Đường dây ma túy của cựu cảnh sát Hàn Quốc được phát hiện như thế nào?

Thứ Tư, 22/07/2020 10:29  | Thanh Hoà

|

(CATP) 40kg ma túy đá vừa bắt giữ trong container đá granite ở cảng Cát Lái (Q2, TPHCM) là loại tinh khiết, khác hẳn ma túy đá hiện có trên thị trường, để phục vụ giới ăn chơi "thượng lưu".

Ngày 22-7, lãnh đạo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho biết, 40kg ma túy đá vừa phát hiện, bắt giữ trong container đá granite ở cảng Cát Lái (Q2, TPHCM) được vận chuyển sang Việt Nam bằng tuyến "Vip", khác hẳn các loại ma túy đá hiện có trên thị trường, để phục vụ giới ăn chơi "thượng lưu" tại Hàn Quốc.

ĐƯỜNG DÂY MA TÚY HOẠT ĐỘNG TINH VI

Từ đầu năm 2020, lực lượng nghiệp vụ của Cục PCMT&TP Bộ Tư lệnh BĐBP phát hiện dấu hiệu của một tổ chức tội phạm người nước ngoài, núp dưới doanh nghĩa doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Đường dây này khá phức tạp, bởi có sự tham gia của nhiều đối tượng mang các quốc tịch khác nhau, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, móc nối với các đối tượng người Việt Nam để mua bán, vận chuyển lượng lớn ma túy từ Việt Nam sang Hàn Quốc bằng đường biển.

Đặc biệt, các đối tượng trong đường dây liên tục di chuyển qua nhiều địa bàn, ngoài việc thuê kho bãi để bí mật hoạt động, chúng liên tục thay đổi nơi ở là các chung cư cao cấp có đông người nước ngoài cư trú để tránh sự chú ý, theo dõi của cơ quan chức năng.

Những kiện đá hoa cương giấu ma túy bên trong đã hoàn tất thủ tục chuẩn bị xuất sang Hàn Quốc

Trước tính chất phức tạp của tổ chức tội phạm này, Cục PCMT&TP Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (CSĐTTP) về ma túy Bộ Công an đồng xác lập chuyên án, tập trung lực lượng đấu tranh, triệt phá.

Qua xác minh, lực lượng trinh sát phát hiện, số đối tượng người Việt tham gia chuyên án thường là phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt, bị các đối tượng cầm đầu lợi dụng, lôi kéo vào đường dây.

Đây là thủ đoạn tương đối phổ biến của các đối tượng tội phạm ma túy gốc Phi trước đây từng sử dụng: nhắm tới những phụ nữ có hoàn cảnh éo le hoặc đã ly hôn, khó khăn về kinh tế, thiếu thốn tình cảm; sau đó tìm cách làm quen, tặng quà, mời đi du lịch nước ngoài miễn phí để tạo lòng tin, cảm tình, thậm chí cặp bồ với chúng, dần dà tham gia vào các hoạt động tội phạm hoặc mua bán ma túy.

Nhiều trường hợp, chị em phụ nữ bị chúng lừa gạt, nói rằng cho đi du lịch nước ngoài miễn phí, thậm chí còn cho thêm tiền để giới thiệu hàng mẫu, mà không biết rằng trong hàng mẫu là áo váy, đèn ngủ, tranh, thảm... đều đã bị giấu ma túy rất tinh vi trong cúc áo, khung tranh, ma túy được tẩm vào các sợi thảm trước khi dệt. Chỉ đến khi bị cơ quan chức năng của Việt Nam hoặc nước ngoài phát hiện, bắt giữ, lãnh án rất nặng, họ mới biết rằng mình đã vô tình thành "kẻ chết thuê” cho chúng với giá rẻ mạt.

Kẻ cầm đầu Kim Soo Sik và các đối tượng bị bắt giữ
Các đối tượng liên quan

Cầm đầu đường dây này là Kim Soo Sik (SN 1960, quốc tịch Hàn Quốc, cựu cảnh sát, có thâm niên 20 năm trong ngành). Y có thủ đoạn hoạt động cực kỳ tinh vi. Đối tượng này dùng chiêu cặp bồ để mở rộng đường dây. Theo tài liệu trinh sát, y chỉ đạo cô bồ tại TPHCM là Huỳnh Thị Hoa Trâm (SN 1980, ngụ P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức) đứng ra thành lập một công ty có chức năng xuất nhập khẩu, đăng ký địa chỉ tại đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức). Nhưng qua xác minh, đó chỉ là địa chỉ "ma", tại khu vực trên không có công ty nào như thế hoạt động.

Các đối tượng trong đường dây được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Hoạt động liên quan đến ma túy đều do các đối tượng chủ chốt thực hiện một cách bí mật. Quá trình hoạt động, chúng không gặp mặt nhau, mỗi người phụ trách một khâu, trao đổi qua các mạng xã hội: Zalo, Facebook, Viber....

CẤT MẺ LƯỚI LỚN

Sau nhiều ngày tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, huy động lực lượng bám nắm địa bàn, thu thập chứng cứ, theo dõi di biến động của từng đối tượng suốt 24/24 giờ, Ban chuyên án phát hiện, các đối tượng đến thuê kho trên Đường số 37 (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) để chứa vật liệu xây dựng, nhưng thuê trọ tại các chung cư cao cấp ở quận 2, 4, 9... Các đối tượng đưa những khối đá granite nặng hàng trăm ký đến kho, sau đó tạo hốc rỗng rồi nhét các gói nylon ma túy đá (dạng túi trà) vào trong, xếp khối đá khác xung quanh.

Những bịch nylon đựng ma túy đá được ép vào khoảng trống trong các tấm đá granite
Tang vật thu giữ là ma túy đá tinh khiết, đắt gấp 3 lần các loại hiện có trên thị trường

Nhận định thời cơ đã đến, Ban chuyên án quyết định "cất lưới". Đúng 23 giờ 30 ngày 18-7, Cục PCMT&TP Bộ Tư lệnh BĐBP và Cục CSĐTTP về ma túy Bộ Công an đồng chủ trì, phối hợp với Đội 6 - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Cục Kỹ thuật nghiệp vụ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), Phòng CSĐTTP về ma túy Công an TPHCM, BĐBP và Cục Hải quan TPHCM, huy động lực lượng, phương tiện tổ chức đồng loạt bắt, tạm giữ các đối tượng trong chuyên án, khám xét nơi ở tại 6 điểm trên địa bàn TPHCM.

Cụ thể, tại cảng Cát Lái, khi lô hàng nghi vấn có ma túy vừa ra tới cảng, đã thực hiện mở tờ khai hải quan, chuẩn bị khử trùng để đưa xuống tàu xuất sang Incheon (Hàn Quốc), lực lượng chức năng liền chặn lại kiểm tra.

Xe nâng được điều đến, tách những khối đá granite, phát hiện trong 4 kiện (mỗi kiện 1m3) có hàng chục bịch ma túy (tổng trọng lượng 40kg) được gói như những gói trà, giấu trong khoang rỗng của khối đá. Qua "test" nhanh, cơ quan chức năng xác định, đây là ma túy tổng hợp (MTTH) dạng đá (methamphetamine).

Cùng lúc đó, tại kho hàng 15/1 trên Đường số 37 (P.Linh Đông), Ban chuyên án tạm giữ Kim Soo Sik và Huỳnh Thị Hoa Trâm. Tại căn hộ số A2-1008 của chung cư Sarimi (số 74 Nguyễn Cơ Thạch, P.An Phú, Q2), một tổ công tác khác tạm giữ Li Jun Hao (SN 1986, quốc tịch Trung Quốc).

Tại căn hộ số 20.17 của chung cư River Gate (số 134 bến Vân Đồn, P5, Q4), lực lượng chức năng bắt thêm Li Tianguam (SN 1975, quốc tịch Trung Quốc). Qua khám xét, thu giữ 27 viên nén, 6 gói nhỏ chứa tinh thể màu trắng, 1 gói nhỏ chứa tinh thể màu xanh, nghi đều là MTTH.

Tại chung cư Catavil (số 1 đường Song Hành, P.An Phú, Q2), các trinh sát bắt Kang Seon Hak (SN 1993, quốc tịch Hàn Quốc). Ngoài ra, Ban chuyên án tạm giữ 5 đối tượng người Việt ngụ TPHCM có liên quan đến hoạt động của đường dây tội phạm trên để điều tra.

Qua đấu tranh khai thác ban đầu, các đối tượng đều thừa nhận liên quan trực tiếp đến lô hàng và khai nhận đó là ma túy, cất giấu trong lô hàng để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Quá trình đấu tranh, chuyên án đảm bảo chặt chẽ, an toàn tuyệt đối về người, vũ khí, trang bị lẫn phương tiện.

Lãnh đạo Cục PCMT&TP Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết, trước "chuyến hàng" bị bắt quả tang này, công ty trên đã vài lần xuất khẩu đá granite sang Hàn Quốc, với khối lượng tương đương, nộp thuế đầy đủ, nên có hồ sơ hải quan khá "sạch". Thủ đoạn cất giấu ma túy trong những khối đá xây dựng nặng hàng chục tấn như thế này là lần đầu tiên được phát hiện tại nước ta. Hiện nay, trên thế giới chưa có loại máy móc của lực lượng hải quan nước nào có thể soi chiếu qua được đá granite.

Đặc biệt, lô 40kg ma túy đá được đường dây tội phạm này lén lút đưa sang Hàn Quốc khác với các loại ma túy đá trên thị trường hiện nay, bởi độ tinh luyện của nó. Theo nguồn tin trinh sát, loại ma túy này giá đắt gấp 3 loại hiện có trên thị trường, trị giá khoảng 12 tỷ đồng, được cung cấp bởi đường dây "Vip", mặc dù cũng xuất phát từ "Tam giác vàng" qua Campuchia, về Việt Nam và phục vụ cho giới ăn chơi "thượng lưu" tại Hàn Quốc (một thị trường khá mới mẻ đối với các đường dây ma túy trong khu vực).

Được biết, đường dây tội phạm quốc tế này đang có dấu hiệu mở rộng hướng vận chuyển ra các cảng biển phía Bắc, để liên tục thay đổi địa bàn trung chuyển ma túy đến nước thứ 3, hòng qua mặt các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, dù tinh vi, xảo quyệt đến đâu thì "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", chúng phải thúc thủ trước nghiệp vụ tinh thông và sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng chức năng Việt Nam.

Hiện chuyên án vẫn đang được Cục CSĐTTP về ma túy Bộ Công an và Cục PCMT&TP Bộ Tư lệnh BĐBP đấu tranh mở rộng, triệt phá toàn bộ đường dây tội phạm nguy hiểm này.

Theo Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và Hàn Quốc (có hiệu lực từ năm 2005), mỗi bên đồng ý dẫn độ cho bên kia bất kỳ người nào đang có mặt trên lãnh thổ của nước mình mà bên đó yêu cầu để tiến hành truy tố, xét xử hoặc thi hành án về một tội có thể bị dẫn độ.

Điều 14 của Hiệp định quy định, tất cả các tài sản do phạm tội mà có hoặc cần để làm vật chứng sẽ được chuyển giao theo đề nghị của bên yêu cầu việc dẫn độ được phép thực hiện. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Việt Nam và Bộ Tư pháp Hàn Quốc có thể cùng nhau trao đổi trực tiếp về quá trình giải quyết các vụ việc cụ thể và duy trì, thúc đẩy các thủ tục để thực hiện Hiệp định này.

Bắt cựu cảnh sát Hàn Quốc cùng 40kg ma túy đá tại cảng Cát Lái
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang