Hiện nay đang là mùa cao điểm du lịch trong năm. Mới đây, Hiệp hội du lịch Việt Nam phối hợp với VietNam Airlines tổ chức phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc năm 2020.
Các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ phụ trợ cũng nhanh chóng tung hàng loạt khuyến mãi để kích cầu du lịch nội địa, sau những thiệt hại nặng nề bởi đại dịch.
Đây cũng là cơ hội để những đối tượng lừa đảo tung chiêu trò trà trộn. Đánh vào tâm lý ham rẻ của khách hàng, lập nên công ty, đại lý và tung ra những combo du lịch giá rẻ, những chùm tour du lịch giá siêu rẻ.
Combo du lịch giá rẻ được quảng cáo nhan nhản trên các trang mạng xã hội.
Trả “giá đắt” chỉ vì ham của rẻ
Mùa hè, mùa du lịch, thời điểm nhiều người chọn đi du lịch nghỉ dưỡng. Chương trình kích cầu du lịch được phát động, đã có rất nhiều ưu dãi, giảm giá, không giảm chất lượng dịch vụ hoặc giữ giá nhưng tăng thêm các dịch vụ cho khách du lịch. Đây có thể gọi là cơ hội vàng để tìm hiểu, khám phá về đất nước. Do vậy, để tìm tour du lịch giá rẻ thời điểm này không khó.
Trước vô vàn chương trình khuyến mãi hấp dẫn như vậy, du khách chỉ cần vào mạng là có trọn gói thông tin của một tuor du lịch. Vì tính chất "vô hình" của sản phẩm, cần trải nghiệm mới biết chất lượng tour thế nào, một số công ty đã đưa ra mức giá cực thấp so với giá của các thương hiệu du lịch có uy tín, cùng những lời hứa hẹn có cánh nhằm thu hút khách hàng. Và hiện trên mạng xã hội xuất hiện nhan nhãn các công ty, đại lý tung ra những combo du lịch giá rẻ như cho.
Đã có nhiều người khi xem xong và đặt ngay một tour cho gia đình, người thân đi du lịch mà không tìm hiểu thêm thông tin. Thậm chí đặt và chuyển tiền nhanh vì sợ mất cơ hội khuyến mãi giá rẻ. Chính vì sự chủ quan đó, chính bản thân họ đã sa vào “bẫy” của những đối tượng lừa đảo.
Mới đây, mạng xã hội xôn xao câu chuyện về phòng vé tên A.A bán combo du lịch nghỉ dưỡng giá siêu rẻ, bất ngờ ôm hàng chục tỷ đồng bỏ trốn. Cụ thể hơn, một số khách hàng cho biết đại lý này bán combo du lịch Hà Nội - Nha Trang 3 ngày 2 đêm với giá chỉ 2 - 2,4 triệu đồng. Mức tiền này đã bao gồm vé máy bay khứ hồi, khách sạn 4 sao, buffet ăn sáng mỗi ngày, sử dụng bể bơi, khu vui chơi miễn phí và nhiều dịch vụ miễn phí khác. Trong khi đó, mức giá thực tế của một combo như vậy hiện nay rơi vào khoảng 4 - 5 triệu đồng.
Combo du lịch giá rẻ được quảng cáo trên các trang mạng xã hội
Khi gần đến ngày đi và không thấy ai liên lạc lại, một số khách hàng đến địa chỉ của phòng vé để tìm hiểu nguyên nhân thì thấy địa chỉ đăng ký của nó đã đóng cửa im lìm, toàn bộ thông tin quảng cáo, biển hiệu đã bị tháo dỡ.
Các cộng tác viên của phòng vé này cho biết người đứng đầu của nơi này đã bỏ trốn, ôm theo toàn bộ tiền bán combo. Ước tính số tiền này lên đến khoảng 10 tỷ đồng vì đại lý này có hàng trăm cộng tác viên bán hàng.
Một bạn nữa cũng vừa chia sẻ trên trang Hiệp hội du lịch Việt Nam rằng “Mình vừa bị lừa các bạn ạ. Mình đặt cho khách combo Hà Nội – Phú Quốc qua một facebook P.H. Khách đặt cọc 50% tiền rồi xong liên hệ không được…”. Bạn này cho biết giờ liên lạc qua điện thoại không được, còn qua trang facebook thì không có câu trả lời.
Chị Thúy Loan (ngụ quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh), một người từng dính phải một trang bán vé du lịch giá rẻ lừa đảo chia sẻ: “Được chào mời mua combo du lịch đi đảo Phú Quốc giá rẻ của một trang du lịch giá rẻ trên mạng xã hội. Đi 3 người với giá trọn gói 9 triệu 9 trăm ngàn đồng. Sau cuộc trao đổi với nhân viên công ty, tôi đã chuyển hết số tiền cho bên công ty du lịch đó. Chuyển tiền thì ngày hôm sau tôi gọi để hỏi thêm về lịch trình thì không còn liên lạc được nữa; trang facebook mà trướcđó tôi liên hệ đã bị chặn; sau đó liên lạc nhiều lần vẫn không được. Tôi đành chịu mất tiền vì không có một cơ sở nào để báo với cơ quan chức năng…”
Bên cạnh chiêu móc túi của khách hàng rồi biến mất thì một số công ty đã dùng phương thức cắt giảm dịch vụ. Rằng quảng cáo thì ở khách sạn 4 – 5 sao, ăn buffe sáng, xe đưa đón… Nhưng khi khách đến nơi thì được biết mọi thứ hoàn toàn khác, tất cả các dịch vụ đều kém hơn so với thỏa thuận ban đầu.
Anh Phạm Viết Khoa (ngụ quận 12) kể, đợt đầu tháng 6 vừa rồi gia đình anh khốn đốn khi đi du lịch Đà Lạt. Ban đầu, khi đăng ký tour giá rẻ hơn bình thường đến 700 ngàn đồng/người, cả nhà đều rất vui.
Nhưng đến Đà Lạt rồi mới biết, khách sạn tiêu chuẩn ba sao trong hợp đồng chỉ bằng phòng trọ cho thuê, nằm cách xa khu trung tâm. Xe đưa rước là xe ô tô cũ nát và không có điều hòa. Nhà hàng đặc sản thì thực ra là quán cơm bình dân, thậm chí, 30 người trong đoàn chỉ được xếp 4 mâm và món ăn chủ yếu là xà lách trộn.
Nhiều du khách cùng đoàn bức xúc vì chất lượng bữa ăn quá tệ, gọi thêm món theo nhu cầu thì bị tính với mức giá "trên trời". Đi chơi thì tới mỗi địa điểm chưa kịp xem phong cảnh thì đã bị nhân viên đoàn lữ hành hối gọi lên xe để đến địa điểm khác; đi du lịch mà như là đi dạo cho xong để về. Cho đến giờ tôi còn ám ảnh cảnh đi du lịch mà như đi cửu vạn đó”.
Một khách hàng bị lừa sau khi đặt vé du lịch combo giá rẻ, chia sẻ trên mạng xã hội.
Ngoài ra, còn có một số phòng vé bán combo du lịch giá rẻ còn có cả chiêu phòng vé nhận tiền của khách rồi viện lý do hủy tour. Nhìn chung những trường hợp bị lừa đảo là vì ham rẻ; thấy rẻ là đặt mà không phân biệt thật hay giả nữa.
Các Công ty, đại lý bán vé, tour du lịch dạng lừa đảo thường đánh vào tâm lý thích rẻ của khách hàng để bán combo, với giá chỉ bằng một nửa so với những hành trình cùng loại trên thị trường.
Có nhiều người săn vé rẻ nhưng rồi lại phải trả cái giá đắt khi bị lừa hoặc trải nghiệm một hành trình du lịch kém chất lượng. Do nhiều người không tìm hiểu kỹ đã vội đăng ký, đặt cọc để rồi tiền mất mà dịch vụ du lịch không như ý hoặc thậm chí mất tiền oan.
Nhận biết thật giả để không bị lừa
Thực tế, các chương trình khuyến mãi, giảm giá đều có ở mùa thấp điểm. Còn mùa cao điểm, du khách đông lên thì phía công ty lữ hành phải có sự điều chỉnh giá cho phù hợp. Mùa cao điểm là những tháng hè, tháng 7, tháng 8 tìm dịch vụ du lịch rất khó. Trong khi mọi người tìm giá rẻ lại càng khó hơn. Trong thời điểm từ nay đến hết cao điểm du lịch hè (tháng 9) sẽ không có giá rẻ.
Qua khảo sát giá vé combo du lịch đến một số địa điểm được biết hiện tại giá cao. Nhân viên một phòng vé ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết giá vé nay rất cao, chỉ có đặt qua tháng sau mới đi thì mức giá có hạ nhiệt hơn.
Combo du lịch thường mang đến sự tiện lợi cho khách hàng bởi đã được trang bị trọn gói; không cần mua riêng lẻ từng dịch vụ nữa. Hầu hết khách hàng đặt mua vé du lịch qua người quen rao bán trên mạng hoặc các đại lý có nhiều tương tác tốt ở mạng xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều đại lý trả chi phí đăng quảng cáo bán vé trên mạng cập nhật thường xuyên, với hình ảnh đẹp và giá rẻ thật sự. Và khi đã có được đánh giá tốt, thu hút nhiều tương tác thì họ sẽ tuyển nhiều cộng tác viên rồi rao bán combo chi nhánh, cũng với giá quá rẻ để thu số tiền thật lớn và biến mất.
Khách hàng nên chọn những công ty du lịch, đơn vị lữ hành có uy tín, tìm hiểu rõ chi phí thực tế của một chuyến du lịch từ những công ty có cơ sở để khi gặp vấn đề vẫn có thể khiếu nại. Đặc biệt, không nên tin vào những combo quá rẻ vì khi chọn những gói du lịch rẻ thì dịch vụ đi kèm chất lượng cũng thường thấp kém hơn.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục du lịch cho biết, khi triển khai chương trình kích cầu du lịch thì trong quá trình đi làm việc với các địa phương, chúng tôi cũng thấy tình hình lộn xộn; tình trạng nhiều người, đơn vị bán combo không có chức năng. Những đơn vị sau thời gian giãn cách xã hội, cho nhân viên nghỉ nên chất lượng cũng chưa được đảm bảo. Tổng cục du lịch cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát kiểm tra lại tất cả các hoạt động kinh doanh du lịch, phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách du lịch và đặt mục tiêu khách du lịch lên hàng đầu.
Vì chiêu thức lừa đảo tinh vi, các đối tượng lập nên kênh bán vé và sau khi đạt được mục đích đã vào mạng tự khóa, hủy trang mạng nên cơ quan chức năng cũng khó khăn quản lý, xử phạt. Để tự bảo vệ mình, du khách nên cảnh giác trước những chương trình tour giá rẻ và nên chọn những thương hiệu du lịch uy tín, đáng tin cậy.