Khi “mắt thần”… phản chủ!

Thứ Năm, 30/07/2020 14:27

|

(CATP) Để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, nhiều người lựa chọn lắp đặt camera giám sát trong nhà. Nhưng vì không hiểu hết tính năng và thiếu sự đề phòng, nhiều gia chủ phải ôm hận vì bị “mắt thần”… phản chủ!

Từ cảnh sinh hoạt riêng tư của một nghệ sĩ đến những hình ảnh phản cảm không thể chấp nhận được của một phụ nữ với 3 trẻ nhỏ vô tình bị hacker đánh cắp rồi phát tán lên không gian mạng, rõ ràng mối lo ngại về thực trạng mất an ninh đối với hệ thống thiếu bị giám sát tư gia đang gióng lên hồi chuông đáng báo động.

Từ giám sát đến… bị giám sát?!

Đầu năm nay, dư luận rúng động khi những hình ảnh sinh hoạt đời tư của một nghệ sĩ bị hacker đánh cắp và phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Hacker tự xưng là “Hackerptg” đã đánh cắp dữ liệu từ hệ thống giám sát tại nhà riêng của nghệ sĩ trên từ nhiều năm trước. Thời điểm vụ việc xảy ra, kẻ này còn ngang nhiên tuyên bố sẽ tiếp tục đăng tải các clip khác như một động thái dằn mặt. Sự việc xảy ra gây tổn thương không nhỏ đến cuộc sống của khổ chủ.

Từ giám sát đến… bị giám sát?!

Mới đây nhất, mạng xã hội tiếp tục chia sẻ nhiều hình ảnh, clip trích xuất từ camera quay cảnh phòng ngủ có 1 phụ nữ, 1 bé gái và 2 bé trai, với những hành động nhạy cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, không thể chấp nhận được.

Clip ghi lại cảnh người phụ nữ trong trạng thái bán khỏa thân nằm trên giường, bấm điện thoại, xung quanh là 3 đứa trẻ được cho là con của cô ta. Có hình ảnh thể hiện cô ta để cho 3 đứa trẻ đụng chạm vào “vùng kín” của mình. Ngoài ra, còn có clip ghi lại cảnh “quan hệ” giữa người phụ nữ và một người đàn ông.

Đoạn clip phản cảm của người phụ nữ với 3 cháu bé bị hacker phát tán trên mạng

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook từng rộ lên chuyện về những clip ghi lại cảnh sinh hoạt riêng tư của vợ chồng bị lộ từ chính… camera an ninh trong nhà họ. Người tiết lộ clip đó lên mạng tự xưng là… thợ đã lắp đặt camera (!).

Đằng sau những thiệt hại về danh dự khó lòng bù đắp được là những mối lo vô hình về cách thức sử dụng, quản lý thiết bị giám sát an ninh. Từ chỗ lắp camera an ninh để theo dõi hoạt động của người lạ hoặc người làm, chủ nhà không ngờ mình lại bị theo dõi, thậm chí có trường bị kẻ xấu tống tiền vì trót lộ clip khỏa thân. Cớ sự dẫn đến những sự cố đáng tiếc này là từ đâu?

Lỗ hổng bất ngờ

Dạo quanh các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Kim (Q10), khu chợ Dân Sinh (Q1) hay các cửa hàng phụ kiện điện tử ở nhiều nơi trên địa bàn TPHCM, người dân không khó để sở hữu 1 camera giám sát có chức năng theo dõi từ xa. Giá các thiết bị này thì chỉ từ 500 - 600 nghìn đồng, thận chí có cửa hàng còn rao bán giá thấp hơn một nửa so với mặt bằng chung. Giá tiền thấp, dễ lắp đặt nên những sản phẩm này được không ít người tiêu dùng lựa chọn.

Nhiều loại camera giám sát được rao bán trên thị trường

Camera an ninh được bày bán trên thị trường hiện nay có thể chia thành 2 hình thức lưu trữ, truy cấp dữ liệu thông dụng. Loại thứ nhất sử dụng trực tiếp nguồn điện, lưu trữ trên không gian mạng (còn gọi là đám mây điện tín), được truy cập trên nền tảng ứng dụng miễn phí, đại trà. Loại thứ hai được đấu nối với nguồn điện, có dây truyền tín hiệu tới đầu thu lưu trữ tập trung. Người sử dụng muốn theo dõi từ xa, truy cập vào hệ thống camera thì phải thuê hệ thống điện tử và trả phí hàng tháng.

Về lý thuyết, loại camera được vận hành theo hình thức lưu trữ thông qua đầu thu và phải mất tiền thuê hệ thống quan sát từ xa có mức độ bảo mật cao hơn, do đảm bảo được tính bí mật hệ thống, không phải sử dụng chung hệ thống quản trị miễn phí, đại trà. Tuy nhiên, vì lý do chi phí lắp đặt, quy trình vận hành phức tạp nên cách vận hành này thường không được ưu tiên sử dụng.

Chất lượng của các loại camera bày bán công khai “thượng vàng, hạ cám”

Hầu hết loại camera an ninh được nhiều gia đình sử dụng hiện nay đều là dạng camera IP kết nối qua Internet wifi. Việc lắp đặt đơn giản, chỉ cần kết nối mạng wifi, vị trí gắn đâu cũng được, miễn có nguồn điện để thiết bị hoạt động liên tục. Tuy nhiên, khâu lắp đặt ban đầu có chút khó khăn trong thao tác thiết lập tài khoản quản lý, theo dõi từ xa trên các thiết bị điện thoại thông minh. Vì vấn đề này, nhiều chủ sở hữu các “mắt thần” đã giao phó toàn bộ quyền thiết lập cho nhân viên kỹ thuật hoặc có thể thuê nhân viên dịch vụ kỹ thuật đến nhà cài đặt.

Tuy vậy, sau khi bàn giao hệ thống cho chủ nhà, người dân thường không có thói quen thay đổi mật khẩu hoặc giao hẳn cho nhân viên lắp đặt để tiện sửa chữa, bảo trì. Đây là thói quen nguy hiểm trong việc sử dụng camera an ninh gia đình, khiến việc đảm bảo bí mật không an toàn, không loại trừ khả năng có người lợi dụng điều này để truy cập phần mềm quản lý của khổ chủ và có thể “sở hữu” những hình ảnh, clip “nóng” từ camera an ninh. Hậu quả là những bài học nhãn tiền được phơi bày suốt thời gian vừa qua.

Làm gì để “mắt thần” không phản chủ?

Đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng rò rỉ ảnh, clip “nóng” của cá nhân từ camera an ninh gia đình. Đặc biệt, nhiều người không ngần ngại đặt camera ở những nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động riêng tư như... phòng ngủ, thậm chí là phòng tắm. Hàng trăm ngàn lý do được đặt ra cho ý định của gia chủ, nhưng suy cho cùng, với cách lắp đặt như vậy, chính chủ nhà tự đặt mình vào nguy cơ bị theo dõi ngược mà không hề hay biết.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) từng cảnh báo, camera an ninh là một trong những thiết bị có lỗ hổng an ninh mạng nhiều nhất tại Việt Nam. Cụ thể, đang có đến hơn 310.000 thiết bị có lỗ hổng, gây nguy cơ mất an toàn thông tin.

Chất lượng của các loại camera bày bán công khai “thượng vàng, hạ cám”

Ông Đinh Duy Linh (Giám đốc Trung tâm Đào tạo bưu chính viễn thông II, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) cho biết: Trường hợp xâm nhập, đánh cắp dữ liệu từ camera giám sát theo phương thức công nghệ cao có xảy ra, nhưng không nhiều, vì mức độ phức tạp trong cách thức triển khai. Kẻ xấu thông thường sẽ ăn cắp dữ liệu trực tiếp từ nguồn thu. Trường hợp này có thể do nhân viên, người thân, bạn bè… của chủ camera thực hiện.

Cách thứ hai là việc sử dụng mật khẩu truy cập ứng dụng quản lý của chủ sở hữu và thực hiện hành vi ăn cắp dữ liệu. Việc này xuất phát từ tâm lý lơ là của người dùng, không chủ động đổi mật khẩu; hoặc do nhân viên lắp đặt lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dùng để thực hiện mưu đồ xấu.

Ai được quyền quản lý hình ảnh camera giám sát?

Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát trên những tuyến đường, khu dân cư phức tạp của lực lượng công an để phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự là đúng đắn. Tuy nhiên, việc lắp đặt camera trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, gia đình cần xem xét sao đúng pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư, bí mật.

Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM), đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp cá nhân phát hiện bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến quyền nhân thân đối với hình ảnh của mình, cá nhân có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, đồng thời bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang