Phương án nào cho loa kẹo kéo đang ngày đêm tra tấn người dân?

Chủ Nhật, 26/07/2020 18:58

|

(CAO) Chủ đề chấm dứt hát karaoke bằng loa xách tay (thường gọi là loa kẹo kéo) đang là vấn đề được bàn luận nóng hổi tại TP.Hồ Chí Minh. Bởi nhiều hộ dân đang rất bức xúc khi bị “tra tấn” âm thanh mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm.

Và cũng chính chiếc loa này là nguyên nhân gây nên bất hòa và thậm chí có cả án mạng xảy ra. Trước thực trạng đó, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh cho rằng hát karaoke bằng loa kéo di động không còn là loại hình giải trí đơn thuần nữa mà đang trở thành vấn nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Vấn nạn từ loa kéo

Với thiết kế nhỏ gọn, đa năng, không phải kết nối dây điện rườm rà, cách sử dụng thì rất đơn giản, lại có giá thành rất rẻ, có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, tùy thuộc vào mục đích sử dụng của người mua. Đa số người mua loa kéo dùng để hát karaoke, nghe nhạc bởi loa kéo có công suất lớn, và tính năng kết nối bluetooth, có màn hình. Một số sử dụng loa kéo di động này để tổ chức sự kiện, truyền thông, quảng cáo…

Đặc biệt, ngày càng nhiều người sử dụng loa kéo để kiếm tiền, bằng việc kéo loa hát rong, hát dạo để bán hàng. Vì sự tiện lợi của loa nên tiếng hát râm ran khắp mọi nẻo đường. Cũng từ đó nhiều biến tướng từ chiếc loaxách tay này.

Có chiếc loa kéo, từ già trẻ đến lớn, bé ai cũng có thể hát; hát mọi lúc mọi nơi; một số người sau khi nhậu say xỉn kéo loa ra “quằn quại” hò hét, mặc cho những người xung quanh phải gồng mình chịu đựng những giọng ca “bất đắc dĩ” phát ra từ những chiếc loa bất chấp mọi khung giờ.

Sự kiện vui, tiệc khai trương cũng hát, đám ma, đám cưới cũng lôi loa ra hát. Bị “tra tấn” âm thanh khiến nhiều người rất bức xúc nhưng không dám lên tiếng vì sợ mích lòng, trả thù. Từ nhạc trữ tình được yêu thích “đắp mộ cuộc tình”, “Vùng lá me bay” vốn rất dễ nghe bỗng chốc hóa nỗi ám ảnh của người dân. Điều đáng nói là những chiếc loa này có độ âm thanh rất vang nên việc phổ biến loa kéo trên mọi nẻo đường trở nên náo loạn tiếng ồn.

Nhiều người hát karaoke bằng loa kéo mọi lúc mọi nơi.

Ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke di động từ loa kéo đã trở thành bức xúc với người dân nhiều năm nay. Cũng đã có rất nhiều mâu thuẫn, tranh cãi và án mạng cũng từ việc hát karaoke loa kéo này.

Ngày 28/12/2019, hai nhóm thanh niên đang nhậu tại phòng trọ sát nhau tại TP. Bạc Liêu thì nhóm của anh Nguyễn Khánh Duy (32 tuổi) có hát karaoke bằng loa kéo. Do ồn ào, nhóm thanh niên nhậu phòng kế bên đã lên tiếng và sau đó hai bên xảy ra cự cãi. Bất ngờ, một thanh niên dùng dao đâm vào vùng cổ khiến anh Duy tử vong.

Gần đây, ngày 15-4-2020, vụ án mạng xảy ra trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Thanh Khoa (30 tuổi, quê Bến Tre) ngồi nhậu và hát karaoke bằng loa kẹo kéo tại nhà trọ của người quen. Nghe ồn ào, ông Bình (50 tuổi, ở trọ kế bên) nhắc nhở thì 2 bên xảy ra xô xát. Trong lúc ẩu đả, Khoa đã dùng dao đâm ông B. nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong.

Sáng 9-7-2020, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh lần thứ 20 khóa IX, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND thành phố đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp, nhắc nhở người dân tự giác thực hiện.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố cho rằng thời gian qua, cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết trong xử lý trường hợp hát karaoke với tiếng ồn quá lớn. Nhiều hộ dân liên tục bị "tra tấn" vì loa kéo, gây bất hòa, thậm chí đã xảy ra án mạng.

Cần một phương án

"Hát karaoke di động không còn là loại hình giải trí đơn thuần mà đã và đang trở thành vấn nạn, gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân", bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.

Chúng tôi đã khảo sát ý kiến người dân. Rất nhiều người không đồng tình với việc loa kẹo kéo.

Sống tại khu vực ngã ba Đông Quang, đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, chị Ngô Thị Thúy An từ lâu không được sống yên tĩnh. Bởi ở đây nhiều người tụ tập ăn nhậu và hát hò tới khuya. Một số người nhậu xong tại quán vỉa hè và có loa kẹo kéo của mấy người hát rong là nhào vào hát ầm ĩ tận hơn 22 giờ khuya vẫn chưa nghỉ.

Vì con nhỏ không ngủ được, nhiều lần chị An đã nhắc nhở nhưng họ không nghe. Nay có bà Tô Thị Bích Châu ý kiến bàn về sự chấm dứt tình trạng hát karaoke bằng loa kẹo kéo gây ồn, chị Thúy An rất mừng và mong chính quyền sớm có phương án xử lý.

Tình trạng nhiều người hát karaoke bằng loa kéo mọi lúc mọi nơi.

“Vô cùng cần thiết việc đưa ra chế tài cho hành vi đem loa ra đường ngồi hát, cần hát giải trí thì nên đến các tụ điểm karaoke hoặc đóng kín cửa phòng, cửa nhà lại rồi hát. Cứ hát ầm ĩ rồi dựa vào không có quy định không vi phạm khung giờ, rất mệt mỏi”, một người dân sống ở đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh chia sẻ.

Ông Phạm Hào (67 tuổi, ở khu cư xá Bắc Hải, quận 10) cho biết: “Là một cán bộ về hưu, nay tuổi đã cao, nghe loa âm thanh vang dội nhức đầu lắm. Mong chính quyền sớm can thiệp dẹp tình trạng hát karaoke ven đường. Nếu hát karaoke thì nên chỉnh âm lượng vừa đủ hoặc hát trong nhà âm thanh sẽ giảm đi rất nhiều. Hát phải có ý thức, chú ý khung giờ giấc nghỉ ngơi chung của mọi người”.

Một số tụ điểm ăn nhậu tại khu vực thành phố mới, tỉnh Bình Dương tình trạng hát karaoke bằng loa kéo vẫn diễn ra hằng ngày. Âm thanh vang dội cả khu phố, rất ồn ào. Những người dân nơi đây cũng mong chấm dứt việc hát bằng loa kẹo kéo này để được sống yên tĩnh hơn.

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm đến 6h sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100 - 300 ngàn đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200 – 600 ngàn đồng nếu tổ chức vi phạm). Quy định đã có mà vi phạm vẫn cứ tiếp diễn, phải chăng cơ quan thực thi pháp luật chưa thực sự nghiêm?

Để xử lý vấn nạn này cần phải nâng cao ý thức giáo dục cho người dân. Các cấp chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi công dân trong từng khu dân cư, tổ dân phố vì sự bình yên chung.

Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền như Sở Văn hóa - Thông tin, công an, chính quyền địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của mình cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát xử lý vi phạm đối với các cá nhân tổ chức như nhà hàng, quán karaoke, những người mua bán sử dụng loa gây tiếng ồn nếu vi phạm.

Như vậy, cần có một phương án cụ thể, hợp lý cho loa kẹo kéo. Nếu tiếp tục sử dụng thì phải tuân thủ thời gian quy định. Hoặc là chấm dứt tình trạng hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Áp dụng quy định xử lý nghiêm thì sẽ cấm được hoàn toàn tình trạng này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang