Chuyện ly kỳ về những toán Fulro gần 20 năm ẩn náu trong rừng sâu:

Kỳ cuối: Hạnh phúc trong mơ

Thứ Sáu, 17/07/2020 14:17

|

(CATP) Trong hơn 20 năm ở rừng, những nhóm Fulro này đã sống ra sao? Họ uống máu của các con thú săn bắn được để thay cho vị mặn của muối. Ăn đọt mây rừng có vị đắng làm gia vị, còn “cơm” là củ mài, củ chụp. Con nít mới đẻ, phụ nữ mới sanh thì nghiền củ mài ra làm cháo, nấu với rễ cây “k-ròng-liền”. Sốt rét được trị bằng lá cây “păng-sét” nấu đặc...

Sà bông họ tự chế bằng cách đập dập thân cây “b-lách” cho nó sùi bọt. Bọt này cũng cay mắt như sà bông thật. Lửa được lấy rất nghệ thuật từ một viên đá thạch anh đập vào một mảnh sắt dày kẹp bùi nhùi. Cạo râu, cắt tóc bằng dao tự chế.

Họ dễ dàng lượm được sắt từ những mảnh bom sót lại trong một vài cánh rừng, mài sắc thành dao lớn, nhỏ đủ loại. Còn quần áo thì vào các nhà mồ lấy. Trong nhà mồ còn có xoong, nồi, chén, rìu, chóe (vì đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên có tục chia của cho người chết).

Từ trái qua: K’Lãi, K’Nisơn, Ka Lòng và cháu ngoại (con của Ka Brin), Ka Ely Sapét, K’Sờn, Ka Brin và K’Ớs. Ảnh: Minh Đạo

Sau khi bắn được thú rừng bằng cung nỏ, họ sử dụng máu và bộ lòng con vật trước. Các chỗ thịt ngon hoặc được bỏ vào chóe bịt kín miệng (choé), ngâm dưới suối bảo quản ăn dần hoặc được phơi, sấy làm lương thực dự trữ. Đá với lửa là đồ chơi của mấy đứa con nít, thỉnh thoảng cha chúng lại tặng thêm con khỉ chơi cho có bạn.

Cô bé “Fulro nhí” 9 tuổi giờ ra sao?

Cuối năm 2018, chúng tôi gặp lại gia đình ông K’Sờn. Căn nhà đầu tiên chúng tôi dừng chân là nhà cô Ka B’rin, 29 tuổi, đã làm vợ, là mẹ 2 con, đảm đang, tháo vát. B’rin lấy chồng, ở ngay trung tâm thị trấn Lộc Thắng, được nhà chồng cho đất, cất căn nhà xây khang trang ở riêng. Vợ chồng Ka B’rin còn được nhà chồng cho đất trồng chè, cà phê nên cuộc sống khấm khá.

Hỏi cô còn nhớ chuyện khi mới được đưa từ rừng về Công an huyện Bảo Lâm, thấy cái ti vi thì sợ. B’rin cười, vẻ mặt xấu hổ: “Em vẫn nghe bố mẹ với mấy chú kể. Cả cậu em K’Nison cũng lấy chuyện này chọc em hoài. Em có trí nhớ tốt lắm, lúc đó em đã 9 tuổi nên em vẫn còn nhớ. Hồi đó đến giờ đúng là thay đổi thật. Lúc mới ở rừng ra em rất sợ cái ti vi, sau đó nghe bố nuôi với mẹ giải thích, em hết sợ rồi và còn "nghiện" nó nữa. Đến giờ thì không tối nào không ngồi coi phim”.

Kể về con gái, bà Ka Lòng đầy vẻ tự hào: B’rin học giỏi lắm, năm nào cũng được học sinh tiên tiến. Nhưng vì bố mẹ khó khăn, là con gái lớn, B’rin nghỉ học đi làm vườn, làm thuê cho người ta, lấy tiền về phụ giúp bố mẹ nuôi 2 em nhỏ ăn học. Bây giờ thì lo cho chồng, con. Chồng B’rin là anh K’Lý, có cha là ông K’Branh – từng giúp Công an đi tìm, gọi Fulro trong rừng trở về cuộc sống đời thường.

Vợ chồng ông K’Sờn sau ngày trở về sinh thêm 1 cô con gái út, đặt tên Ka Ely Sapét, đang là nữ sinh cấp 3. Họ vẫn ở căn nhà cấp 4, rộng khoảng 30m2, tường quét vôi xanh sạch sẽ và ngăn nắp, ở xã Tân Rai, huyện Bảo Lâm. Đây là căn nhà gia đình ông K’Sờn được nhà nước cấp theo dạng nhà tình thương của chương trình 168 TTg.

Tóc đã bạc, ông K’Sờn kể: Nhà mình được cấp hơn 2 ha đất, trồng chè và cà phê, được Hội nông dân cho vay vốn, cán bộ và bà con hướng dẫn kỹ thuật, cây trồng cho năng suất cao, cuộc sống ổn định, con cái được đi học. Thật chẳng ngờ gia đình mình có được ngày hôm nay, thực sự được “giải phóng”, được làm người đúng nghĩa. Mình vẫn dạy con cái biết ơn Đảng, nhà nước.

Bà Ka Lòng kể: Khi cuộc sống yên ổn, bà đã về xã Nậm Ka, huyện K’Rông Nô, tỉnh Đắk Lắk (hiện thuộc tỉnh Đắk Nông) tìm lại được 4 người thân trong gia đình. “Hôm mình cưới chồng cho con gái Ka Brin (năm 2009), có 12 người trong dòng họ bên K’Rông Nô thuê xe qua dự lễ đó!..”.

Vợ chồng ông K’Lãi hiện sống bình yên, đủ đầy trong căn nhà “tình thương” được nhà nước cấp ở buôn B’Kẻh, xã Lộc Ngãi – Bảo Lâm. “Nhà nước cấp cho 2 ha đất, vợ chồng mình bán hết hơn phân nửa để chữa chạy bệnh tật. Bữa cơm hàng ngày đều có thịt, cá, rau tươi. Ốm đau thì bệnh viện gần đây rồi. Giờ bưng bát cơm ăn mà nhiều khi cứ khóc không dứt. Hạnh phúc cứ như trong mơ” – ông K’Lãi tâm sự.

Nhà ông K’Ớt ở ngay trung tâm thị trấn Lộc Thắng. Ngày ông bị Fulro bắt đi, vợ chồng ông đã có 4 đứa con, sau vợ ông “bắt” chồng mới. Hiện ông đã có 11 cháu nội, ngoại. Được cấp 2 ha đất, ông chia cho con cái 1 ha, còn lại canh tác, làm lán ở. Căn nhà “tình thương” ông tặng lại cho người bà con.

Hầu hết những người theo Fulro ngày ấy giờ đều có cuộc sống ổn định. Nhiều người khá giả, giàu có, con cái được ăn học. Nhiều người trong số đó trở thành cán bộ, có người trở thành lãnh đạo (như ông Nahria Ya Duk – Phó Chủ tịch Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Đại biểu Quốc hội hai khóa XII, XIII). Họ còn là nông dân sản xuất giỏi, công dân gương mẫu trong phong trào quần chúng BVANTQ hoặc tiếp tục phát huy tài trí, uy tín của mình, làm đại diện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trong cơ cấu chính quyền.

Những bức thư cho các thủ lĩnh, tướng tá Fulro sau khi bị bắt hoặc trở về hàng cách mạng đã viết để gửi vào rừng kêu gọi đồng bào, anh em trở về xây dựng buôn làng. Ảnh tư liệu
Kỳ 4: Niềm vui ngày trở về
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang