, tổ công tác lấy mẫu xét nghiệm gồm 1 BS trưởng khoa và 3 BS đảm trách nhiệm vụ lấy mẫu nhanh chóng lên đường.

Cùng theo chân đoàn công tác đặc biệt này, phóng viên Báo CATP được các BS hướng dẫn tỉ mỉ đồng thời trang bị các phương tiện chuyên dụng. Tại địa điểm lấy mẫu, thao tác thực hiện được các BS trong ê - kíp thực hiện nhanh chóng, dứt khoát. Chẳng ai nói với ai câu nào, tất cả đều giao tiếp bằng ánh mắt, cử chỉ. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, công tác thu thập mẫu xét nghiệm đã hoàn tất. Toàn bộ số mẫu dịch được nhanh chóng chuyển về trung tâm xét nghiệm.

Các bác sĩ đang chuẩn bị quần áo bảo hộ trước khi làm nhiệm vụ - Ảnh ĐỨC NAM

Để các thao tác thực tế được thực hiện nhanh chóng, chuẩn xác như buổi lấy mẫu trong ngày 7-8, các CBCS của BV CATP đã phải trải qua rất nhiều buổi thực hành, thực tập do Ban giám đốc BV lên kế hoạch. Với nhiệm vụ đặc thù, mỗi cán bộ đang công tác tại BV vừa là thầy thuốc nhưng cũng là một chiến sĩ, khoác trên mình bộ cảnh phục.

Ngay từ lúc dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, tập thể Ban giám đốc BV CATP đã nhanh chóng xây dựng nhiều kế hoạch đảm bảo phòng chống dịch cũng như theo dõi sát sao tình hình sức khỏe cho CBCS đang làm nhiệm vụ chống dịch.

Thượng úy, bác sĩ Phạm Văn Thưởng kiểm tra dụng cụ trước khi lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh ĐỨC NAM

Thượng tá Tô Quốc Hùng - Giám đốc BV CATP - cho biết, những ngày vừa qua, trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác phòng chống của các y BS vì thế cũng được đẩy mạnh một cách gấp rút. Các kế hoạch theo dõi, cách ly cũng như tổ chức lấy mẫu dịch để xét nghiệm trường hợp nghi nhiễm đều được nhanh chóng thực hiện.

Bắt đầu từ ngày dịch bệnh bùng phát lần 2, thượng úy BS Phạm Văn Thưởng - BV CATP - cũng hạn chế về nhà. Được Ban giám đốc BV phân công trong tổ phòng chống dịch của BV, BS Thưởng ý thức được nhiệm vụ và tính chất quan trọng mà công việc mình đang đảm nhận. “Mình đã tâm sự với gia đình hiểu về tính chất công việc nên nhận được sự động viên rất lớn” - BS Thưởng tâm sự.

Ê-kíp xét nghiệm của Bệnh viện CATP lấy mẫu phẩm của bệnh nhân - Ảnh ĐỨC NAM

Cùng được phân công như BS Thưởng, chuyên viên xét nghiệm - Thượng úy Lê Hồng Ngọc và Thượng úy - y sĩ Lê Văn Cường cũng đều nằm trong tổ phản ứng nhanh của BV. Những ngày bám trụ tại đơn vị, cả hai đều không tỏ ra lo lắng, chạnh lòng mà cảm thấy lạc quan và tự hào vì bản thân được đứng trong hàng ngũ những y BS đương đầu với dịch bệnh nguy hiểm

“Thực sự nếu không có lòng yêu nghề, dám đương đầu với dịch bệnh nguy hiểm luôn rình rập bất cứ lúc nào thì có lẽ sẽ có nhiều cán bộ y tế không thể bám trụ được. Nhiều lúc cũng sợ vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi cũng có thể bị nhiễm virus, mang mầm bệnh đó về cho gia đình và người thân của mình, tuy nhiên vào những lúc ấy, chúng tôi luôn động viên nhau vượt qua” - Thượng úy Ngọc bộc bạch.

Mẫu phẩm lấy từ bệnh nhân - Ảnh ĐỨC NAM

Bệnh viện CATP từ lâu trở thành địa chỉ tin cậy trong công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị cho CBCS đang công tác tại CATP. Chính nhờ sự chủ động ứng phó, đến thời điểm hiện tại, mỗi trụ sở CA tại thành phố đã trở thành một “pháo đài” kiên cố không có dịch Covid-19. Điều này không chỉ có ý nghĩa riêng với ngành CA mà còn khẳng định tầm quan trọng trong nhiệm vụ chung tay đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm.

Sự hi sinh thầm lặng trên mặt trận cam go

Ngay từ khi đợt dịch thứ 2 bùng phát tại Việt Nam và làn sóng người nước ngoài nhập cư trái phép vào, các đơn vị nghiệp vụ của CATP đã phải căng mình truy dấu, đảm bảo an ninh trật tự tối đa, hạn chế rủi ro đem mầm bệnh từ bên ngoài vào. Hàng chục trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, đang lưu trú trên địa bàn thành phố cũng liên tục bị phát hiện. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với TPHCM nói riêng và cả nước nói chung trong công tác kiểm soát dịch bệnh.

Ông Ngô Minh Châu - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, thời gian qua TPHCM đã đẩy mạnh rà soát, phát hiện, giám sát người nhập cảnh. Trong đó, đã phát hiện 123 người  và được chuyển đến khu cách ly tập trung. Kết quả xét nghiệm đều âm tính. Công an cũng phát hiện 2 đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, thành phố đã chỉ đạo cơ quan điều tra củng cố hồ sơ khởi tố bị can.

Các chiến sĩ công an căng mình kiểm tra tại các chốt kiểm soát tháng 5-2020 - Ảnh Phạm Nguyễn

Ngoài truy dấu người nhập cảnh trái phép, hàng loạt đường dây buôn lậu khẩu trang (KT), găng tay y tế giả, kém chất lượng cũng được các chiến sĩ CATP phát hiện, triệt phá. Bên cạnh đó, CA còn phát hiện 12 vụ, thu 22 thùng KT, 344.500 KT và hơn 2 triệu găng tay đã qua sử dụng được tái chế để bán ra thị trường.

Đây là những nỗ lực rất lớn của CBCS CA nhằm góp phần phòng chống, kiểm soát tốt bệnh dịch, bảo vệ sức khỏe người dân và an ninh trật tự của đất nước, khi cả thế giới khủng hoảng, lao đao vì đại dịch.

Những phần quà ý nghĩa của các chiến sĩ CSGT gửi đến người dân giữa lúc dịch bệnh khó khăn - Ảnh ĐỨC NAM

Có thể nói, đợt dịch thứ 2 đang bùng phát trở lại trong nước đến thời điểm hiện tại cơ bản đã được kiểm soát tốt tại TPHCM. Người dân thành phố vẫn chưa quên hình ảnh những chiến sĩ cảnh sát giao thông ướt đẫm mồ hôi đứng chốt chặn tại các trạm kiểm dịch ở cửa ngõ thành phố, hay hình ảnh anh cảnh sát khu vực tay xách nách mang từng giỏ thực phẩm, gõ cửa giao từng nhà dân trong những ngày cách ly xã hội.

Rõ ràng ngoài những nỗ lực không mệt mỏi của các bác sĩ nơi tuyến đầu thì sự góp sức, hy sinh thầm lặng của lực lượng CA đã trở thành lá chắn thép bảo vệ sức khỏe nhân dân.

(Còn tiếp...)

Phải đảm bảo phòng chống lây nhiễm tốt nhất cho CBCS

Đó là phát biểu của trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ CA, trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bênh Bộ CA - tại Hội nghị trực tuyến đến điểm cầu tại CA tất cả các tỉnh, thành trong cả nước về phòng chống dịch Covid-19 do bộ tổ chức ngày 9-8 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, CA các đơn vị, địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; bên cạnh tập trung phòng chống dịch, tiếp tục chủ động các phương án trong công tác bảo đảm ANTT, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Hiện nay, trong CAND đã xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên, do đó một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác phòng chống dịch của lực lượng là phải đảm bảo phòng chống lây nhiễm tốt nhất cho CBCS. Thủ trưởng đơn vị phải cung cấp đầy đủ thông tin về chức năng, phân công nhiệm vụ cho từng CBCS; nâng cao kiến thức y tế về phòng chống dịch; ý thức bảo vệ chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ cần thiết cho CBCS khi tham gia nhiệm vụ; thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo...
Mai Loan

Bình luận (0)

Lên đầu trang